Định hướng giảm nghèo giai đoạn 2011 – 2015, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã xây dựng đề cương chi tiết khung Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2011 – 2015 cũng như dự kiến kế hoạch tiến độ xây dựng Chương trình. Khi thiết kế Chương trình, Bộ đã đưa ra hai phương án lựa chọn.
Phương án 1, xây dựng một Chương trình giảm nghèo chung, bao gồm các chính sách giảm nghèo chung, các chính sách giảm nghèo đặc thù và một số chương trình, dự án giảm nghèo cụ thể.
Phương án 2, các chính sách, chương trình giảm nghèo hiện hành sẽ được thực hiện riêng, không thiết kế vào Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, như chính sách khám, chữa bệnh cho người nghèo; chính sách hỗ trợ người nghèo trong giáo dục – đào tạo; Chương trình 135 giai đoạn tiếp theo; Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo.
Muốn giảm nghèo bền vững trước hết phải chú trọng đến giáo dục đào tạo, làm sao để cho người nghèo có kiến thức, tự vươn lên bằng chính sức của mình. |
Bộ LĐTBXH và đại điện các Bộ, ngành cho rằng việc thiết kế chương trình giảm nghèo giai đoạn 2011 – 2015 nên theo phương án 1, vì Chương trình giảm nghèo sẽ được thiết kế một cách tổng thể bao gồm cả chính sách chung, chính sách đặc thù và các dự án tập trung vào vùng khó khăn; công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện sẽ mang tính tổng thể, toàn diện và tập trung; tránh được tình trạng ban hành chính sách chồng chéo, trùng lắp và hiện tượng “lạm phát chính sách”.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, để thực hiện các mục tiêu nhằm giảm nghèo bền vững trước hết phải chú trọng đến giáo dục đào tạo, làm sao để cho người nghèo có kiến thức, tự vươn lên bằng chính sức của mình.
Đồng thời, gắn các mục tiêu giảm nghèo với tiêu chí xây dựng nông thôn mới và các chương trình an sinh xã hội. Ưu tiên chính sách giảm nghèo đối với những địa bàn khó khăn nhất.
Hệ thống chính sách phải bao quát từ chính sách để tăng gia sản xuất (như rừng, đất, nhà, …); chính sách đầu tư hạ tầng (kinh tế - xã hội); chính sách về an sinh xã hội; chính sách về giáo dục, đào tạo, khám chữa bệnh, văn hóa… đến những chính sách đặc thù đối với đồng bào dân tộc, du canh du cư, dành cho dân vạn đò, cho người nghèo khuyết tật, người nghèo già, cô đơn…
Về nguồn lực thực hiện, trước hết người dân phải tự nỗ lực vươn lên bên cạnh sự hỗ trợ từ cộng đồng, làng họ, thôn bản, doanh nghiệp. Ngân sách Trung ương và địa phương tập trung hỗ trợ các địa bàn đặc biệt khó khăn.
Trong giai đoạn 2006 – 2010: Khoảng 5 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi với mức vay bình quân khoảng 6 – 7 triệu đồng/lượt/hộ; 3,7 triệu lượt người nghèo được hướng dẫn cách làm ăn; 100.000 lao động nghèo được dạy nghề miễn phí, trong đó trên 60% đã tìm được việc làm, tự tạo việc làm. |
Quang Anh