Theo chị Vừ Thị Mai Dinh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, với chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em”, Tỉnh đoàn hy vọng mang đến cho trẻ vùng thuận lợi lẫn khó khăn những trải nghiệm ý nghĩa.
Vì đàn em thân yêu
- 3 năm dịch bệnh khiến nhiều hoạt động phải tạm dừng. Hè 2023, Tỉnh đoàn Lai Châu xây dựng chương trình gì để trẻ có mùa Hè bổ ích, thưa chị?
- Ngày 23/5, Tỉnh đoàn Lai Châu đã ban hành Kế hoạch số 49-KH/TĐTN-TTN-TH về việc tổ chức hoạt động hè hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em gắn với Ngày cao điểm chiến sĩ tình nguyện “Vì đàn em thân yêu” năm 2023.
Theo đó, chúng tôi chỉ đạo các cơ sở đoàn tăng cường truyền thông, giáo dục kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền, bổn phận của trẻ em, đặc biệt về chăm sóc, phát triển toàn diện; bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, bóc lột trẻ em; phòng ngừa tai nạn, thương tích trẻ em… Cùng với đó, thúc đẩy quyền tham gia vào các vấn đề về trẻ em; đăng tải các khẩu hiệu, thông điệp của Tháng hành động vì trẻ em.
Chị Vừ Thị Mai Dinh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Lai Châu. |
- Sân chơi cho trẻ dịp hè thường đa dạng về nội dung và hình thức. Tại Lai Châu, hoạt động nào là trọng tâm mà Tỉnh đoàn hướng đến?
- Lai Châu còn nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng các sân chơi cho trẻ dịp hè. Để các em có sân chơi, lành mạnh, bổ ích, Tỉnh đoàn đã lên kế hoạch tổ chức các hoạt động cấp tỉnh trong hè năm 2023. Ngày 25/5, Tỉnh đoàn đã khai mạc hoạt động hè và hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2023, tổ chức Tết Thiếu nhi cho trẻ em ở xã Pa Ủ, huyện Mường Tè.
Từ ngày 26 – 28/5, chúng tôi tổ chức Trại hè kỹ năng tỉnh Lai Châu năm 2023. Đồng thời, tập huấn kỹ năng mềm cho thành viên Hội đồng trẻ em cấp tỉnh từ ngày 27 – 28/5. Phối hợp Sở VH,TT&DL tổ chức giải “Cầu lông trẻ em, thiếu niên – nhi đồng tỉnh Lai Châu lần thứ XIX năm 2023 – Tranh cúp Ba Sao” từ ngày 28 – 30/5.
“Một ngày vắng mẹ” được tổ chức vào ngày 29/5 là chương trình rèn luyện kỹ năng sống bổ ích, lý thú cho thiếu niên, nhi đồng. Qua đó, góp phần trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết, cơ bản trong cuộc sống hằng ngày. Giúp các em biết tự chăm sóc bản thân, tự lập trong cuộc sống, làm chủ cảm xúc và ứng xử với người xung quanh.
Từ nay đến hết hè, chúng tôi sẽ linh hoạt tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến việc tạo sân chơi bổ ích cho trẻ như: Liên hoan Chỉ huy Đội giỏi cấp tỉnh năm 2023; Ngày Chiến sĩ tình nguyện “Vì đàn em thân yêu” cấp tỉnh (11/6); Họp Hội đồng trẻ em cấp tỉnh (15/6); Hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân với trẻ em tỉnh Lai Châu vào ngày (16/6); Học kỳ trong quân đội (từ 18 – 24/6); Gala Chương trình “Chắp cánh tương lai” lần thứ II năm 2023 (30/6).
Bên cạnh đó, trong dịp hè năm nay, chúng tôi sẽ trao tặng 1 bể bơi di động cho huyện Nậm Nhùn. Cùng với đó, tổ chức cuộc thi tiếng Anh cho học sinh, sinh viên với chủ đề “Tuổi trẻ Lai Châu hăng say rèn luyện – Nắm bắt thời cơ – Hội nhập toàn cầu” với 2.251 thí sinh đăng ký. Qua đó, tạo sân chơi bổ ích, góp phần nâng cao năng lực tiếng Anh cho thanh thiếu nhi trong dịp hè.
