Thế mà cái điều tưởng chừng rất khó ấy, chị không những làm được, còn làm rất ngọt, rất êm. Chị là nhạc sĩ Thu Hường, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng, chơi và kết thân với con trẻ bằng giai điệu.
Theo nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển - tác giả ca khúc Thu hát cho người nổi tiếng, để có được những ca khúc có thể làm cho thiếu nhi yêu thích, người nhạc sĩ phải tự thiếu nhi hóa tâm hồn mình, phải làm cho mình trẻ lại thì mới có thể có được cảm xúc chân thật. Nhạc sĩ Thu Hường làm điều này không khó, vì lẽ cuộc đời của chị là dành trọn cho các em thiếu nhi.
“21 năm gắn bó với các em học sinh qua môn âm nhạc, Thu Hường ngày nào cũng được sống trong thế giới trẻ thơ. Sự ngây thơ, hồn nhiên, trong sáng của các em làm Thu Hường cảm thấy như thể mình đang sống lại cái thời thơ trẻ của mình vậy. Các em học sinh là nguồn mạch cảm xúc để cho Thu Hường sáng tác”, giáo viên âm nhạc Trần Thu Hường, Trường THCS Nguyễn Du, thị trấn Di Linh, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng chia sẻ.
21 năm đưa âm nhạc đến với trẻ qua từng giờ học ở trường đủ để chị không cần khom lưng làm trẻ con nữa, hình ảnh các em nhỏ trở nên thân thương như máu thịt trong trái tim của cô giáo Trần Thu Hường. Cũng vì yêu trẻ nhỏ mà chị thành nhạc sĩ chuyên sáng tác ca khúc thiếu nhi. “Ca khúc Thu Hường đưa ta vào thế giới trẻ thơ. Mỗi ca khúc là một câu chuyện nhỏ, một mơ ước ngây thơ, một bài học luân lý nhẹ nhàng qua góc nhìn ngộ nghĩnh, hồn nhiên và rất đáng yêu”, nhạc sĩ Dương Toàn Thiên, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng nhận xét.
Vầng trăng cánh võng là ca khúc đầu tay của nhạc sĩ Thu Hường sáng tác năm 2001 dành tặng trẻ nhỏ: “Chiếc võng cong cong/ Như vầng trăng nhỏ/ Mẹ ru bé ngủ/ À ơi à ơi/ Chiếc võng đung đưa/ Vầng trăng nhảy múa/ Bé mơ thấy Cuội/ Gọi cha ời ời”. Vầng trăng cánh võng nguyên là một bài thơ do chính cô bé Trần Thu Hường sáng tác.
Ban đầu bài thơ có tên Vầng trăng chiếc võng. “Bấy giờ, Thu Hường đang theo học lớp 8 trường làng, ở xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, niên khóa 1984 - 1985. Quế Hiệp là vùng bán sơn địa. Mùa hè trời rất nóng. Tối tối, Thu Hường thường mắc võng sau vườn nhà nằm hóng mát. Đang đong đưa trên võng, Thu Hường nhìn thấy vầng trăng non cong cong, y hệt chiếc võng mà mình đang nằm. Ánh trăng mơ màng như cũng đong đưa, nhảy múa theo nhịp võng lắc lư”, nhạc sĩ Thu Hường tâm sự.
Sau đó, chị quên béng bài thơ. Mãi đến năm 1990, Thu Hường mới nhớ lại bài thơ Vầng trăng chiếc võng rồi cho in trong tập san của Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Nẵng cùng với bài thơ Tiếng gõ cửa, khi chị đang là sinh viên ở đấy. 11 năm sau, nhạc sĩ Thu Hường đem phổ nhạc bài thơ này thành ca khúc Vầng trăng cánh võng.
