Tranh cãi “vẽ như thật thì thà chụp còn hơn!”

GD&TĐ - Bức tranh sơn dầu cực thực của họa sĩ Lãnh Quân (Trung Quốc) đạt giá gõ búa 12,6 triệu USD. Mức giá ấy đã dấy lên những tranh cãi trong cộng đồng nghệ thuật Việt, xung quanh trường phái tả thực.

Trong phiên đấu giá của China Guardian hôm 20/5, tác phẩm “Mona Lisa - Thiết kế về nụ cười” được gõ búa với giá 80,5 triệu NDT (khoảng 12,6 triệu USD – tương đương gần 300 tỉ đồng).

Bức tranh sơn dầu được Lãnh Quân vẽ năm 2004, với kích thước 125x45cm. Trên nền đen, ông khắc họa hình ảnh người phụ nữ phương Đông đang mỉm cười. Từng sợi tóc, da thịt, quần áo của người phụ nữ trong tranh như ảnh chụp, ảnh hưởng mạnh mẽ tới thị giác người xem.

Vẽ giống như thật

Một bức tranh thật như ảnh chụp của họa sĩ Trung Quốc đã và đang là chủ đề gây tranh cãi của cộng đồng nghệ thuật Việt Nam. Một số họa sĩ Việt tỏ ra hoài nghi về cách vẽ cực thực, và cho rằng đó không phải là nghệ thuật.

Từ TPHCM, họa sĩ Khải. Đ nói với Báo GD&TĐ: Vẽ giống như chụp chỉ thể hiện sự khéo tay, tỉ mỉ như nghệ nhân mà thôi. Nghệ thuật không phải là thứ sao chép y nguyên hình mẫu, mà có sự biến hóa về bố cục, mảng màu và thần sắc.

Họa sĩ Khải. Đ cho rằng, ông không thể hiểu tại sao ở Trung Quốc người ta lại ưa chuộng cách vẽ cực thực giống y như chụp. Vì nếu vẽ như thật, thì tại sao lại không chụp cho nhanh?

Một số họa sĩ khác thì cho rằng, vẽ giống như chụp cũng là một tài năng. Tuy nhiên điều đó không thể hiện tài năng nghệ thuật, mà là tài năng sao chép. Ở Việt Nam, ngay cả các nghệ sĩ truyền thần cũng hoàn toàn có thể sao chép y như thật.

Việc tranh cãi không dừng ở cộng đồng nghệ thuật chuyên nghiệp, trên mạng xã hội tại các hội nhóm mỹ thuật cũng bàn luận khá gay gắt. Có người nói vẽ giống như chụp là điều mà các họa sĩ dễ dàng làm được.

Có người khen ngợi cách vẽ ấy là một tài năng phải rèn luyện rất lâu mới có được. Hơn nữa, Trung Quốc là quốc gia có độ cạnh tranh nghệ thuật ở mức độ khủng khiếp. Vì thế, bức tranh cực thực của Lãnh Quân có giá gần 12,6 triệu USD là xứng đáng.

Lãnh Quân sinh năm 1963 tại Tứ Xuyên, tốt nghiệp Khoa Nghệ thuật - Đại học Sư phạm Vũ Hán năm 1984. Ông hiện là Phó Hiệu trưởng Học viện Mỹ thuật Vũ Hán. Lãnh Quân được xem là biểu tượng của hội họa cực thực của Trung Quốc. Mỗi tác phẩm của ông mất từ sáu tháng đến một năm để hoàn thành, độ chân thực cao, không ai có thể sao chép.

“Mona Lisa - Thiết kế về nụ cười” không phải là bức tranh đầu tiên của Lãnh Quân được gõ búa giá cao. Hồi tháng 11/2019, bức tranh sơn dầu “Tiêu tượng chi tương - Tiểu Khương” của ông từng được bán với mức 70,15 triệu NDT (10,9 triệu USD).

Họa sĩ Lãnh Quân và bức tranh sơn dầu “Tiêu tượng chi tương - Tiểu Khương”.

Họa sĩ Lãnh Quân và bức tranh sơn dầu “Tiêu tượng chi tương - Tiểu Khương”.

