Trong suốt quá trình dạy học, thầy luôn tâm niệm môn Văn không chỉ giúp học sinh có kiến thức, mà còn trở thành những con người tử tế.
Chuyên Toán học Ngữ văn
20 năm gắn bó với nghề giáo, dạy học ở một ngôi trường ngay sát cạnh nhà, thầy giáo Đặng Hữu cho rằng, với mình, nghề đã trở thành nghiệp. Tốt nghiệp cấp 3, vì gia đình khó khăn, thầy Hữu phải làm đủ thứ nghề để mưu sinh. 5 năm bươn chải với nhiều công việc, cùng với nỗi “thèm học”, ước mơ được trở thành thầy giáo vẫn âm ỉ cháy trong lòng, thầy Hữu quyết tâm ôn thi và đỗ vào Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng.
Chọn theo học ngành Sư phạm Ngữ văn, với thầy Hữu, là một cơ duyên. Thời học phổ thông, thầy Hữu là học sinh chuyên Toán. “Nhưng không hiểu sao, thời điểm làm hồ sơ đăng ký thi vào sư phạm, mình lại quyết định chọn ngành Ngữ văn chứ không chọn học theo sở trường”, thầy Hữu kể.
Những tháng năm sau này, khi trở thành thầy giáo, thầy Hữu thấy rằng mình đã chọn đúng. “Dạy Văn, với tôi, không chỉ là truyền tải kiến thức thông qua các tác phẩm văn học, mà trong từng tiết dạy, sẽ giúp học sinh biết đồng cảm với những cảnh đời, biết yêu quý, rung động trước cái đẹp… Thành quả có thể không đến ngay thông qua những điểm số, những kỳ thi, nhưng chất nhân văn sẽ ngấm trong tâm hồn các em, được bồi đắp mỗi ngày một ít, để các em trở thành con người tử tế”.
Dù gia đình khá chật vật, hai con còn nhỏ, sức khỏe cũng không tốt, vợ phải nghỉ việc ở nhà chăm con, song thầy Hữu không nhận dạy kèm bất kỳ học sinh nào. “Dù nhiều phụ huynh có đặt vấn đề gửi con học thêm, nhưng tôi thực sự cảm thấy sẽ không thoải mái khi vừa dạy thêm vừa dạy chính khóa. Tôi muốn mỗi tiết dạy của mình đều trọn vẹn”, thầy Hữu giải thích ngắn gọn.
Có thể thấy được những điều mà thầy Hữu tâm huyết, truyền tải qua từng tiết dạy đã đọng lại trong nhiều thế hệ học sinh của Trường THCS Nguyễn Hồng Ánh. Anh Nguyễn Tấn Thiện, công tác tại Công an quận Liên Chiểu, chia sẻ: “Thầy Hữu rất mộc mạc, dạy học với tất cả sự tận tâm, miễn sao học sinh chịu học và học tốt. Thầy quan tâm đến hoàn cảnh của từng học sinh như người cha trong gia đình. Em nhớ năm đó, lớp chúng em có một bạn vì hoàn cảnh gia đình nên không thi vào lớp 10, thầy cứ đến nhà bạn khuyên nhủ, động viên bạn mãi. Dù chỉ học với thầy mấy năm ngắn ngủi, nhưng thầy luôn quan tâm, dõi theo chúng em”.
Sự tận tâm, lòng yêu nghề của thầy Hữu được gửi gắm vào trong từng tiết học, đã gieo vào lòng nhiều thế hệ học sinh những ấn tượng tốt đẹp về nghề dạy học. Cô giáo Trần Thị Ngọc Thùy (Trường THCS Nguyễn Văn Linh, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) theo học bồi dưỡng học sinh giỏi Văn do thầy Đặng Hữu giảng dạy từ khi đang còn học lớp 7. Tình yêu với môn Văn trong cô học trò nhỏ được bồi đắp thêm từng ngày từ những tiết học đầy lôi cuốn. Thùy chọn theo học chuyên Văn Trường THPT Lê Quý Đôn rồi theo nghề sư phạm. Ký ức về những tiết dạy đầy ắp nhiệt huyết của thầy Hữu trở thành chuẩn mực để cô giáo Thùy phấn đấu noi theo.
Những khoảng trống trong giáo án
Thầy Đặng Hữu nhận xét: “Học sinh học Văn bây giờ rất ít tìm đọc tác phẩm văn học trọn vẹn mà hầu như chỉ tiếp cận trên đoạn trích. Chính vì vậy, giáo viên, bằng chính tâm huyết và lòng yêu thích bộ môn, sẽ giới thiệu cho học sinh những cái hay, nét đẹp, sức hấp dẫn của tác phẩm thì mới kích thích được các em đọc sách. Rồi mình cũng phải dành thời gian tìm đọc những quyển sách đang phổ biến như sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Có hiểu được sách mà các em thích đọc, mới hiểu được các em nghĩ gì, muốn gì. Học sinh mỗi thời tâm tư mỗi khác, không thể áp đặt suy nghĩ cùng những ký ức thời đi học của mình lên các em được”.
Năm học 2021 – 2022 này, dù việc học trực tiếp bị gián đoạn, đội tuyển học sinh giỏi Văn của Trường THCS Nguyễn Hồng Ánh vẫn đoạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 cấp thành phố. 5 học sinh đi thi đều đoạt giải, trong đó có 3 giải Nhất. Thầy Đặng Hữu cho biết, đây là sự nỗ lực của học sinh và tập thể giáo viên tổ Ngữ văn, thầy chỉ là người kế tiếp truyền thống. Trường THCS Nguyễn Hồng Ánh luôn có học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố ở bộ môn Ngữ văn.
Thầy Hữu cho rằng, để học sinh không phụ thuộc vào văn mẫu, thì thầy, cô giáo phải có rất nhiều tâm huyết. “Văn mẫu là cần thiết, cũng không thể bỏ được. Nhưng phải làm sao để học sinh dù tiếp cận văn mẫu nhưng không phụ thuộc, biến được văn mẫu thành kiến thức riêng của mình. Muốn vậy thì thầy, cô giáo phải kiên trì trong việc rèn kỹ năng diễn đạt cho học sinh, và cũng đừng nên yêu cầu quá cao với các em. Một khi không quá áp lực, lại được hướng dẫn kỹ năng diễn đạt, học sinh sẽ biết cách thoát ra khỏi văn mẫu”.
Rời những tiết dạy, thầy Đặng Hữu lại gắn bó với ruộng vườn. Cùng với đồng lương khiêm tốn từ nghề dạy học, rau màu vườn tược cũng là nguồn thu nhập của gia đình thầy. 20 năm theo đuổi nghề dạy học, thầy chưa bao giờ thấy mình thiếu thốn, bởi những tình cảm trân quý của phụ huynh và học sinh. Những động viên, thăm hỏi từ những học sinh cũ cũng là nguồn sức mạnh giúp thầy vượt qua những khó khăn thường nhật, để tiết dạy nào cũng đầy cảm xúc, lôi cuốn…