(GD&TĐ) - “Câu thơ lục bát say mềm lòng nhau”, xin được mượn câu thơ này của nhà thơ - nhà giáo Trần Trọng Nghiêm (hiện là hội viên Hội VHNT tỉnh Nam Định) để nói về chính thơ ông bởi 81 thi phẩm trong tập “Lục bát tâm tình” của ông đã làm tôi “say”.
Những tứ thơ tràn ngập gió xuân
Thơ lục bát vốn mượt mà và ngọt ngào, “Lục bát tâm tình” của Trần Trọng Nghiêm cũng không nằm ngoài quy luật đó. Những vần lục bát của ông nghe mênh mang, ngọt ngào, trong sáng nhưng không hời hợt mà sâu lắng, thiết tha, ân tình. 81 bài thơ với 81 cung bậc cảm xúc khác nhau. Có lúc trong thơ, ông hồn nhiên như đứa trẻ tinh nghịch, hài hước, dí dỏm, có khi ông lại như một kẻ si tình lãng mạn và nồng nàn, và cũng không ít lần, nhà thơ lại đưa ra những triết lý sống như một nhà hiền triết.
Nhà thơ Trần Trọng Nghiêm |
Thơ Trần Trọng Nghiêm giúp người đọc tiếp nhận cuộc sống một cách tích cực và đầy thú vị, trong sự phấn chấn đặc biệt. Hãy đọc bài thơ “Vườn em” của tác giả để trải nghiệm điều đó: “Chim trời thức tự tinh mơ/ Ríu ran ca hát họa thơ trong nhà/ Vườn em ngan ngát hương hoa/ Gió xuân thoang thoảng trong ta bồng bềnh…”.
Trần Trọng Nghiêm đã mở rộng cánh cửa tâm hồn của mình để cảm nhận cuộc sống, bởi vậy thơ ông dịu dàng và đẹp như hồn nhà thơ vậy. Cuộc sống qua lăng kính là đôi mắt của Trần Trọng Nghiêm mang đậm những sắc hồng tươi đẹp và chan chứa ân tình. Ông sàng lọc cuộc sống hỗn độn để giữ lại vẻ đẹp tinh khôi, thánh thiện. Cũng bởi vậy, trong lòng nhà thơ luôn ngập tràn “gió xuân”, làn gió mới mát mẻ và yêu thương chứa đầy sức trẻ.
Đi tiếp dòng cảm xúc ấy, bài thơ “Đợi” thiết tha, tuy ngắn ngủi về câu từ nhưng trải dài ân tình: “Anh về quê mẹ chiều nay/ Tiết xuân se lạnh mưa bay trắng trời/ Em ra bến đón đợi tôi/ Tình vương ánh mắt nụ cười trao nhau”. Bốn câu thơ ngắn ngủi của Trần Trọng Nghiêm mang đến cho người đọc trải nghiệm cảm xúc đa chiều thú vị. Ông mở đầu bài thơ bằng một câu gợi cảm “Anh về quê mẹ chiều nay”. Câu thơ không chỉ đơn thuần là thông báo sự kiện bởi bản thân hai từ “quê mẹ” và từ “chiều” đã đủ để gợi lên trong lòng người cảm xúc mang mang thương nhớ. Trần Trọng Nghiêm “dấn” thêm niềm xúc động trong câu tiếp theo “Tiết xuân se lạnh mưa bay trắng trời”, đã “se lạnh” lại còn mưa mà lại là “mưa trắng trời”, nghe đã thấy lòng man mác buồn. Trần Trọng Nghiêm đã lái cảm xúc thơ theo một hướng bất ngờ: “Em ra bến đón đợi tôi/ Tình vương trong mắt nụ cười trao nhau. Nỗi nhớ đã khiến một cái kết có hậu, sưởi ấm lòng người.
“Lắng nghe” cuộc đời
Trần Trọng Nghiêm trân trọng cuộc sống và hết mình yêu thơ, nhất là những vần thơ lục bát nên thơ ông không chỉ dạt dào yêu thương, chứa chan cảm xúc mà thi sĩ còn khao khát tìm được những tâm hồn đồng điệu, những tri kỷ của thơ lục bát như mình. Nỗi niềm ấy được bày tỏ rất rõ trong bài “Lắng nghe”: “Lắng nghe lục bát tâm tình/ Chắc mình thêm hiểu ta – mình… mình ơi/ Hồn quê thao thức suốt đời/ Trải lòng ta giữa đất trời nhân gian”.
Thơ Trần Trọng Nghiêm nhẹ nhàng, trong sáng, mộc mạc. Nói vậy không có nghĩa là thơ ông đơn giản, dễ dãi. Không phá cách bừa bãi như một số người đã từng cố bằng mọi giá để “làm mới” mình, nhưng trong từng bài, từng vần thơ, Trần Trọng Nghiêm vẫn thổi vào thơ mình hơi thở mới, sức sống mới để người đọc và cả bản thân ông không cảm thấy thơ cũ mèm, nhàm chán.
Những quy luật tâm hồn
Ai đã từng đọc “Lục bát tâm tình” của ông sẽ không quên được những bài thơ tha thiết ân tình này. Trong đó, bài thơ “Ký ức” vẫn nguyên vẹn cảm xúc thổn thức trong tôi dẫu đã đọc đi đọc lại nhiều lần. Bài thơ được dẫn dắt bởi cảm xúc của một “người lớn” nhớ về tuổi thơ của mình.
Trong cuộc đời mỗi con người ai chả có một tuổi thơ, cái thuở “tờ giấy trắng” bắt đầu được “vẽ” lên tâm hồn mình những “bức tranh” đầu tiên. Bởi vậy, những bức tranh ấy dù phức tạp hay đơn giản cũng luôn là những bức tranh ấn tượng nhất khiến cho con người ta không thể không nhớ về. Trong bài “Ký ức”, Trần Trọng Nghiêm đã khai thác thành công quy luật tâm hồn ấy để nhận được sự đồng cảm tối đa của người đọc, nhất là những người xuất thân từ vùng nông thôn, đã từng gắn tuổi thơ với lưng trâu, cánh diều, hòn bi, con khăng… Trần Trọng Nghiêm không “trang điểm” rườm rà cho những câu thơ nhưng những câu thơ mộc mạc anh viết từ cảm xúc chân thành đã lay động trái tim người đọc. Với tâm hồn tha thiết yêu người và yêu đời, thơ Trần Trọng Nghiêm ngay cả khi viết về những kỷ niệm buồn cũng không nhuốm màu bi lụy.
Nhà giáo - nhà thơ Trần Trọng Nghiêm đã lần lượt cho ra đời những tác phẩm thơ đầy ấn tượng, khắc dấu trong lòng người đọc. Tập thơ “Lục bát tâm tình” là một điển hình về phong cách thơ Trần Trọng Nghiêm: Đi tìm cái mới cho thơ dựa trên nền tảng cái cũ, thơ trong sáng, lãng mạn, trữ tình và chứa chan tình yêu người, yêu đời.
Lam Ngọc