Thầy trò cùng thay đổi
Năm học này, Trường Tiểu học Mường Than có 961 học sinh theo học ở 32 lớp. Với tinh thần “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, nhà trường đã hướng dẫn, khuyến khích thầy trò toàn trường thay đổi từ tư duy, nhận thức đến hành động.
Theo quan điểm của thầy giáo Đào Văn Chiến, Hiệu trưởng nhà trường, xây dựng trường học hạnh phúc là dựng nên chương trình giáo dục phù hợp. Trong chương trình đó, nhà trường chính là ngôi nhà chung để mỗi thầy cô, học sinh, phụ huynh đều cảm thấy hạnh phúc.
"Trường học hạnh phúc là nơi tình yêu thương giữa nhà giáo với nhà giáo; giữa thầy và trò; giữa học sinh với nhau được trân trọng" - thầy Chiến nhấn mạnh.
Theo thầy Chiến, trường học phải là nơi an toàn cho hoạt động dạy và học của thầy - trò, không tồn tại cách hành xử bạo lực, không diễn ra các hành vi phi đạo đức. Mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng giáo dục, năng lực, phẩm chất của học sinh.
Với định hướng này, nhà trường xây dựng môi trường để mỗi học sinh hứng thú khi học tập và tham gia các hoạt động. Từ đó, giúp học sinh tự chủ trong tiếp nhận kiến thức và tham gia các hoạt động và không bị áp lự để đạt kết quả tốt nhất.
Mỗi giáo viên được Ban giám hiệu nhà trường khuyến khích sáng tạo, tự chủ truyền thụ kiến thức, kỹ năng, thái độ cho học sinh. Trong đó, chú trọng giáo dục bồi đắp tâm hồn đẹp cho các em. Mọi xúc cảm riêng biệt, cá tính sáng tạo của thầy và trò được tôn trọng, không bị áp đặt một cách máy móc, rập khuôn theo phương cách giáo dục xưa cũ, lạc hậu.
25 năm công tác trong ngành giáo dục, cô Lê Thị Loan đã lấy nền tảng hạnh phúc gia đình để đến trường giáo dục học sinh và ứng xử với đồng nghiệp. Điều đó đã phát huy tác dụng tích cực khi đồng nghiệp đều nhận xét cô là một người hạnh phúc. Học sinh cô Loan luôn coi lớp học là nhà và cô giáo như người mẹ thứ hai của mình.
Cô Loan chia sẻ: “Để xây dựng được môi trường hạnh phúc thì cán bộ quản lý, giáo viên phải biết đồng thuận, chia sẻ trong công việc. Việc chia sẻ từ kiến thức lẫn kinh nghiệm. Tôi đã thay đổi, dám làm, chịu trách nhiệm, khẳng định bản thân trước nhà trường và phụ huynh. Từ đó, nhìn thẳng vào bản thân và những vấn đề thực tế của giáo dục hiện đại để hướng tới xây dựng ngôi trường hạnh phúc”.
Để có một ngôi trường hạnh phúc thì mỗi giáo viên, học sinh đều cảm thấy hạnh phúc. Chính vì vây, nhà trường đã đổi mới phương pháp và hình thức dạy học. Việc lấy học sinh làm trung tâm để giảng dạy đã tạo niềm vui cho các em khi đến lớp.
“Trước kia những em học kém một chút thì thường e ngại, không dám chia sẻ trước đám đông. Nhưng nhờ phương pháp dạy học mới, chúng tôi đã tạo cho học sinh sự tự tin, dám chia sẻ và thể hiện mong muốn của bản thân”, cô Loan cho biết thêm.
Thầy cô thay đổi, học sinh thay đổi, đó chính là những yếu tố mang đến một lớp học hạnh phúc. Nhưng thay đổi như thế nào để xây dựng một ngôi trường hạnh phúc lại là một hành trình gian nan, cần sự nỗ lực và bền bỉ.
“Gieo thói quen gặt tính cách”
Theo ông Đào Văn Chiến, để hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc, giáo viên đã thay đổi để hướng đến một môi trường giáo dục văn minh, thân thiện. Trường học hạnh phúc tạo nên các hành vi chuẩn mực, trước hết là của thầy, cô giáo có đạo đức trong sáng, yêu nghề, tận tâm, tận lực. Để có được hạnh phúc, tập thể nhà trường cần có sự quan tâm, chia sẻ, bao dung, tin tưởng và hỗ trợ lẫn nhau.
Chính vì vậy, nhà trường luôn chỉ đạo mỗi cán bộ, giáo viên tự xây dựng kế hoạch phấn đấu, rèn luyện gắn với việc thực hiện các phong trào thi đua góp phần cùng nhà trường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học. Các thầy, cô phải trở thành những tấm gương tiêu biểu cho học sinh noi theo.
Thông qua việc thực hiện thói quen sẽ tạo ra sự thay đổi trong hành vi của mỗi giáo viên. Từ đó, dẫn đến sự thay đổi về văn hóa của lòng tin trong khuôn viên trường học. Mỗi giáo viên đã áp dụng các thói quen, kỹ năng được học để phát huy nội lực, vượt qua áp lực để thực hiện hiệu quả "sứ mệnh" của mình để tạo nên trường học hạnh phúc.
“Chúng tôi luôn chỉ đạo giáo viên tích lũy những kiến thức thiết thực và mang tính chuyên sâu về tâm lý học học đường và tâm lý lứa tuổi. Từ đó, trang bị cho giáo viên kỹ năng cần thiết để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình dạy học. Qua đây, tạo động lực cho giáo viên tự thay đổi, trở nên hoàn thiện hơn để cùng xây dựng một trường học hạnh phúc”, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.