Ôn thi tốt nghiệp THPT: Để chạm ước mơ

GD&TĐ - Các phương án ôn tập cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 được nhiều trường THPT trên toàn quốc xây dựng dựa trên điều kiện dịch bệnh, trình độ học sinh, mục tiêu cá nhân…

Một tiết học Toán của thầy Phí Văn Quang tại Trường THPT Văn Giang. Ảnh: NVCC
Một tiết học Toán của thầy Phí Văn Quang tại Trường THPT Văn Giang. Ảnh: NVCC

Bên cạnh tận dụng thời gian vàng khi học trực tiếp, thầy cô cũng chú trọng đến việc ổn định tâm lý cho học sinh trước kỳ thi sắp tới.

Tìm giải pháp ôn tập phù hợp

Là giáo viên Ngữ văn tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Khánh Hòa, cô Nguyễn Thị Thanh Vân cho biết: Từ tháng 4, nhà trường đã phân loại lớp 12 theo năng lực, nguyện vọng của học sinh để ôn tập có trọng tâm. Đơn cử, số tiết học, môn học ở các lớp khối Tự nhiên và lớp khối Xã hội là khác nhau, đề cương lẫn định hướng ôn tập cũng phân chia rõ ràng.

Trong lớp, thầy cô bộ môn tiếp tục sàng lọc, phân loại trình độ học sinh để không em nào bị bỏ lại phía sau trong quá trình ôn luyện. Với học sinh yếu, giáo viên lập nhóm phụ đạo trên phần mềm Microsoft Teams rèn kỹ năng, củng cố kiến thức và luyện giải đề. Với học sinh khá giỏi, giáo viên gửi thêm tài liệu hướng dẫn tự học.

Sau Tết Nguyên đán, số ca mắc Covid-19 tăng nhanh nên nhiều học sinh nhà trường là F0, F1 phải nghỉ học. Để đảm bảo tiến độ dạy học và ôn tập cho cả lớp, cô Vân cho biết: Thực hiện phương châm học sinh dừng đến trường nhưng không dừng việc học, nhà trường quán triệt tổ bộ môn cử giáo viên dạy và ôn tập cho học sinh diện F. Những em này sẽ học vào buổi chiều qua Microsoft Teams. Việc ôn tập bám sát theo ma trận đề tham khảo của Bộ GD&ĐT, theo từng chủ điểm kiến thức và kỹ năng.

Cụ thể, với môn Ngữ văn, giáo viên tập trung ôn theo 3 chủ đề: Đọc hiểu văn bản; viết đoạn văn Nghị luận xã hội và viết bài văn Nghị luận văn học. Hai kỹ năng chính Đọc hiểu và Làm văn được trang bị theo hướng tổng phân hợp.

Theo cô Vân, mỗi học sinh có hoàn cảnh và mục tiêu khác nhau. Giáo viên cần quan tâm sâu sát để nắm bắt, phân hóa học sinh theo trình độ học tập; giao khoán nhiệm vụ học tập theo hình thức cá nhân và tập thể, vừa nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần tự học cho mỗi học sinh, vừa tăng tính tương tác trò - trò để cùng tiến bộ. Phối hợp chặt chẽ với gia đình để tháo gỡ khó khăn và động viên học sinh vững tâm lý trước kỳ thi.

Có nhiều năm kinh nghiệm ôn thi và là giáo viên chủ nhiệm khối 12, thầy Phí Văn Quang, giáo viên môn Toán Trường THPT Văn Giang, tỉnh Hưng Yên thường tạo bài tập ôn luyện trên các công cụ trực tuyến như Google Forms, OLM, Azota…

Với hình thức là câu hỏi trắc nghiệm hoặc đề thi thử, đề tổng ôn kiến thức THPT, học sinh có thể tự luyện vào buổi tối hoặc thời gian rảnh rỗi. Phần mềm báo điểm ngay khi học sinh hoàn thành bài làm giúp khơi gợi niềm hứng thú, say mê học tập. Học sinh không có điều kiện về thiết bị học trực tuyến, thầy in bài gửi riêng và quan tâm hơn trên lớp.

