Đó là lo bữa ăn, giấc ngủ mỗi ngày; lo cho sự an toàn của con và “rối” việc sắp xếp giữa chơi và học…
Hào hứng với kế hoạch hè
Sau 9 tháng học tập, trẻ háo hức đón chờ mùa Hè với bao dự định. Chia sẻ về mùa Hè của mình, em Nguyễn Minh Long, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Mạc Đĩnh Chi (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), cho biết: “Nghỉ hè, em muốn được về quê, sống trong không gian rộng mở, đường quê vắng vẻ. Nhà ai cũng to, có sân vườn rộng. Điều em thích nhất là có nhiều anh chị để chơi, trò chuyện và những buổi đạp xe đi loanh quanh trong xóm. Mùa Hè mãi là ký ức đẹp trong cuộc đời em. Bởi mỗi lần về quê là một lần bản thân học cách sống tự lập; gắn bó hơn với cô bác, anh chị em họ hàng”.
Ở vùng nông thôn, không có điều kiện để học năng khiếu hoặc tham gia các khóa học trải nghiệm, Nguyễn Thiên Phú, học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Bình Phú A (huyện Càng Long, Trà Vinh) cũng có kế hoạch và mong muốn có mùa Hè trọn vẹn.
“Em mong được vui chơi thoải mái và tham gia các hoạt động thể thao yêu thích. Em đã xin cha mẹ cho đăng ký học võ thuật mỗi tuần 3 buổi. Em cũng thích học bơi, dù gần 10 tuổi nhưng chưa biết bơi trong khi gia đình sinh sống ở vùng sông nước.
Tuy nhiên ở khu vực em ở không có hồ bơi, cũng không có ai dạy bơi nên chưa học được. Nếu muốn học bơi phải đi đến thị trấn, cách nhà hơn 10 cây số, trong khi cha mẹ em công việc bận rộn không thể đưa đi được. Hy vọng hè sang năm nơi em ở có bể bơi, người dạy để trẻ em vùng sông nước được học bơi, biết đảm bảo an toàn cho bản thân”, Thiên Phú chia sẻ.
Mùa Hè, phụ huynh đứng trước hai lựa chọn: Khuyến khích con tham gia các khóa học hay cho phép con được nghỉ ngơi, tự do làm những gì con thích. Ảnh: Q. Ngữ |
Trong khi các bạn cùng trang lứa hào hứng với kế hoạch hè thì em Trần Đình Nam, học sinh lớp 8 Trường THCS-THPT Giồng Thị Đam (huyện Tân Hồng, Đồng Tháp) dành thời gian này để phụ giúp gia đình việc đồng áng. Chia sẻ về mong muốn của mình, Nam cho biết: “Mùa Hè các năm trước em có tham gia học võ thuật, được giao lưu cùng các bạn. Em yêu bóng đá và thích chơi đá bóng. Em có mong muốn được tham gia Học kỳ Quân đội nhưng nhà xa, muốn đi học phải đến TP Cao Lãnh với quãng đường hơn 80km”.
Nhiều mơ ước, nhiều dự định nhưng Đình Nam cũng không quên việc học. Nam sinh cho biết em đã mua sách Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh lớp 9 để xem trước, cố gắng chuẩn bị thật tốt cho một mùa khai trường tiếp theo.
Cố gắng cho con mùa Hè trọn vẹn
Một trong những lo lắng của phụ huynh trong mùa Hè khi con trẻ cứ mãi đắm chìm trong các thiết bị điện tử và không còn mặn mà với các trò chơi ngoài trời như trước. Mùa Hè cũng chính là khoảng thời gian mà cha mẹ thường phải đứng trước hai lựa chọn: Khuyến khích con tham gia các khóa học hay cho phép con được nghỉ ngơi, tự do làm những gì con thích.
Chia sẻ về kế hoạch nghỉ hè của con, anh Nguyễn Minh Linh, phụ huynh ngụ quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ), cho biết: Mỗi năm khi bước vào kỳ nghỉ hè gia đình thường cho con về quê nội, ngoại chơi một thời gian. Do không gian ở thành phố chật hẹp, không có nhiều trải nghiệm nên đưa con về quê là lựa chọn được ưu tiên.
Con về bên nội, ngoại trước tiên để biết họ hàng, xóm làng; có không gian vui chơi thoải mái, an toàn; đặc biệt là tránh xa các thiết bị điện tử, game… Con có thời gian khoảng một tháng để trải nghiệm, vui chơi ở quê sau đó trở lại thành phố tham gia các khóa học, trải nghiệm hè tại nhà trường, nhà văn hóa thiếu nhi. Như vậy mùa Hè của con vừa được thư giãn, nghỉ ngơi vừa được tham gia hoạt động nhẹ nhàng.
Không có thời gian nào để cả nhà cùng đi du lịch tuyệt hơn khoảng thời gian hè là chia sẻ của chị Nguyễn Hồng Thắm ngụ quận Cái Răng (TP Cần Thơ) về kế hoạch hè của gia đình cùng cậu con trai lớp 3. Cho con đi du lịch xong rồi trở lại tham gia các hoạt động hè là hợp lý nhất. Nếu bố mẹ chưa có hoạt động hè nào cho các con thì hãy đưa con đi du lịch; có thể để dành số ngày nghỉ phép của một năm cho dịp này.
