Trải nghiệm vùng khó khăn để nuôi dưỡng tình thương, sự sẻ chia

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Thông qua chuyến đi trải nghiệm thực tế đến những vùng khó khăn, nhà trường muốn giáo dục học sinh về đạo đức và tình thương, sẻ chia với những trường hợp có hoàn cảnh bất hạnh. Đồng thời, phải biết tự bảo vệ bản thân khi gặp những tình huống bất trắc.

Học sinh trường Tiểu học Đăk Hà trong giờ đọc sách tại thư viện.
Học sinh trường Tiểu học Đăk Hà trong giờ đọc sách tại thư viện.

Giúp đỡ gia đình, sẻ chia với bạn bè

Thầy Nguyễn Thừa Kiên, Hiệu trưởng trường PTDTBT THCS Mường Hoong (huyện Đăk Glei, Kon Tum) cho biết, trước khi kết thúc năm học nhà trường đã bàn giao học sinh cho địa phương để quản lý. Bên cạnh đó, giáo viên cũng đã tuyên truyền, nhắc nhở phụ huynh giáo dục học sinh không được ra ao hồ, sông suối chơi khi không có người lớn. Đồng thời hướng dẫn các em tập bơi, từ đó hạn chế những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.

Cũng theo thầy Kiên, trong năm học Ban giám hiệu nhà trường đã giao cho Tổng phụ trách đội tổ chức các hoạt động giáo dục kĩ năng sống cho học sinh. Bên cạnh việc hướng dẫn học sinh các kĩ năng phòng chống đuối nước, sạt lở thì thầy, cô còn giáo dục các em phải biết yêu quý, kính trọng ông bà, cha mẹ và mọi người xung quanh. Không những vậy, giáo dục học sinh phải biết sẻ chia khó khăn với những trường hợp bất hạnh.

Đặc biệt, xã Mường Hoong là một trong những khu vực khó khăn của địa phương, điều kiện sống còn nhiều thiếu thốn do đó các em phải nâng cao ý thức học tập. Từ đó cố gắng vươn lên trong cuộc sống và học tập để sau này có cơ hội thoát nghèo, phát triển kinh tế gia đình và quê hương.

Tương tự, cô Nguyễn Thị Mỹ Liên, giáo viên trường Tiểu học Đăk Hà (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) cho biết, trong quá trình dạy trên lớp, thông qua những bài học giáo viên thường xuyên lồng ghép để giáo dục kĩ năng, đạo đức lối sống cho các em.

Theo đó, giáo viên giáo dục học sinh những việc nên và không nên làm trong cuộc sống cũng như tại trường lớp. Đồng thời, chia sẻ để học sinh hiểu và biết giúp đỡ bố mẹ, người thân những việc vừa sức của bản thân.

“Thông qua các bài dạy mình sẽ lồng ghép kiến thức, giáo dục kĩ năng và đạo đức lối sống cho học sinh. Từ đó giúp các em không chỉ tiếp thu được kiến thức mà còn phát triển, hoàn thiện nhân cách sống’, cô Liên tâm sự.

Giáo dục từ những trải nghiệm thực tế

Học sinh trường THCS và THPT Liên Việt làm balo gửi tặng học sinh khó khăn.

Học sinh trường THCS và THPT Liên Việt làm balo gửi tặng học sinh khó khăn.

Hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các trường học tại Gia Lai không thể tổ chức các hoạt động ngoại khoá, tập trung đông người để học sinh tham gia. Tuy nhiên, giáo viên Trường Tiểu học Sơn Lang (xã Sơn Lang, huyện Kbang, Gia Lai) vẫn cố gắng tổ chức những buổi trao đổi, nói chuyện để giáo dục cho học sinh những kĩ năng cần thiết.

Cô Huỳnh Thị Bích Liên (giáo viên lớp 5) cho hay, trước kia khi dịch covid-19 chưa bùng phát mạnh thì nhà trường đã phối hợp với bộ đội, sinh viên tình nguyện… tổ chức các buổi hoạt động ngoại khoá cho học sinh.

“Thông qua các cuộc thi về an toàn giao thông, aerobic nhà trường mong rằng các em sẽ mạnh dạn, tự tin hơn. Đồng thời có thể học tập, trau dồi được một vài kiến thức, kĩ năng sống để sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Cũng thông qua những hoạt động này, nhà trường khích lệ để học sinh đạt thành tích cao. Qua đó, động viên các em tiếp tục cố gắng, phát huy sở trường của bản thân”, cô Liên chia sẻ.

Thông qua những buổi trải nghiệm thực tế đến những khu vực khó khăn, Trung tâm bảo trợ xã hội, trường THCS và THPT Liên Việt (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) mong muốn học sinh phải biết sẻ chia với những hoàn cảnh bất hạnh, khốn khó.

Vào dịp Tết Nguyên đán vừa qua, trường THCS và THPT Liên Việt đã tổ chức chương trình "Đông Ấm" với chủ đề “Mang yêu thương trực tiếp – trao tình người trực tuyến” để hỗ trợ cho học sinh khó khăn. Theo đó, nhà trường đã kêu gọi học sinh quyên góp sách giáo khoa cũ, vở mới, quần áo ấm và phát động phong trào “Nuôi heo đất” gây quỹ vì cộng đồng.

Bên cạnh đó, giáo viên và học sinh trong trường đã thiết kế và may hơn 300 chiếc balo mới để gửi tặng học sinh vùng khó. Đồng thời, nhà trường cũng vận động các nhà hảo tâm và sự đồng hành của cha mẹ học sinh để có những phần quà thiết thực gửi đến học sinh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Cũng trong tháng 7 này, trường THCS và THPT Liên Việt phối hợp cùng Sở GD&ĐT tổ chức trại hè Liên Việt “Trải nghiệm để trưởng thành” nhằm mục đích tạo hành trang và kỹ năng sống cho các em từ 10 – 18 tuổi.

Theo trường THCS và THPT Liên Việt, chương trình Trại hè là nơi giúp các em được giải phóng năng lượng, phát triển những kĩ năng mềm, tự tin thể hiện chính mình. Đồng thời được thoải mái tự do phát triển những kĩ năng mà học sinh mong muốn, cân bằng tâm lý sau thời gian dịch bệnh, học online…..

Chương trình là môi trường cho các em có cơ hội trải nghiệm và sống như những chiến sĩ trong quân đội, được kết nối, gắn kết qua các chương trình Teambuilding. Ngoài ra, được rèn luyện quản trị cảm xúc, kỹ năng sinh tồn….. Đây cũng là môi trường cho các em được thể hiện là chính mình nhưng vẫn trách nhiệm trong tập thể, yêu thương chia sẻ với các thành viên trong nhóm của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.
Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.