Trăn trở điều kiện sàn

GD&TĐ - Vấn đề phân luồng một lần nữa nóng lên...

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Mới đây đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn Đại biểu Quốc hội An Giang thẳng thắn đề nghị người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH cho biết cần làm gì để nâng cao hơn nữa hiệu quả của việc phân luồng học sinh.

Trước đó, ngày 4/5, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2030 đạt, thu hút được 50 - 55% học sinh trung học vào các trường nghề.

Công tác phân luồng sau THCS và THPT được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, thời gian qua đã có chuyển biến tích cực, nhưng nhìn chung vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” đặt mục tiêu đến năm 2021 có 30% học sinh sau THCS vào học trường nghề. Thế nhưng, số lượng học sinh học trung cấp giai đoạn 2016 - 2020 chỉ chiếm khoảng 16,3% tổng số học sinh tốt nghiệp THCS mỗi năm.

Có nhiều nguyên nhân khiến việc phân luồng vào trường nghề kém hiệu quả như chính sách cho giáo dục nghề nghiệp chưa hấp dẫn, chất lượng truyền thông, đào tạo, cơ hội việc làm và thu nhập… còn hạn chế. Trong đó, chất lượng đào tạo nghề là một trong những nhóm nguyên nhân khiến nhiều người trăn trở.

TS Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt nhấn mạnh đến công tác bảo đảm chất lượng. Ông cho rằng, đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp mới chỉ là điều kiện sàn, muốn vươn tới trường nghề chất lượng cao phải hiện đại hóa hệ thống quản trị, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng hệ thống thực hành, thực tập hiện đại… Thế nhưng đến nay, ngay cả đạt điều kiện sàn, nhiều trường trung cấp, cao đẳng nghề vẫn chưa đạt được.

TPHCM là trung tâm giáo dục nghề nghiệp lớn của cả nước nhưng báo cáo của sở LĐ-TB&XH TP này cho thấy địa phương mới có 77/99 (đạt 77,77%) trường cao đẳng, trung cấp thực hiện công tác tự đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo quy định. 13/24 (đạt tỷ lệ 54,16%) trường cao đẳng công lập đã được kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp; 5/21 (tỷ lệ 23,8%) trường trung cấp công lập được kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp… Việc một số trường nghề chưa thật sự quan tâm đến công tác kiểm định chất lượng có ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo, mức độ thu hút học sinh vào luồng nghề.

Có thể hiểu những khó khăn của giáo dục nghề nghiệp khi vẫn còn nhiều nơi chưa đạt được điều kiện sàn. Vấn đề kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp còn mới ở Việt Nam. Hiện, cả nước có chưa đến 300 kiểm định viên, trong khi số lượng trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp rất lớn…

Tuy vậy, không phải vì khó mà xem nhẹ công tác kiểm định chất lượng, bởi đảm bảo chất lượng, kiểm định chất lượng là xu hướng tất yếu trong giáo dục của Việt Nam và trên toàn thế giới. Kiểm định chất lượng không chỉ là đảm bảo nhà trường có trách nhiệm đối với hoạt động đào tạo, mà còn mang lại động lực cải tiến và nâng cao chất lượng chương trình đào tạo, từ đó tăng sức hút đối với học sinh vào luồng nghề.

Là khâu then chốt để hấp dẫn học sinh, khi chất lượng đào tạo trường nghề chưa bảo đảm, mọi khâu định hướng, quảng bá, thu hút trước và sau đó dù nỗ lực thế nào vẫn khó đạt hiệu quả. Mục tiêu 50 - 55% học sinh trung học vào các trường nghề mà Ban Bí thư đặt ra không dễ dàng. Vì thế, cùng với nỗ lực của nhà trường phổ thông trong hướng nghiệp, các trường nghề cần làm tốt công tác chất lượng, xây dựng văn hóa chất lượng để đẩy mạnh tỷ lệ vào luồng nghề, đáp ứng chiến lược quốc gia về xây dựng nguồn nhân lực trực tiếp phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giá vàng hôm nay 27/11 tiếp tục giảm

Giá vàng hôm nay 27/11 tiếp tục giảm

GD&TĐ - Giá vàng trong nước hôm nay (27/11), tiếp tục giảm 1,4 triệu đồng/lượng (bán ra), vàng nhẫn giảm; Vàng thế giới nhích nhẹ so với phiên trước.