Hướng nghiệp theo đơn đặt hàng: Đi từng trường, gõ từng ngành

GD&TĐ - Tổ chức tham quan thực tế, cũng như tạo cơ hội để HS được gặp gỡ sinh viên, giảng viên tại các trường ĐH… là hình thức hướng nghiệp hiệu quả.

Đại diện một doanh nghiệp tại Thừa Thiên Huế phỏng vấn tuyển dụng sinh viên. Ảnh: INT
Đại diện một doanh nghiệp tại Thừa Thiên Huế phỏng vấn tuyển dụng sinh viên. Ảnh: INT

Trải nghiệm thực tế

Trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1, TPHCM) vừa tổ chức cho hơn 2.000 học sinh các khối lớp đến tham quan trải nghiệm thực tế tại nhiều trường đại học tại TPHCM như: Đại học Bách khoa, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Luật, Đại học Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM), Đại học Y Dược, Đại học Sư phạm, Đại học Kinh tế, Đại học Ngoại thương, Đại học Văn Lang, Đại học FPT, Đại học Hoa Sen... Đây là những trường đại học được học sinh “đặt hàng” theo sở thích, nguyện vọng.

Theo chia sẻ của cô Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng nhà trường, mô hình học sinh đưa ra nguyện vọng, nhà trường “đi từng trường, gõ từng ngành” được áp dụng nhiều năm nay. Hình thức này được đẩy mạnh trong năm học này với học sinh khối 10, khối lớp đầu tiên thực hiện Chương trình GDPT 2018.

“Hình thức hướng nghiệp theo kiểu “đi từng trường, gõ từng ngành”, số trường đại học kết nối, mở cửa đón học sinh nhà trường đến trải nghiệm, tìm hiểu ngày càng nhiều. Từ đó giúp học sinh hiểu rõ hơn về nguyện vọng của mình và mở rộng thêm cơ hội chọn lựa được ngành học đúng năng lực, đam mê”, cô Dung cho hay.

Trước khi đi trải nghiệm thực tế tại các trường đại học, giáo viên chủ nhiệm đã tư vấn kỹ lưỡng về công tác hướng nghiệp đối với toàn thể học sinh. Sau đó, nhà trường tổ chức cho học sinh đăng ký nguyện vọng và mời các trường ĐH tham gia theo hình thức “tư vấn chung, tư vấn riêng” ngay tại trường. Tiếp đến là tổ chức cho các em đến tham quan trường đại học, doanh nghiệp theo nguyện vọng.

Tương tự, tại Trường THPT Phước Long (TP Thủ Đức), trong những năm qua, công tác hướng nghiệp được nhà trường đẩy mạnh theo nguyện vọng của từng em. Theo đó, học sinh mong muốn đến trường đại học bản thân quan tâm để trải nghiệm ngành nghề, ngành học, nhà trường sẽ tìm cách kết nối để các em tìm hiểu, tham quan, nắm bắt thông tin đầy đủ nhất.

Cô Nguyễn Thị Hà, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phước Long, cho biết, công tác hướng nghiệp được cơ sở giáo dục này thực hiện theo lộ trình và nhóm lớp. Cụ thể, với khối 10, nhà trường giúp học sinh nắm được kỹ năng về việc lựa chọn ngành nghề. Đến lớp 11, các em sẽ trải nghiệm tại cơ quan xí nghiệp, tận mắt nhìn thấy quy trình vận hành, đặc thù ngành nghề. Riêng lớp 12, học sinh được trải nghiệm ngành nghề tại các trường đại học.

“Khi đến trải nghiệm tại trường đại học, các em biết cụ thể hơn về cơ sở vật chất cũng như việc học tập tại đó. Đồng thời hiểu rõ về ngành nghề hơn so với việc tìm hiểu tại nhà hoặc ngồi nghe tư vấn mà không đến thực tế. Việc này giúp các em nỗ lực học tập phấn đấu vào ngôi trường mình theo đuổi”, cô Hà cho hay.

Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân tham quan tại Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM.

Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân tham quan tại Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM.

Học sinh hào hứng

Hàng năm, Trường THPT Trần Nhân Tông (quận Bình Tân) tổ chức 2 đến 4 đợt cho học sinh đến tham quan thực tế tại các trường đại học trên địa bàn TPHCM. Gần đây nhất, tháng 11/2022, đơn vị tổ chức cho học sinh khối 11 và 12 đến trải nghiệm tại Trường Đại học Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM). Buổi trải nghiệm đã mang đến nhiều thông tin thú vị và hữu ích, giúp các em hiểu hơn về chính mình, ngành nghề. Từ đó, học sinh có thêm lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở thích của bản thân trong tương lai.

Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Mỹ Lệ nhìn nhận: “Hướng nghiệp kiểu truyền thống nặng về lý thuyết giờ đây đã không còn “hợp thời”, bởi học trò ngày nay muốn được “mục sở thị” về môi trường học tập mới mà các em sẽ trải nghiệm sau này. Vì vậy mấy năm trở lại đây, nhà trường đã phối hợp các trường đại học tổ chức nhiều chương trình tư vấn hướng nghiệp sinh động, hấp dẫn giúp học sinh trải nghiệm, hình dung về ngành nghề để có lựa chọn phù hợp”.

Em Nguyễn Ngọc Bảo Trân, lớp 11A2, Trường THPT Trần Nhân Tông, chia sẻ: “Em rất vui khi được tham gia chuyến đi tham quan các trường đại học thuộc ĐH Quốc gia TPHCM. Trong chuyến đi này, em được tìm hiểu nhiều ngành học của các trường và trải nghiệm thực tế về điều kiện học tập như một sinh viên thực sự. Điều này giúp em hiểu rõ hơn cũng như định hướng được ngành học mình. Em sẽ phấn đấu học tập để đậu vào ngành Luật tại Đại học Quốc tế vì ở đây em thấy được sự phù hợp về điều kiện học tập và kinh tế gia đình”.

Còn đối với em Phạm Ngọc Liên Chi, học lớp 12, Trường THPT Bùi Thị Xuân, cho hay, sau khi trải nghiệm thực tế tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM, em được tận mắt chứng kiến cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, tham quan phòng thí nghiệm, dự giờ lớp học của các anh chị sinh viên. Từ cơ sở vật chất, kho tài liệu tra cứu ở thư viện đến thói quen học tập của các anh chị đều khác rất nhiều so với bậc phổ thông. Chuyến tham quan giúp Liên Chi củng cố mục tiêu thi đậu vào trường đại học mơ ước.

“Em mong trở thành giáo viên Vật lý nhưng ngành học này lại có điểm đầu vào khá cao với trường sư phạm. Trước đây, em luôn cho rằng chỉ có học Sư phạm Vật lý mới có thể giảng dạy được nhưng khi đến tham quan trực tiếp về chương trình, nội dung đào tạo của trường, em có thêm sự lựa chọn nữa về ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên. Em cũng như các bạn học sinh cuối cấp cảm thấy hào hứng khi được tham gia hoạt động ý nghĩa này. Ấn tượng đẹp về môi trường giáo dục, chất lượng, cũng như những ngành nghề với cơ hội việc làm cao sẽ là động lực để chúng em cố gắng trong Kỳ thi THPT sắp tới”, Liên Chi chia sẻ.

“Chương trình GDPT 2018 bậc THPT được xác định là giai đoạn định hướng nghề nghiệp. Vì thế, cách thức hướng nghiệp mà nhà trường đang thực hiện sẽ tác động mạnh mẽ đến học sinh khối 10, giúp các em sớm định hướng được ngành học yêu thích, hạn chế thấp nhất việc đổi lớp lựa chọn”, cô Dung chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.