Trái đất từng có hai mặt trăng

Trái đất từng có hai mặt trăng

(GD&TĐ) - Các nhà khoa  học khẳng định trái đất non trẻ đã từng có hai mặt trăng. Vụ va chạm của hai vệ tinh tự nhiên đó sẽ được miêu tả cụ thể tại hội thảo về thiên văn học do Hội Hoàng gia London (Anh) tổ chức, dự kiến diễn ra vào tháng Chín năm nay tại bang California (Mỹ).

Vụ va chạm của hai mặt trăng

Hai nhà vật lý thiên văn chuyên về lĩnh vực cấu tạo hành tinh là Eric Asphaugh (người Mỹ) và Martin Jutzi (người Thụy Sĩ) đã công bố một giả thuyết liên quan đến sự hình thành mặt trăng trên tạp chí “Nature” số ra tháng Tám năm 2011. Theo hai ông,  khoảng 4,4 tỷ năm trước, trái đất đã có hai mặt trăng (vệ tinh tự nhiên) xoay quanh. Mặt trăng lớn hơn đã hút mặt trăng nhỏ và kết quả của vụ va chạm hai mặt trăng này là sự hình thành mặt trăng hiện nay của chúng ta. “Mặt trăng thứ hai tồn tại chỉ trong vài triệu năm, sau đó nó va chạm với mặt trăng lớn hơn và kết thúc sự tồn tại của mình. Nếu không có vụ va chạm đó, thì ngày nay trái đất có hai mặt trăng quay cùng trên một quỹ đạo và cùng một vận tốc” – Ông Asphaugh cho biết.

Giả thuyểt nói trên đã giải thích khá hợp lý câu hỏi tại sao bề mặt bán cầu mặt trăng hướng về phía trái đất lại không gồ ghề bằng bề mặt bán cầu kia.

Theo mô phỏng vụ va chạm, mặt trăng nhỏ có đường kính khoảng 965 km, quay trên cùng một quỹ đạo với mặt trăng lớn (nặng gấp 25 lần và có đường kính lớn hơn 3 lần). Trường hấp dẫn mạnh của mặt trăng lớn này đã hút mặt trăng nhỏ và nhờ vận tốc va chạm tương đối nhỏ (khoảng 8000 km/h) nên đá trên hai mặt trăng không bị chảy ra hết. Phần đá còn lại sau va chạm trở nên gồ ghề và tạo thành bề mặt đặc trưng của “bán cầu tối” của mặt trăng ngày nay.

 

Hai giả thuyết khác

Một thuyết khá phổ biến, giải thích nguồn gốc của mặt trăng, nói rằng vệ tinh của chúng ta hình thành do kết quả va chạm của trái đất non trẻ với một hành tinh kích thước bằng sao Hỏa. Việc này xảy ra từ 4,5 tỷ năm trước, tức là khoảng 34 triệu năm sau khi hành tinh của chúng ta hình thành.

Một giả thuyết khác, do nhà vật lý thiên văn Win van Westrenen (trường Đại học Amsterdam – Hà Lan) đưa ra, cho rằng trái đất đã từng bị nổ tung và mặt trăng tách ra từ vụ nổ đó. Tuy nhiên giả thuyết này có ít chứng cớ thuyết phục.

Ông Asphaugh sẽ chứng minh tính đúng đắn của các mô phỏng của mình tại hội thảo về các nghiên cứu liên quan đến mặt trăng diễn ra vào tháng Chín tại bang Caliphornia (Mỹ). Tuy nhiên thậm chí lúc đó chúng ta cũng sẽ không nhận được câu trả lời nhất quán cho câu hỏi, mặt trăng hình thành như thế nào.  Để có được câu trả lời đó, các nhà khoa học sẽ phải thực hiện nhiều nghiên cứu về cấu tạo mặt trăng, để xác định xem mặt trăng là một phần của trái đất hay là một thiên thể hoàn toàn riêng biệt.

Điều thú vị là trái đất của chúng ta là hành tinh duy nhất trong hệ mặt trời sở hữu một vệ tinh tự nhiên. Sao Thổ và sao Mộc có hàng chục vệ tinh; sao Hỏa có ít nhất 2 vệ tinh, còn các hành tinh khác trong hệ mặt trời hoàn toàn không có vệ tinh nào.

Phùng Thu Nguyệt

(Theo báo nước ngoài)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