Tuổi xuân với học trò vùng cao
Sinh ra và lớn lên ở huyện Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn), ngay từ nhỏ Triệu Thị Thiều đã ham học và ước mơ được làm cô giáo. Năm 1992, sau khi tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm, cô giáo trẻ Triệu Thị Thiều được phân công lên dạy tại phân trường Tà Han (thuộc trường tiểu học Xuân Lạc).
Nhớ lại những ngày mới vào nghề, cô Thiều cười hiền: Phân trường Tà Han cách trung tâm huyện 70 km, đường đi lại rất khó khăn, giáo viên chúng tôi hầu hết là đi bộ từ trung tâm xã, mỏi chân đã đành, trời mưa còn khổ hơn vì đường trơn, bết dính. Đời sống sinh hoạt thiếu thốn đủ thứ. Những năm đầu không có lớp, thầy cô giáo và phụ huynh dựng lán để học, để ở.
Lương giáo viên thời ấy rất thấp, nhiều người đã khuyên tôi nên xin nghỉ dạy về nhà. Thế nhưng chỉ tôi mới hiểu, được đứng trên bục giảng thiêng liêng và hạnh phúc thế nào. Nhất là khi đã gắn bó với người dân và học sinh ở đó. Với giáo viên chúng tôi, dạy học không chỉ là trách nhiệm mà còn cả tình thương thật sự.
Thôn Tà Han là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Mông, cái ăn, cái mặc còn chưa đủ nên việc học hành của các em rất khó khăn. Ở đây không có điện, khan hiếm nước dùng, người dân “đầu tắt mặt tối” trên nương rẫy cũng không đủ ăn, chính vì vậy việc chăm sóc, quan tâm trẻ nhỏ còn rất hạn chế. Ban đầu, cô Thiều còn phải học tiếng Mông vì ngay cả phụ huynh cũng không biết nói tiếng phổ thông, chính vì vậy việc giảng dạy lại càng gian nan.
“May mắn là từ phụ huynh cho đến học sinh đều yêu quý cô giáo, các em không nói nhiều, có lúc mang cho cô bắp ngô, hay củ chuối đỏ. Đặc biệt, hầu hết các em bé đều thích đi học, dù không giỏi, chỉ ê a đọc, viết chữ trên lớp thôi. Điều buồn nhất, là ở thời điểm ấy, trình độ dân trí còn thấp, không chỉ nạn tảo hôn mà cả hôn nhân cận huyết, khiến cho nhiều em sinh ra bị dị tật bẩm sinh: câm, điếc, dị tật… Tôi đã trực tiếp giảng dạy cho một em bị điếc và một em bị khuyết tật trí tuệ. Cả hai bé đều rụt rè, không chơi với các bạn, ít giao tiếp nên đối với việc học lại càng khó khăn. Từ đó tôi luôn tự đặt ra câu hỏi rằng mình phải làm thế nào để giúp các em bớt đi sự mặc cảm, sống tốt hơn, bớt gánh nặng cho gia đình, xã hội…”. Bằng giọng nói trầm buồn, cô giáo Thiều tâm sự nhiều hơn về lý do tạm biệt những học trò vùng cao sau 13 năm gắn bó.
Vun trồng ước mơ từ những mầm cây thiếu may mắn
Theo tiếng gọi của con tim và lòng yêu thương những mảnh đời bất hạnh, năm 2005 cô giáo Triệu Thị Thiều xin đi tập huấn 3 tháng về giáo dục trẻ khuyết tật tại Trường Cao đẳng sư phạm Hà Nội. Có được nền tảng kiến thức đầu tiên, cô chủ động tìm hiểu thông tin, học hỏi, tham dự các lớp tập huấn để trang bị một số kỹ năng cơ bản về giáo dục trẻ khuyết tật. Càng tìm hiểu, cô Thiều càng thương những hoàn cảnh không may mắn, từ đó cô vẫn luôn mong mình sẽ làm được nhiều hơn nữa cho các em.
