Giải ngân vốn đầu tư công: Cần “động mạch chủ” linh hoạt trong cả hệ thống

Giải ngân vốn đầu tư công: Cần “động mạch chủ” linh hoạt trong cả hệ thống

Đường sắt quốc gia được coi là “động mạch chủ” - là cỗ xe động lực của nền kinh tế quốc dân. Đầu tư đột phá vào đại công trình này là chính xác.

Giải ngân vốn đầu tư công đang là vấn đề khiến Thủ tướng sốt ruột. Việc giải ngân vốn đầu tư công chậm được nói nhiều nhưng thực trạng không cải thiện bao nhiêu. Thời gian gần đây, Thủ tướng đã quyết liệt đốc thúc và đưa ra nhiều biện pháp để các bộ, ngành và địa phương tăng tốc giải ngân song hiện còn đến hơn 633 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 28 tỷ USD). TS Trần Đình Bá đã "hiến kế" giải ngân vốn đầu tư công.

Dành 5 tỷ USD cho đường sắt tốc độ cao

- Thưa ông, trong thư gửi Thủ tướng ngày 10/7, vì sao ông thuyết phục Thủ tướng phải tiên phong đột phá giải ngân ngay một lúc 5 tỷ USD cho đại công trình trọng điểm quốc gia (chiếm 1/6 gói đầu tư công) để hiện đại đường sắt quốc gia (ĐSQG) 1.435 tốc độ cao trở thành trục giao thông quốc gia?

- Với cách đầu tư dàn trải, ì ạch như hiện nay thì không thể nào giải ngân nổi nguồn vốn đấu tư xấp xỉ 30 tỷ USD. Đã qua gần 5 năm của một nhiệm kỳ chính phủ: "Kiến tạo - Liêm chính - Hành động" mà mới giải ngân 2/30 tỷ USD, tương đương 6% kế hoạch là quá thấp! Kiểu khoán cho các bộ ngành, địa phương theo lối bình quân chủ nghĩa dễ dẫn đến vốn đầu tư công bị thất thoát, không có đột phá.

Trong quân sự có chiến thuật "Binh lực phân tán - hỏa lực tập trung". Ý nghĩa của nó là muốn đánh trúng, thắng phải chọn mục tiêu chiến lược để tập trung "hỏa lực" vào từ đầu. Muốn chiến dịch toàn thắng phải chọn "cú điểm huyệt".

Tại "hội nghị Diên Hồng" sáng 9/5 và cuộc họp Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia ngày 9/7 đã thống nhất kịch bản tăng trưởng từ 3 - 4%. Kiểm soát lạm phát dưới 4%. Song chưa thấy ai đưa ra được một kế sách nào để giải ngân nhanh vốn đầu tư công gần 30 tỷ USD mà chỉ là những đề xuất tản mạn, lý thuyết.

Chọn được "mục tiêu" đột phá giống như "trinh sát chiến trường", "tình báo chiến lược", "các phương án tác chiến" để đánh chắc - thắng chắc. Trong kinh tế cũng vậy phải có "trinh sát chiến trường", "tình báo kinh tế" mới giúp Chính phủ tìm được công trình trọng điểm để trình Bộ Chính trị quyết định đột phá.

"Động mạch chủ" của nền kinh tế quốc dân

- Cơ sở nào để ông tự tin cho rằng hiến kế của mình mang tầm chiến lược đó?

- Tôi rất tin Thủ tướng vì ông từng nói trước các nhà khoa học: "Ai có sáng kiến hay hãy gọi điện cho tôi!". Đất nước ta chưa bao giờ mạnh như hiện nay, cả về vật chất và trí tuệ với khoảng 30.000 tiến sĩ và 10.000 giáo sư. Phải có những trí thức, "chiến lược gia" tiên phong dám nghĩ dám làm, dám hiến kế mới có sự đột phá tầm chiến lược!

Phải có điểm tựa, hoặc nói nôm na rằng phải có cơ sở để so sánh, để tự tin giống như một chiến dịch phải so sánh tương quan lực lượng để tiên liệu "thắng hay không thắng"!