Cùng với đó, chuỗi các hoạt động hỗ trợ, trao tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh được chúng tôi chú trọng. Dự kiến trong chiến dịch Thanh niên tỉnh nguyện hè sẽ hỗ trợ ít nhất 800 thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn.
Trẻ tham gia các hoạt động tập thể bổ ích. |
Tăng cường phối hợp
- Với hàng loạt chương trình, Tỉnh đoàn đã định hướng như thế nào với tổ chức đoàn cơ sở để mọi hoạt động diễn ra đồng đều, thông suốt?
- Để các hoạt động đảm bảo tính thống nhất, Tỉnh đoàn đã định hướng hoạt động cấp cơ sở thực hiện trong hè. Theo đó, toàn Đoàn tập trung tổ chức trại hè, trại kỹ năng dành cho thiếu nhi. Tổ chức hoạt động tuyên truyền về phòng, chống đuối nước, tai nạn thương tích và phòng, chống xâm hại trẻ em.
Mở lớp bồi dưỡng năng khiếu cho thiếu nhi, tổ chức lớp dạy bơi miễn phí, vận động, trao tặng bể bơi di động, bể bơi cố định dành cho thiếu nhi. Cùng với đó, tổ chức lớp bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ chỉ huy Đội. Tập trung hoạt động tuyên truyền về Luật Trẻ em, các chính sách pháp luật liên quan đến trẻ em. Hỗ trợ cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn.
Về công tác bàn giao học sinh về sinh hoạt hè tại nơi cư trú, Tỉnh đoàn đã ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động hè năm 2023. Theo đó chỉ đạo các Huyện đoàn, Thành đoàn làm tốt công tác phối hợp với phòng GD&ĐT yêu cầu cơ sở tổ chức tiếp nhận danh sách học sinh về sinh hoạt hè tại địa phương. Sau khi tiếp nhận, tổ chức hoạt động sinh hoạt hè bổ ích, lý thú để thu hút tập hợp đoàn kết thanh thiếu nhi. Kết thúc kỳ nghỉ có nhận xét, theo dõi quá trình sinh hoạt của từng học sinh gửi về ban giám hiệu các trường.
Trẻ học các kỹ năng chăm sóc bản thân trong Chương trình “Một ngày vắng mẹ”. |
- Nhiều gia đình thường tranh thủ dịp hè để dựng vợ gả chồng cho trẻ theo tập tục địa phương. Bà có thể chia sẻ giải pháp của Tỉnh đoàn để ngăn ngừa tình trạng trên?
- Tảo hôn là tập tục tồn tại lâu đời ở nhiều nhóm dân tộc thiểu số. Tảo hôn không chỉ gây hại cho sức khoẻ, sự trưởng thành của trẻ em mà còn ảnh hưởng đến cả thế hệ sau. Với vai trò chăm sóc giáo dục thiếu niên, nhi đồng, Tỉnh đoàn đang xây dựng Đề án nâng cao trách nhiệm của thanh niên trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và xây dựng nếp sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2022 – 2027. Đồng thời, trong tất cả nội dung định hướng tuyên truyền cho trẻ em đều chú trọng các giải pháp giảm thiểu tảo hôn và trang bị kiến thức pháp luật về tảo hôn cho trẻ.
Trong năm 2023, Tỉnh đoàn đã phối hợp với tổ chức Plan truyền thông các giải pháp giảm thiểu tảo hôn và trang bị kiến thức pháp luật về tảo hôn cho 700 trẻ em ở xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ. Các thành viên Hội đồng trẻ em đã khảo sát hiểu biết của hơn 600 trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh về vấn nạn tảo hôn. Từ đó, các em sẽ đúc rút ra những kiến nghị, đề xuất trong hội nghị tiếp xúc đối thoại với đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh sắp tới.
Trẻ tham gia tập huấn Kỹ năng mềm cho thành viên Hội đồng trẻ em cấp tỉnh. |
Chung tay giảm thiểu tổn hại cho trẻ
- Với chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em”, Tỉnh đoàn tập trung triển khai những hoạt động nào?
- Thứ nhất, chúng tôi tổ chức các hoạt động nhằm phát huy quyền tham gia để qua đó thiếu nhi, học sinh thể hiện được tiếng nói, nhu cầu nguyện vọng đối với những vấn đề đang quan tâm. Đặc biệt, đối với trẻ em vùng dân tộc thiểu số là các giải pháp giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết; biện pháp phòng chống xâm hại trẻ em trên không gian mạng, phòng chống đuối nước và tai nạn thương tích trong dịp hè.
Thứ hai, tập trung chỉ đạo trong toàn Đoàn tổ chức các hoạt động đồng hành hỗ trợ thiếu niên nhi đồng, trong đó đặc biệt là hướng tới đối tượng là học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Thứ ba, tổ chức các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ phụ trách Đội, Chỉ huy Đội và thiếu nhi. Ngoài ra, chúng tôi cũng rất chú trọng tổ chức các hoạt động hỗ trợ cho thiếu niên nhi đồng về một số kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng sống thực hành xã hội và tổ chức rèn luyện thể chất.
Trại hè kỹ năng cho trẻ em Lai Châu. |
- Thực tế cho thấy bạo lực và những hành vi gây tổn hại cho trẻ diễn ra mọi lúc, mọi nơi. Việc giảm thiểu tổn hại cho các em nếu chỉ thực hiện trong hè liệu kết quả có cao?
- Việc chăm sóc giáo dục thiếu niên nhi đồng là một trong những vai trò quan trọng của tổ chức Đoàn. Vì vậy, không chỉ trong dịp hè Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp mới có những hoạt động chung tay với các sở, ban, ngành liên quan để giảm thiểu tổn hại trẻ em. Đây là nhiệm vụ được Tỉnh đoàn xác định xuyên suốt, thường xuyên.
Tuy nhiên, trong dịp hè, có nhiều nguy cơ xảy ra, vì trẻ được nghỉ ngơi, vui chơi tự do nên cần phải đặc biệt chú ý đến sự an toàn. Chính vì vậy, các cấp bộ Đoàn đặc biệt quan tâm đến việc tổ chức sinh hoạt hè, giáo dục đạo đức lối sống, tập huấn phòng chống đuối nước, tai nạn thương tích và các biện pháp phòng chống xâm hại để các em có mùa hè an toàn, bổ ích và lý thú.
- Hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là một trong những mục tiêu của Tỉnh đoàn. Bà có thể chia sẻ rõ hơn nội dung, đối tượng thụ hưởng?
- Hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh luôn được các cấp bộ Đoàn và đặc biệt là Tỉnh đoàn quan tâm, triển khai hiệu quả, có chiều sâu. Tỉnh đoàn đã thực hiện Chương trình “Em nuôi của Đoàn” với trên 500 lượt em nuôi. Hiện có 254 em nuôi của Đoàn được các cơ sở Đoàn nhận nuôi.
Tháng 1/2022, Tỉnh đoàn ra mắt Chương trình “Chắp cánh tương lai” - một chương trình dài hơi, có giá trị nhân văn sâu sắc khi nhận nuôi dưỡng trẻ em mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đến khi đủ 18 tuổi. Đồng thời, định hướng, giáo dục và hỗ trợ đào tạo nghề, việc làm cho các em.
Đến nay, chương trình đã nhận nuôi 8 em trong chương trình Trái tim xanh; kết nối và xây dựng 4 ngôi nhà hạnh phúc cho các em trong chương trình. Qua đó, giúp các em có một mái ấm kiên cố và vững bước hơn với tương lai.
- Trân trọng cảm ơn chị!
Theo chị Vừ Thị Mai Dinh, bạo lực học đường là một trong những vấn nạn nguy hiểm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm sinh lý của thanh thiếu nhi đang ngồi trên ghế nhà trường. Với vai trò của mình, Tỉnh đoàn đặc biệt chú trọng đến công tác giáo dục đạo đức lối sống cho thanh thiếu nhi, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về phòng chống bạo lực học đường. Tỉnh đoàn đã chỉ đạo 100% các Đoàn trường THPT tổ chức diễn đàn xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường. Nhiều năm qua, tỉnh Lai Châu cũng chưa có vụ việc bạo lực học đường nghiêm trọng. Điều đó cho thấy tín hiệu đáng mừng trong nhận thức của thanh thiếu nhi trong vấn đề này.