(GD&TĐ) - Tôi tên là Trần Trương, nguyên Trưởng Ban Quản lý Di tích lịch sử và Danh thắng Yên Tử (1992 - 2003), hiện là Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh.
Năm 1997, tôi và anh Hoàng Quang Thuận gặp nhau tại Yên Tử. Ngày đó, Yên Tử còn hoang vắng, chưa được đầu tư khang trang, người về đông đúc như bây giờ.Tôi tặng anh Hoàng Quang Thuận cuốn sách Chùa Yên Tử - Lịch sử - truyền thuyết di tích và danh thắng. Hai anh em tôi đã thức suốt đêm đàm đạo với nhau về nội dung cuốn sách tại chùa Hoa Yên (Yên Tử).
Chúng tôi thấy hai tâm hồn văn chương và thi ca có sự đồng điệu, giao cảm và hòa hợp. Một thời gian sau, anh Hoàng Quang Thuận về Hà Nội, có viết một tập thơ Thi vân Yên Tử để tặng tôi. Tôi rất vui vì những điều chúng tôi đàm đạo với nhau về nội dung cuốn sách cũng như các cảnh quan của Non Thiêng Yên Tử đã trở thành những bài thơ của anh. Anh Thuận kể lại:“Vào lúc nửa đêm, sau khi thiền định, tôi thấy trong tôi trào dâng nguồn thi cảm mãnh liệt. Tôi lấy giấy bút viết liền một mạch, ba đêm được sáu mươi ba bài”. Tôi nghĩ: những bài thơ này chỉ có những người có khả năng thiền định ở một mức nào đó thì mới có được công năng này. Sau đó, anh Hoàng Quang Thuận cho in 1.000 cuốn Thi vân Yên Tử tặng cho Ban Quản lý Di tích lịch sử và Danh thắng Yên Tử để Ban làm quà biếu du khách thập phương về Yên Tử trong các dịp Hội Xuân hàng năm và tặng cán bộ, nhân viên trong Ban. Tôi còn được biết: Từ đó đến nay, anh Hoàng Quang Thuận đã cho in hàng chục ngàn cuốn Thi vân Yên Tử được dịch ra Tiếng Anh, Tiếng Pháp để tuyền truyền, quảng bá Yên Tử với khách thập phương trong, ngoài nước.
Thi vân Yên Tử không phải là đạo văn vì nó xuất phát từ cái Tâm của người viết với Yên Tử - một Vùng Đất Phật linh thiêng của chúng ta!
Trần Trương