“Đầu tư công tiếp tục là điểm nghẽn”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận như vậy trong phiên họp của Ủy ban Kinh tế vào cuối tuần trước nhằm thẩm tra báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 và kế hoạch năm 2023.
Theo đó, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm trễ, chưa đạt được kết quả như mong đợi mặc dù Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm, đã có nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức 3 hội nghị trực tuyến toàn quốc và thành lập 6 tổ công tác đôn đốc, tháo gỡ khó khăn.
Ước giải ngân đến 30/9/2022 là 253.148 tỷ đồng, đạt 46,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 47,38%).
Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt, tuy nhiên, có 39/51 bộ, cơ quan Trung ương và 22/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (46,7%), trong đó có 14 bộ, cơ quan Trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Tại Nghị quyết số 124/NQ- CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022 ban hành ngày 15/9, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước đạt 95 - 100% kế hoạch Thủ tướng giao; giải ngân 100% vốn ngân sách địa phương;
Đối chiếu mục tiêu này với thực tế hiện nay, có thể thấy áp lực giải ngân trong những tháng cuối năm là rất lớn. Dù giải ngân đầu tư công thường tăng tốc về cuối năm nhưng việc phải “tiêu” hết hơn 50% kế hoạch vốn của năm trong 3 tháng tới thực sự có phần bất khả thi!
Tỷ lệ giải ngân đầu tư công không như mong đợi có thể sẽ ảnh hưởng đến kết quả tăng trưởng kinh tế năm nay. Mặc dù vậy, đi cùng với nỗ lực tăng tốc giải ngân, các địa phương và các bộ, ngành phải đặc biệt quan tâm đến chất lượng giải ngân.
Chúng ta chọn tăng chi tiêu công để hỗ trợ nền kinh tế sau đại dịch nhưng điều đó không có nghĩa là ném tiền qua cửa sổ. Thành tích được ghi nhận không chỉ là giải ngân được bao nhiêu phần trăm, mà điều quan trọng hơn là tính hiệu quả, chất lượng của dự án.
Vì vậy, một mặt, Chính phủ cần thực hiện sớm và kiên quyết việc cắt, giảm vốn các dự án giải ngân chậm, điều chuyển cho các dự án có khả năng giải ngân trong những tháng cuối năm.
Mặt khác, Chính phủ và các địa phương cũng nên chấp nhận một kết quả mang tính khả thi, tránh gây sức ép giải ngân bằng mọi giá vì điều này vừa khiến dự án không bảo đảm chất lượng, vừa ảnh hưởng đến hiệu quả vốn đầu tư, lại có thể là nguồn cơn của những sai phạm trong quản lý ngân sách.