Đây chính là một lỗ hổng cho phương pháp học không chuyên tâm và sự cảm thụ hời hợt của học sinhđối với tác phẩm văn học.
Cụ thể với đề: Cảm nhận về nhân vật người đàn bà hàng chài trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, có em viết “Cái đói đã làm người đàn bà mất hết nhân tính, bà ăn liền một chập bốn bát bánh đúc, khi đến tòa án huyện chắp tay vái lạy quan tòa…”(Trích bài làm của học sinh).
Hay đề: Phân tích nhân vật Tnú trong tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành, lại diễn đạt sang nhân vật A Phủ như “Tnú mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ được dân làng Xô Man nuôi dưỡng, sau đó bị bán, đánh con quan bị bắt ở đợ…”(Trích bài làm của học sinh).
Từ đó, khi giảng dạy tác phẩm văn xuôi thầy cho rằng cần phải dạy kỹ (điểm nhấn) đặc điểm con người và phong cách nghệ thuật của tác giả .
Thầy chia sẻ: “Nhằm khắc phục việc nhầm lẫn giữa phong cách nghệ thuật của các tác giả, hướng tới đạt điểm cao trong bài văn, giáo viên cần giúp học sinh nắm kỹ phong cách nghệ thuật, sau đó mới “nghiền ngẫm” nội dung. Qua đó, các em mới có cơ sở để nắm bắt nghệ thuật, nội dung và tinh thần của cả tác phẩm.
Phương pháp giúp học sinh ghi nhớ hoàn cảnh ra đời của tác phẩm
Tác phẩm văn học ra đời đều dựa trên những tác động và ảnh hưởng của thời cuộc mà nhà văn đang sống. Do đó, khi dạy hoàn cảnh ra đời cần cho học sinh xem đoạn phim tài liệu, xem tranh ảnh hay cho các em sưu tầm tư liệu trước ở nhà sẽ giúp các em vừa nắm được sự kiện lịch sử vừa hiểu được tinh thần của tác phẩm. Qua đó sẽ giúp học sinh dễ nhớ tác phẩm.
Ví như khi dạy tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành, giáo viên tạo tâm thế cho học sinh bằng cách cho xem đoạn phim tài liệu về lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ, hiệp định Giơ-ne-vơ.
Kết hợp với tranh ảnh, định hướng cho học sinh thấy đầu năm 1965 Mĩ đổ quân vào miền Nam và tiến hành đánh phá ác liệt ra miền Bắc, tác phẩm được viết vào đúng thời điểm cả nước sục sôi đánh Mĩ. Nắm được hoàn cảnh như vậy, học sinh mới thấy được cái hay của tác phẩm, tính sử thi của nhân vật Tnú.
Thầy Nguyễn Thanh Nhân (thứ 5 từ phải qua) chụp hình lưu niệm cùng lớp chủ nhiệm 12cb4, năm học 2019-2020. |
Tổ chức cho học sinh sắm vai nhân vật kể chuyện
Để viết được bài văn hay đòi hỏi học sinh phải nắm vững cốt truyện cũng như nội dung tác phẩm, từ đó định hướng được cách làm bài.
Giáo viên phân vai cho các em theo sở thích, cho về nhà đọc trước tác phẩm, yêu cầu nắm vững cốt truyện, thuộc một vài lời thoại tiêu biểu.
Đến tiết học, gọi các em kể theo sự phân công khoảng 6 phút ( có khi gọi 3 học sinh tương ứng với 3 vai), nhận xét và cho điểm miệng. Sau khi học sinh nắm vững cốt truyện mới tiến hành phân tích.
Khai thác chi tiết “đắt giá” trong tác phẩm
Chi tiết đóng vai trò làm tiền đề cho sự phát triển của cốt truyện. Trong các “chi tiết đắt” sẽ thể hiện tư tưởng tác phẩm. Việc hướng dẫn học sinh phân tích sâu ý nghĩa gợi ra từ chi tiết “đắt” sẽ giúp các em dễ “nằm lòng” nội dung và nghệ thuật của các phẩm.
Dạy bài Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài), cho học sinh thảo luận về chi tiết “Căn buồng Mị nằm kín mít, chỉ có ô vuông bằng bàn tay trông ra chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng. Mị cứ ngồi đấy mà trông ra ngoài, đến khi nào chết thì thôi”.
Giáo viên chỉ cho học sinh thấy đây là chi tiết nằm ở phần giữa tác phẩm, miêu tả không gian sống của Mị ở nhà thống lí Pa Tra. Hình ảnh đó giàu sức gợi, khiến người ta liên tưởng đến nhà tù, một thứ ngục thất đang giam hãm đời Mị. Chi tiết đó đã góp phần thể hiện tư tưởng, thái độ của nhà văn .
Đa dạng phương pháp ôn tập
Nhằm khắc phục việc nhầm lẫn nội dung kiến thức giữa các tác phẩm này với tác phẩm khác, thầy Nguyễn Thanh Nhân vận dụng nhiều phương pháp trong ôn tập.
Thứ nhất, khi ôn phần tác giả và hoàn cảnh sáng tác các tác phẩm văn xuôi. Thầy dán bảng phụ (hoặc trình chiếu powerpiont) hay phát phiếu học tập cho các em điền thông tin, hay lên bảng ghi, đọc nêu đặc điểm con người và phong cách nghệ thuật của từng tác giả.
Cách này giúp học sinh khắc sâu được kiến thức, không nhầm lẫn giữa các tác giả, dễ “ nằm lòng” hoàn cảnh sáng tác, vì các em đã có sự so sánh, đối chiếu thấy được ở mỗi tác giả đều có phong cách riêng và hoàn cảnh ra đời ở mỗi tác phẩm cũng không giống nhau.
Thứ hai, tổ chức cho học sinh thi “Ai nhanh hơn?” giúp cho các em nắm vững lại cốt truyện, nội dung, nghệ thuật của tác phẩm. Giáo viên phát cho mỗi nhóm 1 tập giấy dán, trong đó từng mảnh giấy là các nhân vật, chi tiết, hình ảnh tiêu biểu. Các nhóm lên bảng dán theo sơ đồ tổng thể mà giáo viên đưa ra.
Thứ ba, ôn tập phần nội dung và nghệ thuật theo chuyên đề, giai đoạn văn học, so sánh đối chiếu giữa các nhân vật, giữa các hình ảnh.
Với việc vận dụng các giải pháp giảng dạy và ôn tập trên, nhiều năm liền các lớp thầy Nguyễn Thanh Nhân dạy đều đạt chất lượng cao. Góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động dạy và học.