Trong thư gửi, tôi có đưa ra số liệu để so sánh nhiệm kỳ của Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1992 - 1997) và nhiệm kỳ hiện nay của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về các điều kiện "thiên thời - địa lợi - nhân hòa" thì hiện nay Việt Nam đang lợi thế lớn. Dân số 100 triệu người, GDP 110 tỷ USD/năm, dự trữ ngoại hối 93 tỷ USD, điều kiện KH - CN 4.0, sắt thép - xi măng, nhân lực máy móc dồi dào…

- Tại sao ông chọn ĐSQG để đột phá chiến lược, để giải ngân 5 tỷ USD mà không chọn các công trình nào khác?

- Đó là bí quyết của một tiến sĩ kinh tế và KH - CN. Tôi là Hội viên Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam; Hội viên Hội Kinh tế và vận tải ĐSVN; đã từng thực tế tại Liên Xô (nay là Cộng hòa Liên bang Nga). Với vốn kiến thức thực tế tại Liên Xô, tôi chọn hiện đại hóa ĐSQG 1.435 tốc độ cao.

Trong quy trình - công trình đầu tư tại Việt Nam là "điện - đường - trường - trạm", tôi nghĩ đến công trình điện của nhiệm kỳ Thủ tướng Võ Văn Kiệt - đường dây 500kV mạch 1 rồi mạch 2 đưa Việt Nam thành công điện khí hóa toàn quốc. Đường dây đó xứng đáng là trục năng lượng Quốc gia. Nay tôi mong hiện đại hóa ĐSQG để tạo được trục giao thông quốc gia!

ĐSQG được coi là "động mạch chủ" - là cỗ xe động lực của nền kinh tế quốc dân, là công trình kinh tế - an sinh xã hội và tiềm lực quốc phòng, an ninh. Đầu tư đột phá vào đại công trình này là chính xác.

Thủ tướng từng phê phán "văn hóa không nhúc nhích"

- Tại sao ông lại hiến kế cho Thủ tướng chứ không phải tư lệnh ngành?

- Thủ tướng là "Tư lệnh tối cao" về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Dưới quyền Thủ tướng là các bộ trưởng "tư lệnh ngành". Nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công tới gần 30 tỷ USD do không chọn được công trình - dự án để giải ngân gây lãng phí ngân sách và làm chậm tốc độ tăng trưởng GDP. Các bộ trưởng, các lãnh đạo tỉnh thành hiện nay thì sợ trách nhiệm hình sự khi các siêu dự án đổ bể như Vinashin, Vinalines…

Tiền của dân, làm cho toàn dân hưởng lợi thì Thủ tướng có quyền quyết định phải giải ngân, ai ngăn cản phải kỷ luật. Vì vậy, tôi hiến kế mong Thủ tướng phải hành động ngay, để Chính phủ kiến tạo mới có đại công trình để chứng minh!

Đây là thời cơ lịch sử, vận hội vàng để huy động hệ thống chính trị hành động. Đại công trình ĐSQG 1.435 sẽ hoàn thành để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.

Thời kỳ 1992 - 1997 nước ta vô cùng khó khăn, phải nhập khẩu sắt thép - xi măng, phải đi vay ngoại tệ! Nay Chính phủ mạnh hơn nhiều, dư thừa thép xi măng, gói đầu tư công 30 tỷ USD, GDP 110 tỷ USD/ năm, dự trữ ngoại tệ lập kỷ lục 92 tỷ USD! Chính phủ chậm giải ngân, "ôm" 28 tỷ USD mà để ĐSQG lạc hậu, rệu rã, chồng chất tai nạn giao thông là có lỗi với dân!

Tôi tin hiến kế sẽ được chấp thuận vì đây là "việc có lợi cho dân phải hết sức làm"! Thủ tướng từng phê phán "văn hóa không nhúc nhích", vì vậy Thủ tướng sẽ không chấp nhận bàn lùi để các bộ trưởng phải "hành động" ngay.

- Xin cám ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.