Hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu đến hạn thanh toán

GD&TĐ -  Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đến hạn trong tháng 3/2023 là 17.700 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với giá trị đến hạn trong tháng 2.

Hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu đến hạn thanh toán

Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đến hạn trong tháng 3/2023 là 17.700 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với giá trị đến hạn trong tháng 2/2023.

Theo báo cáo thị trường trái phiếu tuần 27/2-3/3 của VBMA, các nhóm ngành có giá trị trái phiếu doanh nghiệp đến hạn lớn là bất động sản với 7.690 tỷ đồng, chiếm 43% giá trị đến hạn; hàng tiêu dùng 5.100 tỷ đồng, chiếm 29% giá trị đến hạn và xây dựng 2.270 tỷ đồng, chiếm 12,8% giá trị đến hạn.

Riêng trong tuần 6/3-13/3, các doanh nghiệp đến hạn thanh toán trái phiếu là Tập đoàn Sovico (600 tỷ đồng), Tập đoàn Masan (3.000 tỷ đồng), Hưng Thịnh Land (985 tỷ đồng), Chứng khoán VNDirect (200 tỷ đồng), CTCP Kinh doanh và Đầu tư Bình Dương (400 tỷ đồng), Bất động sản An Gia (200 tỷ đồng), Camimex (100 tỷ đồng), Chứng khoán KIS việt nam (300 tỷ đồng), Chứng khoán An Bình (73 tỷ đồng).

Tập đoàn Masan ngày 9/3 công bố đã hoàn tất thanh toán 3.000 tỷ đồng lô trái phiếu đúng hạn cho trái chủ. Đây là các trái phiếu phát hành năm 2020 và đáo hạn vào 9/3/2023. Cũng trong tháng 3 này, Masan còn 1 lô trái phiếu có giá trị phát hành 2.000 tỷ đồng đáo hạn vào ngày 30/3.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trong những ngày đầu tháng 3/2023, thị trường ghi nhận chưa có doanh nghiệp nào mua lại cũng như phát hành mới trái phiếu.

Trước đó, trong tháng 2/2023, ghi nhận 3 đợt phát hành trái phiếu trị giá 2.000 tỷ đồng; gồm 1.500 tỷ đồng trái phiếu phát hành ra công chúng của Tập đoàn Masan, còn lại là 500 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ do CTCP Đầu tư Bất động sản Sơn Kim phát hành.

Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn trong tháng 2/2023 là 5.940 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính từ đầu năm tới nay, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại đạt hơn 15.300 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ.

Theo thống kê của VNDirect, ước tính giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) năm 2023 vào khoảng 252.000 tỷ đồng, tăng 64% so với 2022. Trong đó giai đoạn quý II đến quý III được đánh giá là khá thử thách với gần 160.000 tỷ trái phiếu đáo hạn.

Riêng quý I sẽ có khoảng 31.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn (giảm 41% so với cùng kỳ), tuy nhiên áp lực đáo hạn sẽ tăng mạnh trong quý II và III với giá trị lần lượt khoảng 76.500 tỷ đồng (tăng 120%) và 83.000 tỷ đồng (tăng 39%). Sau giai đoạn thách thức này, lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn sẽ giảm về mức 61.000 tỷ đồng (tăng 14% so với cùng kỳ) trong quý IV/2023.

Trễ hẹn trả nợ trái phiếu

Cuối tháng 2/2023, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) ra thông báo danh sách các tổ chức phát hành công bố thông tin bất thường và báo cáo theo yêu cầu từ ngày 16/9/2022 - 31/1/2023 có nội dung chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Theo danh sách này, trong số 54 doanh nghiệp công bố thông tin hoặc có báo cáo về việc chậm thanh toán trái phiếu, có 34 doanh nghiệp thuộc ngành BĐS - Xây dựng như nhóm Đất Xanh, nhóm Vạn Thịnh Phát, Danh Khôi, Novaland…

Cụ thể, các doanh nghiệp thuộc nhóm Đất Xanh có Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Hà An, Công ty Cổ phần Đầu tư và dịch vụ Đất Xanh Miền Nam.

Các doanh nghiệp thuộc nhóm Novaland có Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland), Công ty Cổ phần Nova Final Solution, CTCP Kinh doanh Bất động sản Thái Bình.

Các doanh nghiệp thuộc nhóm Hưng Thịnh có Công ty Cổ phần Hưng Thịnh Incons, Công ty Cổ phần Hưng Thịnh Investment.

Bên cạnh danh sách các doanh nghiệp bất động sản - xây dựng trên còn có những cái tên đã niêm yết như Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát, Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land), Công ty Cổ phần DRH Holdings, Công ty Cổ phần Tập đoàn Danh Khôi.

Sang tháng 2/2023, danh sách chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu tiếp tục ghi danh thêm hàng loạt doanh nghiệp khác như Công ty Cổ phần Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (Becamex TDC), Công ty TNHH Bất động sản Gia Phú (thành viên nhóm Novaland), Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Nice Star, Công ty Cổ phần Fuji Nutri Food (FNF), Công ty Cổ phần Lavida Invest, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vina2, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Seaside Homes, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova...

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp.

Nghị định 08 được kỳ vọng sẽ giúp vực dậy thị trường trái phiếu, với 3 tác động chính. Một là tạo hành lang, cơ sở pháp lý cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu đàm phán với các trái chủ để giãn hoãn nợ trái phiếu đáo hạn với thời gian gia hạn tối đa là 2 năm. Qua đó, giảm áp lực trả nợ lượng trái phiếu đáo hạn với điểm rơi cao điểm năm 2023.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.