Thế nhưng, những trò chơi “tự phát” này tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm…
Niềm vui giản dị
Ngày hè, công việc của cô học trò Y Nhật (học sinh lớp 6B, Trường THCS xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) là chăn 5 con bò cho cha mẹ. Với Y Nhật, những ngày đi học là thích nhất vì được cùng các bạn vui chơi trên trường lớp. Thế nhưng hè về, ở làng Kon Pring chẳng có sân chơi cho trẻ em. Do đó, thường ngày em phụ cha mẹ đi chăn bò, hôm thì hái măng rừng. Những lúc rảnh rỗi, em cùng các bạn trong làng chơi đồ hàng, trốn tìm hay hôm nắng nóng ra sông, suối tắm, ném đá trên mặt nước…
“Ngày hè, không có sân chơi nên nghĩ ra trò gì chúng em chơi cái đó. Nhìn trên tivi thấy các bạn ở thành phố có sân chơi đá bóng, bơi lội… em thích lắm. Em ước ở làng có nơi cho chúng em vui chơi, giải trí vào dịp hè”, Y Nhật tâm sự.
Chẳng khác Y Nhật là bao, do không có sân chơi, ngày hè của Y Hương (học sinh lớp 2B, Trường Tiểu học – THCS xã Văn Lem, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) là những buổi chơi trốn tìm, nhảy dây với các bạn ở thôn. Mặc dù, thầy cô và cha mẹ thường xuyên dặn không ra nơi nước sâu chơi vì nguy hiểm, nhưng trò chơi hạn chế nên không ít lần Hương cùng các bạn tìm đến sông, suối.
Ở xã vùng khó Đăk Nên (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) không có dịch vụ vui chơi giải trí, cũng chẳng có điểm vui chơi an toàn, nên dịp hè anh Hồ Văn Vân (43 tuổi) thường đưa các con lên rẫy hoặc cho lũ trẻ tự chơi với nhau ở nhà.
“Vợ chồng đi làm rẫy từ sáng, có khi chiều tối mới về. Các con lại ở độ tuổi hiếu động, thích khám phá. Do đó sẽ không tránh khỏi tò mò với những trò chơi, như: Tắm sông suối, trượt dốc, ném đá dưới nước… Chính vì vậy, gia đình cũng lo các con sẽ gặp phải tai nạn đáng tiếc. Tuy nhiên, khu vực sinh sống còn nhiều thiếu thốn nên chẳng có sân chơi cho trẻ dịp hè, vì vậy trẻ nơi đây khá thiệt thòi”, anh Vân bày tỏ.
Anh Vân có 3 con, trong đó hai cháu đang độ tuổi đến trường. Con lớn đã nghỉ học nên thường xuyên phụ cha mẹ làm công việc đồng áng. Hai con còn lại học lớp 10 và lớp 2 chủ yếu ở nhà bảo ban nhau học tập. Thế nhưng vào hè, vợ chồng anh Vân khá lo lắng khi để các con ở nhà mà không có người lớn trông coi.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Nên, cho hay, toàn xã có 605 hộ với khoảng 2.345 khẩu. Trong đó có khoảng 500 học sinh, đang theo học ở 3 trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn. Đăk Nên là khu vực giáp ranh với tỉnh Quảng Nam nên điều kiện kinh tế, đời sống vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Địa phương lại cách xa trung tâm huyện nên không có dịch vụ giải trí, cũng chẳng có điểm vui chơi an toàn, do đó một số trẻ tìm đến sông, suối để tránh nắng và chơi đùa. Đây là một trong những lý do khiến tỷ lệ trẻ đuối nước gia tăng trong dịp hè. Vào năm 2022, trên địa bàn đã xảy ra vụ tai nạn đuối nước khiến một trẻ tử vong, do đó ngay từ đầu hè, UBND xã Đăk Nên đã tổ chức tuyên truyền đến các thôn, làng và người dân về việc phòng, chống đuối nước và các tai nạn đáng tiếc cho trẻ.
“Để đảm bảo an toàn cho các em trong dịp hè, đơn vị đã cắm biển cảnh báo ở sông, suối. Đồng thời giao cho Đoàn Thanh niên xã, cán bộ thôn quản lý và tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em nhằm tránh những tai nạn đáng tiếc”, ông Hải nói.
Ngày hè của chị em Y Nhật là phụ cha, mẹ đi chăn bò. |
Mang sân chơi đến trẻ dân tộc thiểu số
Những ngày qua, trẻ em ở thôn Jang Roong (xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum) không còn phải nghịch đất, chơi đùa ở sông suối… mà được trải nghiệm “Sân chơi cầu vồng”. Trò chơi nhà giác quan, bộ bàn nhún, hố cát, bộ bóng lăn, bộ chơi liên hoàn (cầu tuột), bộ hầm hòa sắc, xích đu… có lẽ là món quà lớn mà nhà hảo tâm mang đến cho lũ trẻ nơi đây trong dịp hè.
Bên cạnh các công trình sân chơi, những đứa trẻ còn được thưởng lãm công trình tranh tường gần 300m2 với các chủ đề hay và ý nghĩa. Đồng thời được tham gia chuỗi hoạt động sáng tạo, xem biểu diễn ảo thuật… Món quà này được nhóm Sân chơi cầu vồng (TPHCM) cùng Đoàn từ thiện Thiện Tâm An Lạc (tỉnh Kon Tum) phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức.
Chị Trương Thị Nhung, Trưởng đoàn từ thiện Thiện Tâm An Lạc, chia sẻ, được đi và đến nhiều nơi, bản thân thấu hiểu những khó khăn, thiếu thốn của các em nhỏ vùng sâu, xa và vùng dân tộc thiểu số. Chính vì vậy, đơn vị đã kêu gọi, kết nối các nhà hảo tâm để có thể xây dựng nhiều sân chơi bổ ích, ý nghĩa cho trẻ em.
Nhằm xây dựng phong trào đọc, tạo ra sân chơi bổ ích, giúp các em có thêm không gian vui chơi, sinh hoạt lành mạnh sau một năm học tập, Bảo tàng - Thư viện tỉnh Kon Tum sẽ tổ chức các chuyến xe lưu động. Xe sẽ chở sách, tổ chức các trò chơi cho trẻ tại 10 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh từ đầu tháng 6. Những chuyến xe sẽ cập bến Nhà Văn hóa Cộng đồng, nhà Rông… để trẻ em được đọc sách miễn phí và tham gia một số trò chơi: Nhìn hình đoán tên sách, tên nhân vật trong sách, vẽ tranh theo sách, đố vui, rung chuông vàng…
“Những chuyến xe tri thức này sẽ giúp trẻ vùng khó có sân chơi lành mạnh, bổ ích vào dịp hè. Đây là hoạt động mang ý nghĩa xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Đặc biệt giúp các em phát triển tư duy, rèn luyện thể chất, hoàn thiện nhân cách để sau này trở thành nguồn nhân lực hữu ích cho xã hội”, bà Trần Thị Kim Phương, Phó Giám đốc Bảo tàng - Thư viện tỉnh Kon Tum nói.
Nhờ nhóm Sân chơi cầu vồng, hàng trăm em nhỏ có sân chơi dịp hè. Nhìn sân chơi mới, bức tường được tô điểm thêm những hình vẽ sinh động, ý nghĩa, tôi thấy rất vui và hạnh phúc. Với trẻ vùng khó, có lẽ đây là món quà to lớn và thiết thực nhất”, chị Nhung bộc bạch.