Trái cây nhập khẩu tăng mạnh
Thống kê của Bộ NN&PTNT, 2 tháng đầu năm Việt Nam đã chi 164 triệu USD (khoảng 3.720 tỷ đồng) để nhập khẩu (NK) trái cây, rau quả. Riêng NK từ Thái Lan, là 82,6 triệu USD, chiếm 50% kim ngạch NK trái cây và rau quả của Việt Nam. Tiếp theo là thị trường Trung Quốc 19%, Myanmar 9% và Hoa Kỳ 8%... Tại các siêu thị lớn như: Coop Mart, Metro, BigC... trái cây ngoại được bày bán tràn lan.
Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, trái cây từ Thái Lan được NTD Việt rất ưa chuộng mặc dù giá luôn cao hơn nhiều trái cây trong nước. Đơn cử, mãng cầu Thái Lan đang được bán tại một số siêu thị với mức giá gần 500.000 đồng/kg, trong khi mãng cầu Việt Nam chỉ có giá 40.000 - 60.000 đồng/kg dù chất lượng tương đương. Ngoài mãng cầu thì thanh long và một số trái cây khác cũng bị “phân biệt đối xử” như vậy.
Còn theo TS Nguyễn Hữu Đạt - Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đây chính là nghịch lý trái cây của Việt Nam. Trong khi các DN xuất khẩu vất vả kiếm từng đơn hàng để đưa trái cây Việt ra thị trường thế giới thì một lượng lớn ngoại tệ lại chạy vào túi các DN nước ngoài chiếm lĩnh được thị trường trong nước. Dù trái cây Việt Nam rất phong phú với nhiều chủng loại nhưng các DN vẫn NK trái cây của nhiều nước, trong đó: Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ, Australia, Chile, New Zealand chiếm lượng lớn với chủng loại phổ biến như nho, táo, lựu, kiwi, xoài...
Nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng, nguyên nhân chính khiến trái cây Việt thua ngay trên “sân nhà” là do NTD còn e ngại về chất lượng trái cây trong nước. Bên cạnh đó, công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu còn hạn chế khiến trái cây Việt chưa đến được với NTD. Ngoài ra, mẫu mã trái cây ngoại vượt trội hẳn so với trái cây Việt nên thường được NTD lựa chọn nhiều vào những dịp lễ, Tết...
Yếu thế trên sân nhà
Theo ông Phú, ngoài năng lực cạnh tranh, năng suất thấp do sản xuất manh mún, trái cây Việt còn bị kìm kẹp ngay tại thị trường nội địa. Chính các siêu thị trong nước lại đòi hỏi mức chiết khấu quá cao (từ 15 - 20%), phí tạo mã hàng cho một sản phẩm lên đến 20 triệu đồng và các khoản chi khác nếu không sẽ bị đặt ở những vị trí khó nhìn, khó thấy càng làm cho hàng Việt thất thế. Thực tế, giá trị trái cây Việt còn thấp, nếu phải gánh những chi phí đó thì DN kinh doanh trái cây nội sẽ không thể trụ vững.
Nói về vấn đề này, đại diện Bộ NN&PTNT cho rằng, ngoài việc khai thác thị trường quốc tế, các DN sản xuất trái cây Việt đang “bỏ ngỏ” thị trường nội địa. Với dân số 93 triệu dân, nếu biết khai thác tốt mạng lưới tiêu thụ thì đây cũng là nguồn thu nhập không nhỏ vì xét về chất lượng, nhiều loại trái cây Việt còn nổi trội hơn trái cây ngoại. Thiệt thòi lớn cho trái cây trong nước chính là khâu quảng bá chưa được quan tâm đầu tư; bên cạnh đó, quy trình sản xuất còn nhiều hạn chế.
Bởi tại các quốc gia như: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc... hầu hết trái cây đều được sử dụng chất bảo quản trong quá trình trồng hoặc sau thu hoạch. Điều quan trọng chính là chất bảo quản đó đều có nguồn gốc sinh học, an toàn với người sử dụng. Đặc biệt, nông dân ở các nước đó tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất và sản phẩm được kiểm nghiệm chặt chẽ ở tất cả các khâu... Bởi vậy, để nâng cao tính cạnh tranh và khẳng định lại vị thế tại thị trường trong nước, ngành sản xuất trái cây cần tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến, bảo quản...
Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì để có một dự án phát triển công nghệ bảo quản trái cây, cần đầu tư khoảng 500 tỷ đồng. Với mức đó, rất ít DN có nguồn lực để triển khai. Ngoài ra, còn rất nhiều khó khăn khác khiến nhà đầu tư “chùn bước” trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trái cây. Bởi vậy, mong Nhà nước, các bộ, ngành có chính sách hỗ trợ về đất đai, tài chính, đầu tư hệ thống máy móc trong chế biến và bảo quản; cùng với đó, có sự bảo trợ cho các hoạt động: Tổ chức hội chợ, xúc tiến đầu tư, chú trọng quảng bá, giới thiệu trái cây Việt tới NTD nhằm trước hết khai thác tiềm năng thị trường trong nước và tiến tới đẩy mạnh xuất khẩu...