“Vì Vầng trăng cánh võng thơ hơn Vầng trăng chiếc võng”, nhạc sĩ Thu Hường giải thích việc thay đổi tên bài thơ sang tên ca khúc. “Vầng trăng cánh võng được Thu Hương viết ở giọng rê trưởng, nhịp 2/4, gồm 2 đoạn đơn. Giai điệu đẹp, nhẹ nhàng. Ở ca khúc này, Thu Hường sử dụng nhiều nốt nhạc luyến láy, tạo nên âm hưởng dân ca rất ngọt ngào”, nhạc sĩ Đình Nghĩ, Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Lâm Đồng, Trưởng Đoàn Ca múa nhạc Dân tộc Lâm Đồng nhận xét.
Nhạc sĩ Đình Nghĩ cho rằng, Thu Hường là nhạc sĩ rất có duyên với trăng. Ca từ về trăng trong ca khúc Thu Hường vừa gần gũi, thơ mộng, vừa giàu chất thơ. “Trăng liềm như một miếng cau/ Nghiêng nghiêng rơi xuống (í a) cơi trầu bà em/ Quây quần bên nội đêm đêm/ Bao câu chuyện cổ sáng lên cơi trầu”, Trăng của nội, một bài thơ của Nguyễn Lương Hiệu đã chạm vào thẳm sâu ký ức tuổi thơ chị để rồi giai điệu dần hình thành và ca khúc cùng tên ra đời như một tất yếu.
“Năm 2003, Thu Hường gặp anh Hiệu trong một cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật tại TP Bảo Lộc. Ở triển lãm đó, anh Hiệu cũng tham gia giao lưu. Mọi người giới thiệu với anh Hiệu, Thu Hường vẫn thường phổ thơ thành ca khúc. Thế là anh Hiệu xé một tờ giấy từ cuốn sổ tay mang theo rồi chép tặng Thu Hường bài thơ đó”, nhạc sĩ Thu Hường kể. Một người đi ra từ vùng bán sơn địa nổi tiếng nghèo khó, lại có cả tuổi thơ bện hơi nội như chị thật khó lòng cưỡng nỗi hình ảnh quá tinh tế trong bài thơ xinh xắn, dễ thương, giàu nhạc điệu của nhà báo Nguyễn Lương Hiệu.
Chẳng thế mà nhạc sĩ Thu Hường đã làm nên một ca khúc tươi tắn, rộn ràng, phảng phất chất liệu dân ca. “Ở phần đầu ca khúc, Thu Hường phổ nhạc nguyên xi 4 câu thơ của anh Hiệu. Tuy nhiên, 4 câu thơ không thể làm nên một ca khúc trọn vẹn. Vì thế, Thu Hường viết thêm 4 câu nữa cho phần cuối”, nhạc sĩ Thu Hường trao đổi.
Ca khúc Trăng của nội được chị viết theo hình thức 1 đoạn đơn. Mở đầu là 4 câu nhạc, từ “Trăng liềm như một miếng cau” cho đến “Bao câu chuyện cổ sáng lên cơi trầu”. Giữa ca khúc nhạc sĩ Thu Hường sử dụng 1 câu nhạc nối “À í à í a a” và “À í à í a a”. Phần cuối ca khúc, chị cũng dùng 4 câu nhạc, từ “Trăng ơi, trăng xuống đây chơi” cho đến “Trăng liềm của nội lung linh cơi trầu”.
Trăng của nội và Vầng trăng cánh võng sau đó được nhạc sĩ Thu Hường cho in trong tập ca khúc thiếu nhi Vầng trăng cánh võng, Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành năm 2009. Tại giải thưởng thường niên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2014 và năm 2017, hai ca khúc này được Hội Nhạc sĩ Việt Nam tặng giải Khuyến khích.
“Trăng liềm như một miếng cau” và “Chiếc võng cong cong như vầng trăng nhỏ” chỉ là 2 trong số những mảnh vỡ tươi nguyên về trăng qua mắt nhìn ký ức rất trẻ của một giáo viên dạy nhạc - cô giáo Trần Thu Hường. Bằng nghệ thuật âm thanh, chị đã vẽ nên một thế giới tâm hồn trẻ thơ trong sáng và thanh sạch, để mỗi khi những âm thanh đó vang lên là ta thấy rạng rỡ những nụ cười con trẻ.