Các khoa học gia mới đây đã cảnh báo rằng Mặt trời của chúng ta đang gián tiếp "gửi" sao chổihướng về phía Trái đất. Trong đó, họ đã xác định được chu kỳ va chạm này là 26 triệu năm, trùng khớp với thời gian xảy ra những vụ tuyệt chủng hàng loạt 260 triệu năm trước.
Thảm họa này được cho là có liên quan đến quỹ đạo chuyển động của Mặt trời và các hành tinh xoay xung quanh, hướng về khu vực "mặt phẳng thiên hà" dày đặc thiên thạch trong dải Ngân hà.
Theo các nghiên cứu trước kia, các khoa học gia tin rằng sự xáo trộn hấp dẫn của Đám mây tinh vân Oort (Oort Cloud - đám mây bụi khí, sao chổi và vẩn thạch khổng lồ bao quanh Hệ Mặt trời) đã khiến những sao chổi bay hướng về Trái đất theo chu kỳ. Vụ va chạm cuối cùng đã xảy ra từ 11 triệu năm trước, trùng với thời kỳ đại diệt chủng của Thế Trung Tân (Middle Miocene - một thế địa chất từ 23 triệu năm trước). Do đó về mặt logic, chúng ta đang ở trong "thời kỳ an toàn".
Tuy nhiên theo giáo sư Michale Rampiano - nhà địa chất thuộc ĐH New York - chúng ta có thể đã đánh giá sự an toàn này quá sớm.
Ông cho biết: "Có những bằng chứng cho thấy hoạt động của các sao chổi được tăng cường trong khoảng 1 đến 2 triệu năm trước, và hiện quỹ đạo của một số sao chổi đang bị nhiễu loạn. Vì thế chúng ta có thể phải hứng chịu thảm họa này bất kỳ lúc nào. Điều này cũng đúng với vị trí của hệ Mặt trời hiện nay - gần mặt phẳng ngân hà - nơi có mật độ vật chất tối dày đặc gây nhiễu loạn hấp dẫn của sao chổi".
Vật chất tối là các chất vô hình chiếm tới 80% vũ trụ, nhưng chỉ có thể phát hiện ra nhờ lực hấp dẫn nó tạo ra.
Để xác định được thông tin này, giáo sư Rampino cùng đồng nghiệp là giáo sư Ken Caldeira từ Viện Carnegie đã phân tích các dữ liệu về va chạm thiên thạch và sự tuyệt chủng bằng các dữ liệu mới thu thập được.
Kết quả họ tìm ra rằng 6 vụ tuyệt chủng hàng loạt có liên quan đến các hố thiên thạch trên Trái đất, trong đó có thiên thạch khổng lồ đã quét sạch toàn bộ khủng long vào 65 triệu năm trước.