Tuyển sinh ĐH năm 2020: Đón đầu Chương trình giáo dục phổ thông mới

Tuyển sinh ĐH năm 2020: Đón đầu Chương trình giáo dục phổ thông mới

Đào tạo theo hướng cá nhân hóa

GS.TS Nguyễn Quý Thanh cho biết: Năm 2020, Trường Đại học Giáo dục đào tạo một số lĩnh vực mới mà ở thời điểm hiện tại chưa có cơ sở giáo dục đại học nào thực hiện. Cụ thể là các ngành: Khoa học giáo dục; Quản trị công nghệ giáo dục; Quản trị chất lượng giáo dục; Quản trị trường học và tham vấn học đường.

Đặc biệt, trường có tuyển sinh hai ngành Sư phạm, đó là: Khoa học Tự nhiên; Lịch sử và Địa lý. Đây là hai ngành mới mà rất ít trường sư phạm đào tạo vì nó phức tạp hơn về thiết kế chương trình. Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đây là hai môn mới rất quan trọng đối với bậc THCS. Theo đó, Trường Đại học Giáo dục sẽ đón đầu xu thế này, đào tạo đội ngũ giáo viên để sau khi các em tốt nghiệp đại học sẽ đáp ứng được ngay yêu cầu dạy học hai môn học đó. “Chúng tôi thiết kế khối lượng học tập vừa phải, giảm số giờ lý thuyết trên lớp mà sẽ tăng cường số giờ thực hành, trải nghiệm thực tế” - GS.TS Nguyễn Quý Thanh nhấn mạnh.

GS.TS Nguyễn Quý Thanh cho biết thêm: Nếu như trước đây, khi sinh viên bước vào năm thứ 2, nhà trường sẽ bố trí để các em đi kiến tập 2 tuần. Sau đó đến năm thứ 4 các em sẽ có đợt thực tập 8 – 10 tuần. Bây giờ, nhà trường thay đổi bằng cách quản lý theo sản phẩm đối với sinh viên và theo hướng cá nhân hóa. Cụ thể, nhà trường sẽ kéo dài thời gian thực tập khoảng hơn 2 năm và bắt đầu được thực hiện từ năm thứ 2. Tức là, trong hơn 2 năm đó, sinh viên sẽ phải hoàn thành các sản phẩm theo yêu cầu để nộp cho nhà trường. Với phương thức này, sinh viên không bị bó hẹp, đóng khung chỉ trong 2 tuần hoặc 10 tuần kiến tập, thực tập như trước kia. Các em có thể chủ động thời gian thực tập của mình, miễn là có sản phẩm từ thực tiễn để báo cáo.

“Trước đây, giả sử yêu cầu báo cáo về một tiết chào cờ của trường mà sinh viên đến kiến tập trong 2 tuần. Nhưng vì lý do khách quan hoặc chủ quan mà trong 2 tuần đó, sinh viên không tham dự được tiết chào cờ, khi đó các em sẽ không có thực tiễn để báo cáo. Nhưng với cách quản trị như hiện nay, sinh viên có thể chủ động về thời gian, nếu không dự giờ được tuần này thì có thể sang tuần sau hoặc tháng sau, miễn là có sản phẩm thực tiễn để báo cáo cho nhà trường” – GS.TS Nguyễn Quý Thanh dẫn giải.

Ảnh minh họa/ INT
Ảnh minh họa/ INT 

Gắn với thực tiễn

Khẳng định Trường Đại học Giáo dục có những thay đổi căn bản trong đào tạo, GS.TS Nguyễn Quý Thanh dẫn giải: Nhà trường có những thay đổi về phần mềm tương ứng. Cùng với đó, nhà trường chú trọng rèn luyện đạo đức nhà giáo và kỹ năng sư phạm cho giáo sinh.

“Chúng tôi không đi theo hướng giảng dạy luân lý mà tăng cường trải nghiệm, yêu cầu sinh viên trực tiếp tham gia vào các hoạt động thực tế. Chẳng hạn như: Cho sinh viên xem một số video liên quan đến bạo lực học đường, sau đó yêu cầu các em phân tích dựa trên các tình huống thực tế có trong video. Hay như liên quan đến chủ đề an toàn giao thông, hiện nhiều cơ sở giáo dục phổ thông, phụ huynh đứng tràn ra đường, bất chấp Luật An toàn giao thông.

Theo đó, chúng tôi yêu cầu sinh viên đến cổng trường phổ thông để thâm nhập thực tế và với tư cách là một giáo viên, các em sẽ ứng xử như thế nào với các phụ huynh và với những tình huống thực tế diễn ra ở đó… Các em sẽ phải làm dự án, quay clip toàn bộ quá trình làm việc của mình để có sản phẩm trình chiếu trước lớp; sau đó sinh viên và giảng viên sẽ cùng nhau thảo luận, góp ý. Nói như vậy để khẳng định rằng, trong quá trình đào tạo, chúng tôi tăng cường tính thực tế và giảm kiến thức hàn lâm cho sinh viên” – GS.TS Nguyễn Quý Thanh nói.

 Nhà trường tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, kết hợp giữa đào tạo trực tiếp với đào tạo trực tuyến. Hiện nhà trường đã đầu tư phòng học ảo để phục vụ cho dạy và học. Không phải ngẫu nhiên mà Trường Đại học Giáo dục là đơn vị đào tạo giáo viên duy nhất trong cả nước có ngành Quản trị Công nghệ giáo dục và Quản trị giáo dục. -GS.TS  Nguyễn Quý Thanh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