Trải nghiệm 'Học kỳ doanh nghiệp' của sinh viên

GD&TĐ - 'Học kỳ doanh nghiệp' là cách gọi dí dỏm mà nhiều sinh viên trường ĐH Đông Đô (Hà Nội) mỗi khi kể chuyện với nhau về khoá thực tập của mình.

Các tiết học cùng giáo viên nước ngoài được chú trọng tăng cường nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kỹ năng ngoại ngữ cho sinh viên.
Các tiết học cùng giáo viên nước ngoài được chú trọng tăng cường nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kỹ năng ngoại ngữ cho sinh viên.

Những bài học ngoài giảng đường

Trực tiếp tham gia thực tập tại Nhật Bản, sinh viên Đỗ Ngọc Khánh - lớp NB522.01 – cho hay, điểm đến của em là Tập đoàn Lawson. Tại đây, Ngọc Khánh và các bạn đã được trải nghiệm “giảng đường doanh nghiệp” đúng nghĩa.

“Sau thời gian học lý thuyết tại trường, em được áp dụng thực tế tại doanh nghiệp, được vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn. Trên hết, chúng em học được thái độ làm việc và những kỹ năng, năng lực nghề nghiệp cần thiết, để sau khi ra trường có thể “bắt tay” vào công việc luôn mà không phải đào tạo lại” – Ngọc Khánh bộc bạch.

Ngọc Khánh (bên trái) chụp hình cùng đồng nghiệp tại cơ sở làm việc.
Ngọc Khánh (bên trái) chụp hình cùng đồng nghiệp tại cơ sở làm việc.

Nữ sinh này chia sẻ, hàng ngày được tiếp xúc với người Nhật nên kĩ năng nghe, nói, đọc, viết; đặc biệt là kĩ năng nghe và nói tiếng Nhật được cải thiện rõ rệt. Với Ngọc Khánh, chương trình thực tập này rất có ý nghĩa và cần thiết hơn bao giờ hết. “Nếu có cơ hội tham gia, các bạn sinh viên đừng bỏ lỡ và hãy trải nghiệm với “học kỳ doanh nghiệp” này – Ngọc Khánh bật mí.

Dù chưa được trải nghiệm thực tập tại nước ngoài, nhưng với sinh viên Nguyễn Đăng Khoa – lớp NB524.02 được thực tập tại Công ty liên doanh VINAPON cũng mang lại nhiều cảm xúc và trải nghiệm thú vị.

Đăng Khoa bộc bạch, điểm chung mà hầu hết sinh viên khi mới đi tập sự là: hơi "choáng" trước cường độ làm việc chuyên nghiệp, nghiêm túc và miệt mài của các nhân viên chính thức.

“Nếu không chuẩn bị tâm lý vững vàng, cùng những kiến thức nền tảng về chuyên môn thì có thể sẽ bị "shock" ngay với khối lượng và áp lực công việc được giao” – Đăng Khoa chia sẻ.

Sinh viên học tập và tham gia các chương trình trải nghiệm văn hóa Nhật Bản ngay khi còn ngồi trên giảng đường.

Sinh viên học tập và tham gia các chương trình trải nghiệm văn hóa Nhật Bản ngay khi còn ngồi trên giảng đường.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế

Với mong muốn tạo môi trường học tập và nghiên cứu đa dạng, phong phú cho sinh viên, TS Trịnh Hữu Tuấn – Chủ tịch Hội đồng trường, Giám đốc Trung tâm Hợp tác doanh nghiệp và quốc tế (Trường ĐH Đông Đô) - cho biết, chiến lược phát triển của nhà trường là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm gia tăng cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.

Theo đó, nhà trường thiết lập và mở rộng mối quan hệ hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu uy tín trong khu vực và trên thế giới. Trong đó, chú trọng đến việc ký kết thỏa thuận hợp tác, gửi và tiếp nhận sinh viên theo hình thức trao đổi; đồng thời thực hiện dự án nghiên cứu và tổ chức các chương trình học tập chung.

Mặt khác, nhà trường sẽ tăng cường hỗ trợ tài chính cho sinh viên tham gia các hoạt động hợp tác quốc như: chi phí du học, sinh hoạt và nghiên cứu khoa học. Đây là yếu tố quan trọng trong việc thu hút và duy trì sự tham gia của sinh viên.

Trường ĐH Đông Đô đẩy mạnh ký hợp tác với các đối tác, doanh nghiệp nước ngoài nhằm tăng cơ hội việc làm thu nhập tốt cho sinh viên.

Trường ĐH Đông Đô đẩy mạnh ký hợp tác với các đối tác, doanh nghiệp nước ngoài nhằm tăng cơ hội việc làm thu nhập tốt cho sinh viên.