Hiện thực là thước đo nghệ thuật

Họa sĩ Nguyễn Thanh Bình, cho rằng: “Nhiều người bảo “vẽ như ảnh thì thà chụp còn hơn”. Đó là những người chưa bao giờ vẽ, hoặc vẽ theo cách dễ nhất. Vì tôi đã từng thử, và thất bại, thử nhiều lần vẫn thất bại... nên hiểu rất rõ, phong cách cổ điển, cao hơn nữa là siêu thực và cực thực cần điều gì. Tất nhiên, cuối cùng phải tìm cho mình, không phải cách dễ nhất mà là hợp với con người mình nhất, và nhìn nhận những khuynh hướng khác”.

Trước một chủ đề nghệ thuật đang rất nóng, họa sĩ Tạ Duy – ThS chuyên ngành Trung Quốc họa - Học viện Mỹ thuật Trung Quốc, chia sẻ trên trang Facebook cá nhân: “Tôi chưa khi nào thấy ngạc nhiên trước năng lực tả thực của sinh viên mỹ thuật Trung Quốc, bởi đó là kết quả tất yếu của một quá trình rèn luyện đáng khâm phục.

Nhớ hồi mới sang đó, ấn tượng đầu tiên mà tôi được trải nghiệm là việc tất cả các phòng vẽ trong học viện không khi nào tắt đèn trước 12 giờ đêm.

Mặc dù, giáo dục mỹ thuật tại Trung Quốc rất thoáng trong việc cho phép sinh viên thể nghiệm mọi ý tưởng cũng như mọi phương pháp thể hiện, nhưng phần đông sinh viên hội họa đều lấy hiện thực là mục tiêu để hướng tới. Với họ, hiện thực chính là thước đo, là tiêu chuẩn đánh giá năng lực của một học sinh trước khi trở thành một nghệ sĩ”.

Cực thực là thể loại nghệ thuật không hiếm ở Trung Quốc, nhưng ở nước ta gần như chưa có ai theo lối vẽ này. Một số họa sĩ Việt Nam theo lối vẽ tả thực như nhóm Hiện Thực (lập năm 2014) gồm 14 họa sĩ và điêu khắc gia.

Trong đó, phải kể đến Nguyễn Đinh Duy Quyền, Lê Thế Anh, Nguyễn Lê Tân, Phạm Bình Chương, Vũ Ngọc Vĩnh… Tuy nhiên, trường phái tả thực vẫn “lộ” vẽ và kém xa sự chân thực như lối vẽ cực thực.

Theo các nhà nghiên cứu mỹ thuật, sở dĩ Trung Quốc và một số nước phương Tây ưa chuộng và phát triển trường phái cực thực, vì ngoài lịch sử hình thành, họ còn chịu ảnh hưởng của tư tưởng của các môn pháp tu luyện.

Ý nghĩa cơ bản của tả chân là “vẽ mà miêu tả hình tượng thực”. Nói một cách cụ thể chính là thông qua hội họa để thể hiện đầy đủ “hình” và “thần” trong cùng sự vật, hình tượng (hình) là miêu tả cái thực, còn ý thì truyền tải cái thần.

Tuy vậy tả thực phương Đông khác phương Tây, nguyên nhân chủ yếu là do văn hóa truyền thống. Quan niệm của giới nghệ thuật phương Tây bị chi phối bởi phái ấn tượng. Trong khi đó, ở Trung Quốc yêu cầu là không chỉ khắc họa ngoại hình chuẩn xác, mà còn phải nắm vững thần vận.

Tại Việt Nam, nhiều người khen một tác phẩm cực thực là đẹp như… ảnh chụp. Nhưng họ không phân biệt được sự khác nhau căn bản giữa hội họa và nhiếp ảnh. Về bản chất, mối quan hệ giữa nghệ sĩ và “đối tượng” ở hai lĩnh vực này hoàn toàn khác nhau.

Chụp ảnh chỉ có thể ghi lại những sự vật mà mắt người có thể nhìn thấy, nhưng lại hoàn toàn không thể ghi lại những thứ vô hình – mà điều này, hội họa lại có thể làm được.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

TIN BUỒN

TIN BUỒN

GD&TĐ - Gia đình chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin: