Vấn đề càng trở nên bức thiết khi sân chơi cho trẻ vốn đã ít ỏi lại bị người lớn chiếm dụng thành điểm bán hàng, trông xe…
Người lớn chiếm sân chơi
Tại Hà Nội, trong những năm trở lại đây, các khu chung cư, trung tâm thương mại mọc lên như nấm. Nhưng trái lại, sân chơi công cộng dành cho trẻ em ngày càng bị thu hẹp, thậm chí được đưa vào sử dụng cho các mục đích khác. Điều này khiến trẻ em không còn nơi vui chơi, phải xuống đường giải trí hoặc ở nhà cả ngày.
Anh Nguyễn Văn Bằng, sống tại quận Long Biên, Hà Nội chia sẻ: Trước khi mua nhà, hai vợ chồng đã đi tham khảo nhiều khu vực tại Hà Nội. Tiêu chí chúng tôi đưa ra cần có sân chơi hoặc khoảng không thoáng mát để trẻ vui đùa sau những giờ học tập căng thẳng. Tuy nhiên, trong quá trình tìm nhà, tôi nhận thấy sân chơi dành cho trẻ em tại Hà Nội thực sự khan hiếm, nhất là trong nội thành.
“Nếu trong lúc con vui đùa tại sân chơi không may vướng vào dây điện làm loa đài bị tắt, các ông bà sẽ quay lại mắng cháu hay trách bố mẹ không chú ý đến con. Chưa kể, dây điện nguy hiểm hoặc con có thể va quệt vào người lớn khi họ vận động mạnh. Vì vậy, tôi quyết định không cho con xuống sân chơi nữa mà chỉ chơi ở hành lang với bạn bè cùng tầng”, anh Bằng chia sẻ.
Sau một thời gian cân nhắc, vợ chồng anh Bằng quyết định mua một căn chung cư ở quận Long Biên, xa nội thành nhưng có sân chơi riêng cho trẻ em. Như vậy, mỗi dịp hè hay sau giờ học, các con của anh Bằng có thể thoải mái vận động để giải tỏa áp lực. Tuy nhiên, hè chưa đến được bao lâu, ông bố đã bày tỏ thất vọng vì sân chơi chung theo quy hoạch trở thành nơi sinh hoạt tập thể của người lớn tuổi. Cứ chiều đến, các ông bà tụ họp ở đây để tập thể dục hay khiêu vũ.
Ngoài ra, trong thời gian vợ chồng đi làm, anh Bằng đăng ký cho con tham gia các khóa học hè ngắn hạn. Khi khóa học kết thúc, ông bố dự kiến gửi con về quê ở Hà Tĩnh cho ông bà nội chăm sóc.
Ghi nhận tại khu tập thể Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội, giữa các dãy nhà là khoảng sân chơi chung, được lắp đặt cầu trượt, xích đu... cho trẻ em hoặc thiết bị thể dục cho người lớn. Tuy nhiên, những sân chơi này đang được sử dụng cho mục đích khác.
Đơn cử, khoảng sân chơi phía trước khu tập thể A3 Thành Công trở thành bãi gửi xe trong ngày với giá là 5.000 đồng/lượt. Nhiều hộ gia đình còn sử dụng khoảng sân để phơi quần áo, vứt rác. Nếu không nhìn thấy những đồ chơi như cầu trượt, thú nhún... thì không thể nhận ra đây là khu vực sân chơi cho trẻ em.
Chị Vũ Thị Hằng, 22 tuổi, nhân viên nhà hàng Nhật nằm tại khu tập thể Thành Công, cho hay: “Trong các khu tập thể, nhiều nhà ở tầng 1 hiện nay cho thuê làm cửa hàng, quán ăn. Do không gian giữa các cửa hàng nhỏ, vỉa hè hẹp nên chúng tôi thường hướng dẫn khách gửi xe trong khoảng sân trước cửa. Lúc nào cũng sẽ có 1, 2 bác lớn tuổi ngồi đó trông xe và thu phí để khách hàng yên tâm vào quán”.
Sân chơi trước dãy nhà A3 khu tập thể Thành Công được sử dụng làm nơi để xe, vứt rác. Ảnh: TG |
Trẻ loay hoay tìm chỗ
Trước dãy nhà A10, khu tập thể Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội là một khoảng sân rộng với nhiều thiết bị vui chơi cho trẻ em, thiết bị tập thể dục cho người lớn tuổi. Tuy nhiên, mỗi buổi sáng, một góc của sân chơi này được người dân sử dụng làm nơi bán đồ ăn sáng, bày biện nhiều ghế nhựa, bàn ăn.
Sống tại khu tập thể Nghĩa Tân, Gia Huy kể: Có lần em và các bạn chơi đá bóng và làm đổ bàn nên bị bác bán hàng mắng, tịch thu bóng. Sau đó, chúng em không chơi đá bóng trong sân nữa. Hôm nào muốn đá, bọn em phải xin phép bố mẹ đưa sang công viên Nghĩa Đô nằm gần đó.
Nhưng công viên cách xa nhà nên không phải bạn nào cũng được bố mẹ cho đi hoặc những lúc rảnh bố mẹ mới dẫn sang được nên kỳ nghỉ hè của Huy phần lớn là một mình đạp xe quanh sân chơi nhưng cố gắng tránh khu vực các bác bán hàng. Khi khác, em sang nhà bạn cùng khu tập thể xem tivi, đọc truyện tranh.
Lớn lên trong khu tập thể nằm trên đường Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội, em Phan Hà Chi, học sinh lớp 9 Trường THCS Ngô Sĩ Liên, kể: Hồi nhỏ, em thường cùng các bạn trong khu tập thể sang chơi tại khu Thành Công, cách nhà mấy trăm mét, vì khu chúng em nằm ngoài mặt đường lớn, không có sân chơi. Nhưng dần dần, khu này dân cư đông đúc nên các sân chơi được người lớn dùng để mở hàng, trông xe hay họp chợ. Thế nên lâu rồi, chúng em không còn sang đây chơi nữa.
Còn Lê Anh Khoa, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Cầu Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, cho biết: Nghỉ hè, em hay đi bơi, ra công viên, đi du lịch với bố mẹ nhưng ít khi chơi với bạn bè gần nhà vì không có sân chơi. Nếu chơi trước cửa nhà, bọn em phải chú ý xe cộ qua lại và không được đá bóng hay đạp xe nên rất chán. “Ở nhà, bố mẹ chỉ cho em xem tivi và chơi máy tính một lúc nên thời gian rảnh, em không biết làm gì. Em mong có sân chơi dành riêng cho trẻ em để có thể vui chơi thỏa thích”, Khoa chia sẻ.
Không có sân chơi, nhiều trẻ em phải ở nhà cả ngày, làm bạn với tivi và các thiết bị điện tử, dẫn đến tình trạng nghiện game. Theo thầy Phạm Ngọc An, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Hưng Đạo (huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên), sau kỳ nghỉ hè hay thời gian nghỉ dịch Covid-19, khi học sinh trở lại trường, bản thân nhận thấy nhiều học sinh có xu hướng nghiện điện thoại di động, hạn chế tương tác với bạn bè xung quanh.
Thầy giáo gợi ý phụ huynh có thể sáng tạo các trò chơi tại nhà để rời sự chú ý của trẻ khỏi các thiết bị điện tử. Trong đó, bố mẹ nên tận dụng các trò chơi dân gian, vốn quen thuộc hồi nhỏ nhưng còn xa lạ với con cái để cùng chơi và rút ngắn khoảng cách thế hệ. Các trò chơi có thể tổ chức tại nhà như ô ăn quan, chơi chuyền hoặc trò chơi trí tuệ như cờ vua, cờ tướng, giúp trẻ rèn luyện khả năng phản xạ, vận động trí não...
Thầy Phạm Ngọc An nhìn nhận việc nghiện trò chơi điện tử, có thể khiến học sinh thiếu tập trung học tập, thiếu cảm thông với người khác hoặc có hành vi bạo lực lấy ý tưởng từ các game hành động. Do đó, trong thời gian nghỉ hè, ngoài kiểm soát thời gian chơi game, bố mẹ hãy khuyến khích trẻ hoạt động thể thao, giải trí lành mạnh…