Tránh đẩy rủi ro cho người mua bảo hiểm

GD&TĐ - Hợp đồng bảo hiểm là chế định quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

Từng trong tư cách luật sư bảo vệ thân chủ và ngồi vị trí trọng tài để phân xử các vụ tranh chấp liên quan hợp đồng bảo hiểm, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI đã chứng kiến rất nhiều trường hợp thiết kế, môi giới, tư vấn của một số nhà cung cấp bảo hiểm không rõ ràng, sòng phẳng, đẩy rủi ro về phía khách hàng.

Thực tế lâu nay có tình trạng quyền lợi của người mua bảo hiểm thường “lép vế” hơn so với doanh nghiệp bảo hiểm. Hợp đồng thiếu thông tin, giấu bệnh, chậm nộp phí, chữ viết không phải của người mua... là những yếu tố mà các công ty bảo hiểm “vạch lá tìm sâu” để từ chối bồi thường cho khách hàng.

Vì vậy, yêu cầu đặt ra với dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2 đang diễn ra, là phải đặc biệt quan tâm bảo vệ quyền lợi người mua bảo hiểm.

Hợp đồng bảo hiểm là chế định quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Nhưng hiện nay, hợp đồng bảo hiểm thường quá dài, quá khó hiểu với hầu hết người mua, với các điều khoản khi diễn giải thường nghiêng về chiều hướng có lợi cho nhà bảo hiểm, nhất là bảo hiểm nhân thọ.

Thông thường, người mua chỉ biết ký tên và đóng tiền, còn mọi việc giám định, kiểm tra, định giá... nhiều khi phó mặc cho doanh nghiệp! Và trên thực tế, nhiều trường hợp bị từ chối chi trả bảo hiểm do một số câu chữ mà khi ký hợp đồng người tham gia không nhận thức hết.

Vì vậy, để bảo đảm quyền lợi cho khách hàng, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) cần tập trung vào 2 chương là Quy định chung và Hợp đồng bảo hiểm. Mục đích là để giúp người dân hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình cũng như quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp; hậu quả khi vi phạm; thủ tục để được chi trả tiền bảo hiểm. Điều này cũng giúp các trọng tài, tòa án, hòa giải có thể dựa vào để xử lý tranh chấp.

Bên cạnh đó, cần tách riêng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe để đưa được nhiều nội dung cần có sự điều chỉnh của quy phạm pháp luật.

Ví dụ: Các bệnh mắc sẵn, bệnh di truyền, cơ sở điều trị là gì; ngày mai hết hạn hợp đồng bảo hiểm mà hôm nay người mua bị ốm phải nằm viện có được chi trả cho toàn bộ thời gian nằm điều trị không?...

Sở dĩ, cần tách riêng vì bảo hiểm nhân thọ có thời gian bảo hiểm dài hạn, số phí đóng tích tụ ngày càng lớn, quyền lợi chi trả cho mục đích tiết kiệm (ngoài mục đích khắc phục rủi ro) ngày càng nhiều.

Sau cùng nhưng không kém phần quan trọng, dự thảo Luật cần đưa ra những định nghĩa (giải thích từ ngữ) chỉ có một cách hiểu duy nhất khi tranh chấp xảy ra. Đồng thời, cần có quy định về hợp đồng mẫu với những ngữ nghĩa sáng tỏ. Nếu không người tiêu dùng rất khó khăn để bảo vệ quyền lợi của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.