Hoạt động cần thiết
Hoạt động trải nghiệm (cấp tiểu học) và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông) là hoạt động giáo dục bắt buộc được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12. Từ một hoạt động tích hợp trong nhà trường, trải nghiệm và trải nghiệm, hướng nghiệp đã trở thành một môn học bắt buộc với thời lượng 105 tiết/năm.
Đặc điểm của hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục do nhà giáo dục định hướng, thiết kế và hướng dẫn thực hiện, tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận thực tế, thể nghiệm các cảm xúc tích cực, khai thác những kinh nghiệm đã có và huy động tổng hợp kiến thức, kĩ năng của các môn học để thực hiện những nhiệm vụ được giao hoặc giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống nhà trường, gia đình, xã hội phù hợp với lứa tuổi.
Thông qua đó, chuyển hoá những kinh nghiệm đã trải qua thành tri thức mới, hiểu biết mới, kĩ năng mới góp phần phát huy tiềm năng sáng tạo và khả năng thích ứng với cuộc sống, môi trường và nghề nghiệp tương lai.
Học sinh Trường THCS Sông Trí (thị xã Kỳ Anh) trải nghiệm thực tế về cuộc sống nông thôn. |
Cô Nguyễn Thu Hương (giáo viên Trường THPT Kỳ Lâm, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho biết, đây là chương trình xây dựng theo hướng mở, cơ sở giáo dục và giáo viên chủ động lựa chọn nội dung, phương thức, không gian, thời gian hoạt động phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của mình trên nguyên tắc bảo đảm mục tiêu giáo dục và các yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực đối với mỗi lớp học, cấp học.
“Dựa trên quan điểm xây dựng chương trình của Bộ GD&ĐT, nhà trường chúng tôi linh hoạt tổ chức dạy học bằng cách đan xen giữa các tiết theo thời khóa biểu chính khóa và các hình thức trải nghiệm phong phú, lồng ghép với các chủ đề trong các môn học khác”, cô Hương nói.
Em Hoàng Tiến Phát, 10A5 vui vẻ chia sẻ: "Chúng em khám phá được rất nhiều điều thú vị từ Chương trình trải nghiệm, hướng nghiệp. Đặc biệt là môi trường học tập không giới hạn trong lớp học, ở trường học mà gần gũi với thực tế cuộc sống. Các chuyên đề sinh hoạt tập trung rất phong phú và mới mẻ về hình thức tổ chức. Đây là môn học rất cần thiết, giúp chúng em học hỏi thêm được nhiều điều".
Cần kiểm tra đánh giá chuyên môn
Theo nhiều giáo viên ở Hà Tĩnh, chương trình trải nghiệm hướng nghiệp là một hướng đi tốt, tích cực mang lại rất nhiều lợi ích cho người học. Với nội dung thống nhất giữa các cấp học, phong phú và đa dạng về hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh thu nhận được rất nhiều kiến thức, kĩ năng, phát triển nhiều cảm xúc tích cực, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp ngay từ rất sớm.
Tuy nhiên, chương trình trải nghiệm hướng nghiệp khá mới, dàn trải trong thời gian dài (105 tiết/năm), yêu cầu có sự phối hợp thực hiện của nhiều lực lượng giáo dục: giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên môn học, cán bộ tư vấn tâm lí học đường, cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, cán bộ Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, cán bộ phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, cán bộ quản lí nhà trường, cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân trong xã hội. Điều này có nghĩa là sẽ không có giáo viên chuyên trách nhưng môn học vẫn phải được tiến hành kiểm tra đánh giá như những môn học khác.
Học sinh tìm hiểu ngành nghề ở địa phương. |
Vậy làm thế nào để tổ chức điều phối thực hiện giữa các lực lượng giáo dục, thu thập và tổng hợp số liệu phục vụ kiểm tra đánh giá đảm bảo khách quan và công bằng là điều cần phải suy nghĩ.
Cô Lê Thị Tú Anh - Phó hiệu trưởng Trường THPT Kỳ Anh (thị xã Kỳ Anh) cho biết, xét tình hình các cơ sở giáo dục hiện nay, việc tự mình đề ra một kế hoạch dạy học vừa phù hợp với quan điểm xây dựng chương trình vừa phù hợp với điều kiện nhà trường về cơ sở vật chất, con người là tương đối khó.
Vì vậy, ban chuyên môn nhà trường đã linh hoạt trong việc xây dựng chương trình bằng việc: bố trí một số nội dung trong chương trình sinh hoạt đầu năm học như tìm hiểu môi trường giáo dục, giáo dục lịch sử địa phương và truyền thống nhà trường; phân bổ nội dung dạy học trong các tiết sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, chuyên đề ngoại khóa kết hợp với chuyển giao nhiệm vụ học tập cho học sinh tự học, tự nghiên cứu và nộp báo cáo nghiên cứu.
Để phù hợp với tình hình dạy học thực tiễn và mục tiêu phát triển phẩm chất kỹ năng, nhà trường khuyến khích đa dạng hình thức kiểm tra đánh giá và sản phẩm kiểm tra đánh giá, bao gồm: đánh giá định kì, đánh giá thường xuyên, bài viết, trắc nghiệm nhanh, video thuyết trình, sản phẩm nhóm, cá nhân… Mục đích là để bao quát toàn bộ quá trình và thấy được sự tiến bộ của học sinh.
"Chương trình trải nghiệm, hướng nghiệp là một môn học có nội dung khá sát với thực tế, gắn chặt việc học tập trong nhà trường và cuộc sống thực tiễn. Giúp học sinh hình thành những phẩm chất và kĩ năng sống cần thiết, phát huy tối đa những cảm xúc tích cực. Đồng thời, từng bước định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Việc tổ chức tốt nội dung học tập sẽ giúp người học và các cơ sở giáo dục tiến gần hơn với mục tiêu phát triển con người Việt Nam toàn diện", cô Tú Anh cho biết thêm.