Định hướng nghề nghiệp phát huy thế mạnh của học sinh

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Việc chú trọng công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm của Trường Trung cấp nghề Nga Sơn (Thanh Hóa) đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực.

Lễ ký kết hợp tác phát triển nguồn nhân lực của lãnh đạo Trường Trung cấp nghề Nga Sơn với các đơn vị.
Lễ ký kết hợp tác phát triển nguồn nhân lực của lãnh đạo Trường Trung cấp nghề Nga Sơn với các đơn vị.

Tập trung vào thế mạnh của học sinh

Năm học này, Trường Trung cấp nghề Nga Sơn (Thanh Hóa) có tổng số 860 học sinh (HS), với 7 mã ngành nghề đào tạo hệ Trung cấp, gồm: Điện công nghiệp và dân dụng; Hàn công nghệ cao; Vận hành kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí; May và thiết kế thời trang; Nghiệp vụ nhà hàng; Chế biến món ăn và cuối cùng là Chăn nuôi thú y.

Đối với công tác hướng nghiệp, Ban giám hiệu nhà trường luôn quan tâm, chú trọng và xem đây là nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, tập trung định hướng cho HS học và học ngành nghề.

Thầy Nguyễn Ngọc Minh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, công tác định hướng nghề nghiệp của trường thường tập trung vào phát triển kỹ năng nghề, đồng thời phát huy tối đa thế mạnh của từng HS.

Cụ thể, HS hoặc gia đình có truyền thống, thế mạnh về ngành nghề gì thì nhà trường sẽ định hướng cho các em phát triển theo ngành nghề đó. Cách làm này giúp HS phát huy tối đa năng lực cũng như sự hỗ trợ đắc lực từ gia đình.

Đặc biệt, trung bình mỗi năm, Trường Trung cấp nghề Nga Sơn tổ chức từ 30-40 lượt tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho các trường THCS, THPT trên địa bàn toàn huyện và các trường lân cận như huyện Hà Trung, Hậu Lộc,...

“Trong các buổi tư vấn định hướng nghề nghiệp, không có nghĩa là nhà trường sẽ tư vấn cho các em theo học tại trường. Thay vào đó, chúng tôi sẽ tập trung định hướng cho các em phát huy tối đa thế mạnh của mình.

Nghĩa là, HS và gia đình có thế mạnh về ngành nghề nào sẽ tập trung phát triển theo ngành nghề đó. Với sự hỗ trợ từ phía gia đình sẽ giảm tải gánh nặng cho chính bản thân các em cũng như quá trình đào tạo”, thầy Minh nói.

Một buổi thực tập trải nghiệm tại doanh nghiệp của HS Trường Trung cấp nghề Nga Sơn.

Một buổi thực tập trải nghiệm tại doanh nghiệp của HS Trường Trung cấp nghề Nga Sơn.

Em Mai Văn Trọng (21 tuổi, huyện Nga Sơn), một trong những cựu học sinh của nhà trường, chia sẻ: "Ngay từ khi em còn đang theo học lớp 9, nhà trường đã về tư vấn, định hướng nghề nghiệp theo sở trường và thế mạnh của chúng em. Quá trình học tập tại Trường Trung cấp nghề Nga Sơn, nhà trường cũng phối kết hợp với doanh nghiệp mở các phiên giao dịch việc làm, tổ chức thực tập để giúp HS có cơ hội tiếp cận với việc làm sớm. Đây là điều em thấy rất cần thiết cho chúng em khi học nghề".

Sau khi hoàn thành khóa học tại Trường Trung cấp nghề Nga Sơn, Mai Văn Trọng đã được nhà trường giới thiệu việc làm. Hiện tại, Trọng đang làm việc bên lĩnh vực hàn cơ khí tại thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa).

Tỷ lệ kiếm việc làm cao sau tốt nghiệp

Theo thầy Minh, thuận lợi của Trường Trung cấp nghề Nga Sơn trong công tác hướng nghiệp đó là các nhóm ngành nghề mà nhà trường đang đào tạo hiện nay hầu hết đều phù hợp với xu thế phát triển của xã hội.

Bên cạnh đó, hiện nay quy mô nhiều doanh nghiệp ngày càng được mở rộng kéo theo nhu cầu lao động tăng cao. Do đó, HS sau khi tốt nghiệp gần như được “bao tiêu” hết.

Để tăng cơ hội việc làm cho HS sau khi tốt nghiệp, Trường Trung cấp nghề Nga Sơn còn thường xuyên phối kết hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội mở các phiên giao dịch việc làm ngay tại trường.

Tại các phiên giao dịch việc làm có sự tham gia của HS đã tốt nghiệp hoặc những người có nhu cầu tìm kiếm việc làm trên địa bàn toàn huyện và các doanh nghiệp có nhu cầu về lao động. Thông qua các phiên giao dịch nhằm kết nối doanh nghiệp với người lao động, tăng cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp cho HS sau khi tốt nghiệp.

Ngoài ra, với HS chuẩn bị tốt nghiệp, nhà trường còn tiến hành làm phiếu khảo sát về nhu cầu việc làm, vị trí phù hợp, mức lương mong muốn,... Từ đó, giúp HS sớm tìm được công việc phù hợp với năng lực, sở trường cũng như đáp ứng nguyện vọng của bản thân.

Học sinh Trường Trung cấp nghề Nga Sơn tham gia phiên giao dịch việc làm tại trường.

Học sinh Trường Trung cấp nghề Nga Sơn tham gia phiên giao dịch việc làm tại trường.

“Trung bình, mỗi năm có khoảng 40 doanh nghiệp về nhà trường để phối kết hợp làm công tác hướng nghiệp và tuyển dụng lao động. Nhờ vậy, tỷ lệ HS sau khi tốt nghiệp có việc làm luôn chiếm khoảng 60%”, thầy Minh cho hay.

Cũng theo thầy Minh, trong năm học này, Trường Trung cấp nghề Nga Sơn tiếp tục phối kết hợp với các doanh nghiệp nhằm đưa HS đã học tập được 2 năm đi thực tập trải nghiệm. Cách làm này vừa tạo môi trường để HS được trải nghiệm vừa tạo sự gắn kết giữa HS và doanh nghiệp nhưng vẫn được hỗ trợ với mức tối thiểu 3 triệu đồng/tháng.

Sau khi HS hoàn thành thực tập trải nghiệm, doanh nghiệp cũng sẵn sàng quay lại trường để mời HS làm việc lâu dài tại công ty khi kết thúc chương trình đào tạo tại trường.

"Ngoài hình thức này, thời gian tới nhà trường cũng có kế hoạch tiếp tục tìm kiếm những doanh nghiệp lớn, uy tín và có mức đãi ngộ tốt để kết nối việc làm cho HS sau khi ra trường. Trong đó, ưu tiên số một vẫn là doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động cho tỉnh nhà”, thầy Nguyễn Ngọc Minh - Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Nga Sơn (Thanh Hóa).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.