Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT cho biết: Tài liệu giáo dục địa phương, các địa phương đã làm và nhiều nơi đã làm rất bài bản. Tuy nhiên, tài liệu giáo dục địa phương lần này phải đáp ứng được yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực trong Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT (Chương trình giáo dục phổ thông 2018). Ở cấp tiểu học, nội dung giáo dục của địa phương được tích hợp với Hoạt động trải nghiệm và các môn học khác.
Ở cấp THCS, THPT, nội dung giáo dục của địa phương có vị trí tương đương các môn học khác. Do đó, cần phải xây dựng khung chương trình thống nhất từ lớp 1 đến lớp 12, để có tính kế thừa, logic giữa các lớp, cấp học đúng theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
“Chương trình cho phép chúng ta rất linh hoạt, không quy định cứng về số tiết, thiết kế theo chủ đề hay theo bài là quyền của các địa phương... Với thẩm quyền trong biên soạn tài liệu giáo dục địa phương, các địa phương chủ động việc này, tùy vào điều kiện địa lý, văn hóa, kinh tế xã hội của địa phương mình” – ông Thái Văn Tài cho hay.
Chia sẻ về dự thảo quy định việc thẩm định tài liệu giáo dục địa phương, đại diện lãnh đạo Vụ Giáo dục Trung học nhấn mạnh đến 5 tiêu chí: Điều kiện tiên quyết của tài liệu; nội dung tài liệu; phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá; cấu trúc và hình thức trình bày; ngôn ngữ, thuật ngữ. Trong đó, về tiêu chí nội dung, tài liệu bao gồm những vấn đề cơ bản về văn hoá, lịch sử, địa lí, kinh tế, chính trị - xã hội, môi trường, biến đổi khí hậu, hướng nghiệp, các vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống, kĩ năng sống của địa phương.
Nội dung tài liệu phải đáp ứng được yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018; chú trọng hình thành năng lực vận dụng, thực hành phù hợp với trình độ, khuyến khích tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập, phát huy năng lực của học sinh.
Hội đồng thẩm định tài liệu do Chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập, giúp Chủ tịch UBND cấp tỉnh thẩm định tài liệu. Hội đồng được thành lập theo cấp học; bao gồm: cán bộ quản lí và chuyên viên của sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT; cán bộ quản lí, giáo viên của cơ sở giáo dục phổ thông; nhà khoa học; người tham gia hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, nghệ nhân; đại diện một số sở, ban, ngành liên quan.
Khẳng định sự cần thiết phải ban hành quy định việc thẩm định tài liệu giáo dục địa phương, ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk nhận định các tiêu chí đưa trong dự thảo quy định việc thẩm định tài liệu giáo dục địa phương là phù hợp.
Đây cũng là cơ sở để địa phương xây dựng cụ thể hơn thành các chỉ báo để thẩm định tài liệu này một cách hiệu quả. “Dự thảo thông tư cũng nêu rõ chức năng, nhiệm vụ của các cá nhân, tập thể trong hội đồng thẩm định, để có định hướng và thực hiện tốt việc thẩm định. Quy trình thẩm định chặt chẽ; thành phần hội đồng thẩm định quy định trong dự thảo cũng là phù hợp và bảo đảm thẩm định có chất lượng, có tính pháp lý” – ông Đỗ Tường Hiệp cho hay. `
Tại hội thảo, đại diện các sở GD&ĐT đã có những góp ý ban đầu cho dự thảo quy định việc thẩm định tài liệu giáo dục địa phương, nhằm triển khai thẩm định tài liệu bảo đảm thời gian và chất lượng.