Trẻ em có khả năng lưu giữ ký ức rất lâu. Vì thế khi được đến vùng đất mới sẽ là những ấn tượng theo suốt cuộc đời các em sau này. Trẻ được theo bố mẹ trong chuyến đi dài ngày rất có lợi cho sự phát triển và tư duy. Được đi đây đó, trẻ có cơ hội quan sát nhiều hơn, tìm thấy những điều mới lạ, giúp các em rèn luyện giác quan và sự nhạy bén…
Môi trường sống của trẻ em không như xưa, song dù bất cứ ở đâu thì con trẻ vẫn cần được vui chơi, tìm tòi, khám phá. Ảnh: Q. Ngữ |
Nỗi lo khó nói thành lời
Bên cạnh niềm vui của trẻ em, mỗi kỳ nghỉ hè cũng là nỗi lo lắng của không ít phụ huynh, đặc biệt là ở khu vực thành thị lại phải “đau đầu” tìm chỗ học, chỗ gửi con. Để con thỏa sức vui chơi, tự do khám phá trong mỗi dịp hè, nói thì dễ nhưng sắp xếp được rất khó, nhất là trong bối cảnh không gian thành phố chật hẹp, khi nhịp sống ngày càng nhanh và cha mẹ luôn bận rộn.
Khi đó, những mùa Hè đúng nghĩa của con trẻ càng bị thu hẹp. Không ít ba mẹ cảm thấy chật vật, căng thẳng… Bởi vậy, không ít phụ huynh có câu hát vui rằng: “Mỗi năm đến hè mẹ đau cái đầu”. Câu nói trên chạm vào tâm tư của nhiều người nên nhận được khối lượng tương tác rất lớn.
Như gia đình anh Nguyễn Văn Hữu, ngụ quận Cái Răng (TP Cần Thơ) khá “đau đầu” khi 2 con gái học mầm non và tiểu học bắt đầu nghỉ hè. Sau khi tính toán, vợ chồng anh quyết định chia nhau mỗi người giữ một đứa con bằng cách dẫn vào cơ quan vừa làm việc, vừa trông. Còn những khi đi công tác xa, anh và vợ buộc phải nhờ ba mẹ ở quê lên chăm sóc các con. “Đối với gia đình cuộc sống không quá dư dả, không có người thân để cậy nhờ, hè đến kéo theo lắm nỗi lo. Để con ở nhà một mình thì không yên tâm. Nhưng gửi con ở đâu khi cha mẹ vẫn phải đi làm là bài toán hóc búa, đau đầu với nhiều gia đình”, anh Hữu chia sẻ.
Với những trẻ ở nông thôn, nghỉ hè có một ý nghĩa vô cùng đặc biệt, bởi đây là thời điểm chúng tha hồ bay nhảy, thỏa sức vui chơi, khám phá thế giới xung quanh. Tuy nhiên, với học sinh ở khu vực thành thị, đôi khi ngày hè lại là lúc bị bó buộc nhất khi bố mẹ đã đăng ký cho con học thêm ở các cơ sở, trung tâm với lịch học dày đặc từ thứ Hai đến thứ Sáu.
Cho rằng các chương trình hè chỉ có những tiết học đơn điệu, chỉ khiến trẻ thêm mệt mỏi và trải qua những ngày hè buồn chán nên ngay sau khi con được nghỉ hè, chị Nguyễn Thị Hường, ở phường Thường Thạnh (quận Cái Răng, TP Cần Thơ) đã đăng ký học thêm cả 3 môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Duy chỉ có 2 ngày thứ Bảy, Chủ nhật, chị cho con nghỉ ở nhà. Mặc dù, con không thích, xin mẹ tuần học 3 buổi, song chị cố động viên.
“Ông bà không ở cùng nên để cháu ở nhà trong dịp hè không yên tâm. Nếu ở nhà, cháu sẽ lại vùi đầu vào xem tivi, chơi điện tử vừa hại mắt lại không tốt cho sức khỏe. Cho con đi học ngoài việc củng cố kiến thức, lại có thể quản lý được cháu. Hơn nữa, lên THCS lượng kiến thức phải học ngày càng nhiều, chúng tôi không có thời gian để dạy, nếu không học thêm thì cháu không thể theo kịp được các bạn”, chị Hường giãi bày.
Trẻ em thích mùa Hè vì được nghỉ học, đi du lịch, thỏa thích ngủ nướng, ăn uống tự do, chơi game. Điều này khiến phụ huynh đau đầu bởi phải tính toán để sắp xếp lịch sinh hoạt điều độ, không để các bé đón mùa Hè vô bổ hoặc quá sa đà vào vui chơi mà quên hết kiến thức.
Chia sẻ câu chuyện của mình, chị Lê Minh Vy, ngụ quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) cho biết: Năm trước gia đình gửi con sang nhà ông bà ngoại cho vui chơi thỏa thích. Nhà ngoại gần, có sân trồng cây cảnh thoáng mát, nhưng ông bà lại cưng chiều quá, không giao cho cháu làm bất cứ việc gì, cơm nước bưng tận nơi, muốn gì có nấy. Kết quả là sau mùa Hè, bọn trẻ trở nên khó bảo hơn rất nhiều. Rút kinh nghiệm, hè năm nay gia đình cho con tham gia trại hè kỹ năng sống với hy vọng trẻ vừa được chơi vừa học thêm những điều bổ ích.
Dù môi trường sống có nhiều thay đổi, tiềm ẩn nguy cơ có hại hơn xưa, song dù bất cứ ở đâu thì con trẻ vẫn cần được vui chơi, tìm tòi, khám phá. Do vậy, không chỉ tham gia tiết học văn hóa khô khan, trẻ rất cần những hoạt động ngoại khóa, tìm hiểu thế giới xung quanh và những kỹ năng sống. Bởi thế, cha mẹ nên định hướng cho con tham gia các hoạt động chơi mà học, dành thời gian cho sở thích cá nhân và phát triển bản thân… và quan trọng hơn là được thụ hưởng kỳ nghỉ hè đúng nghĩa.