Trăn trở vượt lối mòn: Thay đổi tổng thể

GD&TĐ - Một giáo viên dạy giỏi không đồng nghĩa với việc biết thiết lập hệ thống kỷ luật lớp học nghiêm khắc để xử lý mọi hành vi không đúng với mong đợi. Một lớp học tốt cũng không phải là hoàn toàn trật tự và người học luôn chăm chú lắng nghe, thực hiện ngay theo mọi yêu cầu của giáo viên. Ngày nay, năng lực phản biện, giải quyết vấn đề một cách sáng tạo được chú trọng, nhất là khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sắp được triển khai.

Mọi hoạt động GD hướng đến phát triển năng lực, phẩm chất người học. Ảnh: T. Thanh
Mọi hoạt động GD hướng đến phát triển năng lực, phẩm chất người học. Ảnh: T. Thanh

Đích đến là phát triển năng lực, hình thành phẩm chất

GS.TS.NGND Nguyễn Thị Mỹ Lộc - Tổng chủ biên môn Đạo đức và Giáo dục công dân của bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực” cho rằng: Dù quan niệm “học sinh ngoan là phải nghe lời, đánh giá học sinh giỏi qua điểm số cao” có những khía cạnh đúng với thực tiễn dạy học, nhưng không phải bây giờ, mà chưa bao giờ quan điểm trên phù hợp với mục đích giáo dục đích thực.

Mục đích của giáo dục là hình thành nhân cách tích cực, chủ động, độc lập trong nhận thức. Muốn như vậy, người học phải được trải nghiệm qua các hình thức hoạt động khác nhau (trong đó bao gồm cả ngồi trật tự, khoanh tay), nhưng không thể và không nên chỉ có một hình thức ngồi yên lặng nghe giáo viên giảng dạy.

Về mặt truyền đạt, giáo viên sẽ đánh giá cao sự lắng nghe của học sinh, tuy vậy hiệu quả của sự chiếm lĩnh tri thức sẽ là tối thiểu. Đó là quy luật của nhận thức. Muốn chiếm lĩnh được tối đa kiến thức, học sinh phải được nghe, đọc, viết, nói (bậc cao là tranh luận, mà gốc rễ của nó là tư duy phản biện), và được làm. 

“Thế nào là “ngoan”, là “giỏi”? Trong truyền thống, chúng ta vẫn cho rằng ngoan là vâng lời, không cãi lại. Giỏi là toàn điểm 8, 9, 10, đạt giải các cuộc thi… Nhưng Chương trình giáo dục phổ thông mới nhấn mạnh đến việc phát triển năng lực và hình thành phẩm chất của người học. Sách giáo khoa mới cũng thực hiện định hướng đó.

Ví dụ, môn Giáo dục đạo đức cho học sinh tiểu học trong bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực” chú trọng khơi dậy và hình thành cảm xúc tích cực cho học sinh về gia đình, nhà trường, quê hương, nơi sinh sống, từ đó, rèn luyện các hành vi tích cực đối với mọi người xung quanh. Mỗi hành vi tích cực đều được học sinh lí giải vì sao phải làm như vậy; tức học sinh hiểu việc cần làm và việc không nên làm, thay vì rập khuôn một cách giáo điều, máy móc, không hiểu biết.

Điều này được thể hiện từ nội dung đến phương pháp dạy, phương pháp học và kiểm tra đánh giá. Ngay từ lớp 1, sách giáo khoa Giáo dục đạo đức đã chú trọng đến hình thành tính chủ động của học sinh thông qua các tình huống học để học sinh tự đưa ra các cách giải quyết. Sau đó, học sinh sẽ bình luận cách giải quyết của từng bạn là đúng hay sai, vì sao đúng, vì sao sai, từ đó, dần hình thành cho trẻ tư duy phản biện” – GS Nguyễn Thị Mỹ Lộc cho hay.

Là Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết: Một trong những năng lực được nhấn mạnh trong Chương trình mới là năng lực giải quyết vấn đề một cách sáng tạo. Học sinh không chỉ học kiến thức mà còn biết thắc mắc, tìm tòi, nêu ý kiến phản biện, biết tự giải quyết vấn đề hoặc giải quyết vấn đề với sự hỗ trợ của người lớn…

“Tôi đánh giá cao sự say mê, khám phá, tìm tòi cách giải quyết vấn đề của học sinh. Thomas Friedman - tác giả của “Thế giới phẳng” - từng nói, trí thông minh là quan trọng, nhưng sự say mê, óc tìm tòi còn quan trọng hơn. Đó là điều chương trình mới nhấn mạnh” – GS Nguyễn Minh Thuyết cho hay.

Kiểm tra đánh giá: Chú ý năng lực vận dụng

Chương trình giáo dục phổ thông mới hướng dẫn thang đánh giá gồm 3 bậc: Biết, hiểu và vận dụng. Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, khi đánh giá (thường xuyên và định kì), giáo viên cần chú ý các câu hỏi, bài tập ở 3 mức độ, đặc biệt là năng lực vận dụng của học sinh.

“Vận dụng không phải áp nguyên vấn đề vào thực tiễn mà phải đem kiến thức được học để tìm hiểu cuộc sống, phát hiện ra vấn đề trong cuộc sống và có cách giải quyết” – GS Nguyễn Minh Thuyết lưu ý. 

Còn GS Nguyễn Thị Mỹ Lộc cho rằng: Điểm số là một trong những hình thức đánh giá học sinh, và chủ yếu là đánh giá kiến thức đã lĩnh hội được dựa trên nội dung bài dạy của giáo viên. Cần có đánh giá toàn diện cả về năng lực và phẩm chất; không chỉ kiến thức lĩnh hội được mà còn cả cách thức, thái độ của học sinh đối với việc học môn/bài học; từ đó dần hình thành thái độ đúng đắn với việc học nói chung, với môn học nói riêng.

“Với môn Đạo đức, việc đánh giá là vô cùng quan trọng, chứ không phải những điểm số của bài kiểm tra. Giáo viên phải được bồi dưỡng kĩ lưỡng các kĩ thuật quan sát, gợi mở, đồng hành, cảm thông với học sinh; tác động vào học sinh bằng chính nhân cách, hành vi, thái độ của mình.

Sách giáo khoa môn Đạo đức trong bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực khích lệ sự sáng tạo của giáo viên, không nhất nhất phải theo tình huống trong sách, miễn đạt được mục tiêu của bài, yêu cầu cần đạt đối với học sinh. Bên cạnh bản giấy, bộ sách còn có những bài dạy online, giúp giáo viên có tư liệu tham khảo, dễ hình dung” – GS Nguyễn Thị Mỹ Lộc cho biết thêm.

Trong bối cảnh mới, phải kết hợp giữa đánh giá định lượng qua điểm số và đánh giá định tính qua quan sát hành vi, kết quả hoạt động. Không chỉ tập trung vào đánh giá đầu ra cuối mỗi kỳ học mà coi trọng sự tiến bộ trong toàn quá trình. Đối tượng đánh giá không chỉ từ một nguồn duy nhất (giáo viên) mà phải mở rộng với sự tham gia của giáo viên, phụ huynh, bạn bè đồng trang lứa và tự đánh giá. PGS.TS Trần Thành Nam – Trưởng khoa Khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