Trạm tạo oxy điều trị bệnh nhân Covid-19

GD&TĐ - Các nhà khoa học Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã sản xuất thành công hệ thống chế tạo oxy và khí nén y tế quy mô lớn phục vụ phòng chống dịch Covid-19.

Trạm tạo oxy có thể phục vụ lưu động.
Trạm tạo oxy có thể phục vụ lưu động.

Chủ động nguồn oxy

Cuối tháng 5/2021, từ nhu cầu của Bộ Y tế và yêu cầu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã tập hợp nhiều nhóm chuyên gia để nhanh chóng ứng dụng các kết quả nghiên cứu hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19. Một trong số đó là hệ thống NOVAO2-Mobile System được thiết kế, chế tạo và vận hành quy mô lớn để tạo oxy và khí nén y tế.

PGS.TS Vũ Đình Tiến, Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Hóa học, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết, hiện các bệnh viện dã chiến lớn đều dùng oxy được hóa lỏng từ các nhà máy khí công nghiệp.

Do hạn chế trong vận chuyển, đóng bình, việc cung cấp oxy không đủ, gây ảnh hưởng tới điều trị bệnh nhân và F0 cách ly tại nhà. Giải pháp của nhóm là cung cấp trực tiếp oxy từ khí trời để giúp bệnh viện dã chiến chủ động nguồn oxy cho bệnh nhân.

Các bệnh viện dã chiến và điều trị bệnh nhân Covid-19 cần khí nén y tế để trộn với oxy, tạo nồng độ oxy theo yêu cầu của bác sĩ. Tùy theo thể trạng bệnh nhân, bác sĩ sẽ quyết định nồng độ và lưu lượng oxy phù hợp.

Hệ thống do nhóm nghiên cứu của Đại học Bách khoa Hà Nội và Công ty Novamed Việt Nam phát triển sau 3 tuần khi nhu cầu oxy cấp thiết tại các bệnh viện dã chiến thu dung bệnh nhân điều trị Covid-19.

Hệ thống có tên Nonao2-Mobile System, có thể tạo oxy và khí nén y tế công suất 18 Nm3/h, với nồng độ lên tới 95%. Sản phẩm được thiết kế gồm hai cột vật liệu hấp phụ sàng phân tử Zeolite, làm việc luân phiên với khí cấp và xả thông qua các van điều khiển tự động theo công nghệ hấp phụ áp suất chuyển đổi (Pressure Swing Adsorption).

Tức là khi nén không khí vào cột thứ nhất với áp suất cao thì khí nitơ sẽ được giữ lại trong mao quản của vật liệu hấp phụ, sản phẩm thu được là oxy. Khi cột thứ nhất đã bão hòa nitơ thì sẽ chuyển sang làm việc với cột thứ hai, khi đó cột thứ nhất sẽ thực hiện quá trình tái sinh để chuyển khí nitơ ra ngoài.

Quá trình đó sẽ được lặp đi lặp lại tạo nên chu trình hấp phụ thay đổi áp suất. Không khí khi đi qua hệ thống này sẽ được tách nitơ, oxy, đáp ứng tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới về nồng độ oxy sử dụng trong y tế. Hệ thống có tính năng IoT để kết nối, giám sát và điều khiển thiết bị từ xa.

Để thực hiện nghiên cứu, nhóm đã thiết kế, tập hợp nguyên vật liệu và tổ chức chế tạo với sự hỗ trợ của nhiều doanh nghiệp trong ngành thiết bị, cơ khí. Sản phẩm chế tạo bảo đảm chỉ tiêu kỹ thuật, mỹ thuật công nghiệp của Công ty

Novamed Việt Nam và đặc biệt là tiến độ sản xuất trong giai đoạn khó khăn do giãn cách xã hội. Lãnh đạo Novamed Việt Nam và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhận định có thể triển khai mạng lưới để sản xuất số lượng lớn hệ thống Container NOVAO2-Mobile System đáp ứng nhu cầu linh hoạt, di động về oxy và khí nén y tế hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19.

Sản phẩm này có thể triển khai nhanh chóng cho hệ thống điều trị nhiều tầng của người bệnh Covid-19, đảm bảo sự chủ động về nguồn oxy cho các bệnh viện dã chiến trong mọi tình huống.

Mong được đưa vào vùng dịch

Mô hình máy tạo oxy.

Mô hình máy tạo oxy.

Với việc nghiên cứu thành công hệ thống này, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã tài trợ chế tạo 2 Container NOVAO2-Mobile System trị giá 4 tỷ đồng để đưa vào miền Nam phục vụ công tác điều trị bệnh nhân Covid-19.

“Bắt tay vào công việc từ cuối tháng 7/2021, trong hoàn cảnh toàn thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 17 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nhóm nghiên cứu cùng với các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế tạo cơ khí đã vượt qua mọi khó khăn trong việc mua sắm vật tư, tuân thủ các quy định về tổ chức sản xuất 3 tại chỗ.

Cho đến nay, chúng tôi đã hoàn thành 2 hệ thống tạo oxy và khí nén di động NOVAO2, đáp ứng các tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7742:2007 và TCVN 8022-1:2009”,  PGS.TS Vũ Đình Tiến chia sẻ.

Nhóm nghiên cứu bày tỏ nguyện vọng tiếp tục có được sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý Nhà nước và sự đồng hành của các doanh nghiệp để có thể chế tạo được nhiều hệ thống tạo oxy di động hơn nữa, kịp đưa vào vùng dịch vận hành để góp phần giảm tỷ lệ tử vong do thiếu oxy ở bệnh nhân Covid-19.

Sau khi hết dịch các hệ thống này có thể chuyển giao cho tuyến y tế cơ sở hoặc các địa phương vùng sâu, vùng xa, miền núi và hải đảo không có tiếp cận được nguồn oxy công nghiệp nhằm tăng cường chất lượng điều trị bệnh nhân mắc các bệnh về hô hấp.

BS Nguyễn Hữu Tú, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, đánh giá Hệ thống cung cấp oxy và khí nén y tế di động là mô hình rất tiềm năng, có thể đem đến hiệu quả rất lớn trong công tác điều trị bệnh nhân Covid-19. Trước mắt, 2 container sẽ được thử nghiệm tại Bình Dương và Đồng Nai. Nếu hiệu quả, nhóm sẽ kiến nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan để nhân rộng.

GS.TS Tạ Ngọc Đôn, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, mong muốn Bộ Y tế tạo điều kiện cho Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tiếp tục phát triển Hệ thống cung cấp oxy và khí nén y tế di động với việc nâng cao công suất, tích hợp hệ thống điều khiển thông minh và cùng doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn để phục vụ hiệu quả cho việc điều trị các bệnh nhân Covid-19.

Nhóm nghiên cứu BKPureTech do PGS-TS Vũ Đình Tiến chủ trì đã có kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu về công nghệ thiết bị tạo khí nitơ bằng chu trình hấp phụ thay đổi áp suất PSA.

Vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát với biến chủng Delta, sinh viên của nhóm nghiên cứu đã chế tạo áo làm mát BKCoolTech gửi tặng các bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Phổi tỉnh Bắc Giang.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.