Được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của địa phương, ngành GD-ĐT, cùng sự nỗ lực của thầy và trò, tỷ lệ tốt nghiệp của nhiều tỉnh thành tăng dần qua các năm. Tuy vậy, đối diện với Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, ngay cả những tỉnh thành có tỷ lệ tốt nghiệp cao nhất, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý vẫn có nhiều trăn trở.
Có nhiều lý do để mỗi trường học, địa phương dành nhiều sự quan tâm hơn cho kỳ vượt vũ môn 2022 của học sinh, trong đó đáng chú ý là bối cảnh học tập đặc biệt của các em. Lứa học sinh lớp 12 năm nay là thế hệ đặc biệt nhất trong lịch sử, từng “trải” qua ba năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, trong đó nặng nề nhất là năm học cuối cấp 2021-2022.
Thời gian học trực tuyến của học sinh ở nhiều địa phương chiếm tỷ lệ khá dài, trong khi chất lượng dạy học trực tuyến không thể bằng trực tiếp do hạn chế đường truyền, thiết bị, đội ngũ... Đáng chú ý, trong đại dịch, không ít học sinh phải đối diện với những khó khăn lớn nhất đời mình: Nhiễm bệnh, đi cách ly, điều kiện kinh tế gia đình sa sút, thậm chí nhiều em còn mất cha, mẹ và người thân do Covid-19. Hoàn cảnh đặc biệt đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả học tập, trong đó có những học sinh đối diện với nguy cơ rớt tốt nghiệp.
Để học sinh lớp 12 có thể đạt kết quả tốt trong kỳ thi sắp tới, ngành GD-ĐT các địa phương đang nỗ lực tập trung đồng bộ giải pháp trong việc giảng dạy, ôn tập cho trò. Trong đó, các trường đặc biệt quan tâm đến công tác phụ đạo cho học sinh có học lực yếu, kém.
Tại Tiền Giang, sau khi tổ chức rà soát và lập danh sách số học sinh khối 12 có học lực xếp loại yếu, kém có nguy cơ không đỗ tốt nghiệp, các trường đã xây dựng kế hoạch thực hiện kèm bảng phân công giáo viên phụ trách, thời gian tổ chức, kinh phí,… để tổ chức lớp phụ đạo. Tùy vào điều kiện thực tế của mình, mỗi trường có kế hoạch phân công cán bộ, giáo viên tuyên truyền, vận động đến gia đình học sinh quan tâm phối hợp cùng với nhà trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các em tham gia lớp.
Ở tỉnh Hòa Bình, không chỉ tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên ôn thi khối lớp 12, một số trường còn tổ chức các đoàn giáo viên cốt cán hỗ trợ về chuyên môn cho giáo viên ở vùng sâu, vùng xa. Tỉnh cũng luân chuyển và điều động tạm thời giáo viên từ vùng thuận lợi đến hỗ trợ cho thầy cô ở vùng sâu, vùng xa, nhằm có kết quả tốt nhất.
Mục tiêu đảm bảo lượng kiến thức cơ bản cho học sinh tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuy nhiên ngành Giáo dục các địa phương cũng chủ trương không gây áp lực, phải quan tâm đến học sinh ở nhiều phương diện khác như đời sống tâm lý, sức khỏe, tài chính... Vì thế, cùng với việc tổ chức phụ đạo, nhiều trường đã hỗ trợ dụng cụ học tập, suất ăn trưa, nước uống miễn phí cho những em có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo, học sinh khuyết tật. Ở Cần Thơ, không chỉ thầy cô mà các nhà hảo tâm, lực lượng tình nguyện còn có kế hoạch chăm lo bữa trưa miễn phí cho học sinh ôn thi.
Trách nhiệm và nhân văn, sự nỗ lực hết mình của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và các lực lượng hỗ trợ đã và đang góp phần giúp học sinh chắc kiến thức, vững kỹ năng, giải tỏa áp lực, chuẩn bị bước vào kỳ thi sắp tới với tâm thế tự tin nhất.