“Chúng tôi cũng xây dựng một số chương trình học tập như: chương trình học kép, học bằng tiếng Anh và các chương trình học liên kết với các trường đại học quốc tế. Qua đó, giúp sinh viên phát triển kỹ năng giao tiếp, khả năng làm việc trong môi trường đa văn hóa, nắm bắt cơ hội việc làm trong và ngoài nước” - TS Trịnh Hữu Tuấn chia sẻ.

Cùng với đó, nhà trường đã và đang tạo ra mạng lưới quan hệ với cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức quốc tế. Trên cơ sở đó, đối tác doanh nghiệp và tổ chức quốc tế có thể cung cấp cơ hội thực tập, dự án nghiên cứu và việc làm cho sinh viên. Việc xây dựng và duy trì mối quan hệ này sẽ bảo đảm sinh viên được tiếp cận với thực tế công việc và có thể áp dụng kiến thức của mình vào thực tế.

Đặc biệt, nhà trường chú trọng đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu và đổi mới giữa các trường đại học, viện nghiên cứu của nhiều nước có nền giáo dục phát triển trên thế giới.

“Các dự án nghiên cứu đa quốc gia có thể giúp sinh viên tham gia vào các dự án quan trọng. Từ đó, góp phần vào sự phát triển của các lĩnh vực khoa học, công nghệ và xã hội” - TS Trịnh Hữu Tuấn nhấn mạnh.

Giảng viên Trường ĐH Đông Đô tham gia Hội đàm bàn tròn Thanh Niên khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Giảng viên Trường ĐH Đông Đô tham gia Hội đàm bàn tròn Thanh Niên khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Là đơn vị hợp tác với Trường ĐH Đông Đô, ông Keiichi Miyata – Tổng Giám đốc Công ty liên doanh VINAPON nhìn nhận, sinh viên là nguồn nhân lực trẻ, năng động và tiềm năng cho doanh nghiệp.

“Thông qua chương trình hợp tác, chúng tôi có cơ hội tuyển dụng những sinh viên có kỹ năng và trình độ phù hợp với yêu cầu công việc. Cùng với đó, chúng tôi có thể đóng góp vào việc phát triển và nâng cao trình độ cho sinh viên, giúp các em đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp” – ông Keiichi Miyata bày tỏ.

Từ thực tiễn, ông Miyata nhấn mạnh, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong quá trình hợp tác với cơ sở giáo dục đại học. Từ đó, tạo cơ hội việc làm và nâng cao trình độ cho sinh viên.

Sinh viên được đào tạo kỹ năng qua các buổi phỏng vấn, đào tạo trực tiếp bởi các chuyên gia từ các công ty tuyển dụng nước ngoài.

Sinh viên được đào tạo kỹ năng qua các buổi phỏng vấn, đào tạo trực tiếp bởi các chuyên gia từ các công ty tuyển dụng nước ngoài.

Ông Miyata viện dẫn, doanh nghiệp có thể tạo cơ hội việc làm cho sinh viên thông qua các chương trình thực tập, dự án nghiên cứu chung và các chương trình tuyển dụng trực tiếp.

Ngoài ra, doanh nghiệp có thể chia sẻ thông tin về nhu cầu thị trường lao động, kỹ năng và chuyên môn cần thiết để sinh viên có thể chuẩn bị phù hợp cho tương lai. Điều này giúp sinh viên hiểu rõ hơn về yêu cầu của ngành nghề và định hướng sự nghiệp của mình.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể tham gia vào quá trình đào tạo và phát triển kỹ năng cho sinh viên thông qua các khóa học, hội thảo, cố vấn và các hoạt động liên quan khác. Qua đó, giúp sinh viên trang bị những kỹ năng cần thiết để làm việc trong môi trường doanh nghiệp.

Nhóm sinh viên năm 4 tham gia phỏng vấn chương trình thực tập hưởng lương tại Nhật Bản.

Nhóm sinh viên năm 4 tham gia phỏng vấn chương trình thực tập hưởng lương tại Nhật Bản.

“Nhà trường tăng cường cử cán bộ giảng viên tham gia các hội thảo quốc tế nhằm tiếp thu khoa học công nghệ, phương pháp giảng dạy, giáo trình chuyên môn mới. Qua đó, nhằm đổi mới chương trình đào tạo và gia tăng cơ hội du học, học lên cao hơn của sinh viên trong trường.

Hiện nay, nhà trường đã và đang hợp tác chặt chẽ với các nước như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… Tới đây, chiến lược phát triển của nhà trường là mở rộng hợp tác quốc tế với Úc và một số nước châu Âu” - TS Trịnh Hữu Tuấn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