“Năm 2016, tôi làm đơn xin chuyển công tác về Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật tỉnh Bắc Kạn. Khó khăn ban đầu là sự phản đối của bạn bè, đồng nghiệp và đến cả từ phía gia đình. Có người từng hỏi tôi: Bạn cũng được nhiều thành tích trong giảng dạy, sao lại xin vào trường ấy, vừa khổ, vừa mất vệ sinh và quan trọng nhất là không sợ bị ảnh hưởng đến con cái sau này à?. Lúc ấy tôi chỉ nghĩ rằng mình có tâm thì không sợ gì cả, nhiều thầy cô làm được, mình cũng sẽ làm được”. Cô Thiều nhớ về những ngày đầu tiên sang một môi trường mới đầy gian nan.
Dạy trẻ đã khó, dạy học cho trẻ khuyết tật còn khó hơn, với nhiều thầy cô giáo, việc chuyển trường học bình thường sang trường khuyết tật được ví như “thêm nghìn năng lực mới”. Với cô giáo Thiều cũng vậy. Dù rằng trước kia dạy học nơi vùng sâu, vùng xa thiếu thốn, vất vả và bản thân cũng có sự chuẩn bị về tâm lý thế nhưng cũng không tránh khỏi những sợ hãi, áp lực đầu tiên.
Nếu trước đây, cô giáo tiểu học chỉ đau đầu về việc giảng dạy và ổn định lớp thì tại lớp học đặc biệt, cô giáo không chỉ kiên nhẫn thu hút sự tập trung, chú ý của học sinh vào bài giảng, mà còn phải chấp nhận việc nhiều em chậm tiến bộ trong thời gian dài.
Những buổi học đầu tiên, nhiều bé còn không chịu hợp tác, sợ hãi, trốn tránh, lúc ấy cô phải đến làm quen, im lặng và cố gắng thấu hiểu học sinh bằng chính trái tim của mình. Và việc dọn vệ sinh, tắm rửa, chăm lo sức khỏe từ bữa ăn, giấc ngủ cũng là công việc thường ngày của những giáo viên dạy trẻ khuyết tật.
Vất vả là thế, nhưng khi được hỏi về những ấn tượng và kỷ niệm với nghề, mắt cô lại ánh lên niềm vui: Cách đây nhiều năm, tôi có một học sinh người dân tộc Dao ở huyện Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn). Em bị câm điếc từ nhỏ nhưng đến năm 11 tuổi mới được bố mẹ đưa đến đây. Sau một tuần đầu tiên, em tiếp thu rất nhanh, học các ký hiệu, viết chữ… khi bố em đến nộp tiền ăn, ông không biết chữ và chính tôi đã bảo em học sinh đó ký tên thay bố. Khi tận mắt thấy con viết được chữ, ông ấy khóc, những giọt nước mắt trào ra rất vô thức, không thể kìm nén… Lúc ấy, tôi đã rất hạnh phúc, vì ít nhất mình đã góp phần mang đến hy vọng cho một gia đình.
Có nhiều người khi tiếp xúc với học trò trường chúng tôi sẽ thấy rất sợ hãi, thế nhưng thực tế các em đều rất hiền lành và biết quan tâm mọi người. Như hôm nay, tôi nói sẽ có người đến chụp ảnh cô, các em sẽ làm ký hiệu rằng cô bôi son vào đi. Động lực để tôi phấn đấu thì nhiều lắm, đó là sự ủng hộ của chồng, là các đồng nghiệp và quan trọng nhất là những học trò nhỏ. Chỉ mong sao, tất cả những em bé khi ra khỏi ngôi trường này, dù còn muôn vàn khó khăn nhưng cũng sẽ dang rộng đôi cánh của mình, hòa mình vào cuộc sống với một tương lai tốt đẹp.
Với những nỗ lực và đóng góp của mình, cô giáo Triệu Thị Thiều đã được chọn là giáo viên tiêu biểu của tỉnh Bắc Kạn tham gia Lễ tuyên dương “Chia sẻ cùng thầy cô năm 2018” do TW Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động và Thương binh xã hội tổ chức.