Trên cương vị giáo viên chủ nhiệm, thầy Quang cũng thường đưa ra lời khuyên, tư vấn chọn trường, chọn ngành cho học sinh. Khi đã chọn được ngành học yêu thích, học sinh có thể tham khảo nhiều phương thức xét tuyển khác nhau để tăng cơ hội trúng tuyển. Hay học sinh chỉ xét tốt nghiệp cần tập trung vào những phần kiến thức cơ bản, bám sát cấu trúc đề minh họa.

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh kỷ niệm cùng học sinh. Ảnh: NVCC
Cô Nguyễn Thị Thanh Vân (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh kỷ niệm cùng học sinh. Ảnh: NVCC

Quan tâm, hỗ trợ tâm lý cho học sinh

Chuẩn bị cho kỳ thi “vượt vũ môn” vốn vất vả, học sinh lớp 12 năm nay phải đối mặt với nhiều trở ngại tâm lý. Mong muốn hỗ trợ học sinh lớp 12 và học sinh nhà trường nói chung trong dịch Covid-19, cô Vân đã hướng dẫn học sinh thực hiện dự án nghiên cứu khoa học “Nâng cao năng lực tự chủ cho học sinh THPT trong học tập và chọn nghề trước biến động xã hội”.

Giành giải Nhất Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp tỉnh, dự án điều tra, khảo sát thực trạng và tìm hiểu nguyên nhân nảy sinh áp lực, từ đó, đề xuất nhiều giải pháp đồng hành, hỗ trợ học sinh. Câu lạc bộ “Cửa sổ diệu kỳ” thuộc dự án thường tổ chức tọa đàm trực tuyến lẫn trực tiếp mời chuyên gia chia sẻ với học sinh kỹ năng kiểm soát cảm xúc bản thân, quản trị thời gian, xây dựng kế hoạch học tập, giải tỏa cảm xúc tiêu cực... Đây vừa là “cẩm nang” cho học sinh, phụ huynh vừa tạo sự gắn kết giữa nhà trường và gia đình trong việc đồng hành cùng con cái vượt qua áp lực thi cử.

Ngoài ra, trong các buổi học, sinh hoạt ngoài giờ lên lớp với học sinh lớp 12, cô Vân thường lồng ghép các câu chuyện truyền cảm hứng sống, khát khao chinh phục thử thách giúp các em giải tỏa căng thẳng. Bên cạnh động viên, cô còn gửi thêm bài tập, sách cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhằm khuyến khích tinh thần tự học.

“Giáo viên vừa là người bạn đồng hành, vừa là chỗ dựa tinh thần cho học sinh. Để làm được điều này, thầy cô cần gần gũi tâm tình, chia sẻ động viên kịp thời; tổ chức sân chơi nhằm hóa giải áp lực tâm lý cho trò. Với học sinh lớp 12, các thầy cô cần quan tâm, lắng nghe nhiều hơn và tiếp tục đồng hành cùng các em trong thời gian tới”, cô Vân chia sẻ.

Tháng 3, Nguyễn Vy Thảo, học sinh lớp 12 Trường THPT Marie Curie, Hà Nội mắc Covid-19 nên phải nghỉ học hơn 2 tuần. Thời gian đó, em không theo kịp bạn bè trên lớp. Ban đầu, em rất lo lắng vì kỳ thi tốt nghiệp đang đến gần. Nhưng Thảo may mắn được thầy cô, bạn bè quan tâm trong và sau thời gian mắc bệnh. Cô giáo chủ nhiệm thường nhắn tin hỏi thăm em khi bị ốm và các thầy cô bộ môn gửi bài tập tự ôn luyện. Khi Thảo đi học, bài nào chưa hiểu, các bạn và thầy cô sẵn sàng giảng cho em đến khi hiểu mới thôi.

“Học sinh lớp 12 năm nay phải đối mặt với nhiều biến động. Em hy vọng thầy cô sẽ quan tâm, lắng nghe chúng em cả vấn đề học tập lẫn tinh thần. Em cũng mong có nhiều chương trình tư vấn, tọa đàm tháo gỡ áp lực tâm lý cho học sinh cuối cấp trước bối cảnh hiện nay”, Vy Thảo bày tỏ.

“Mỗi trò một hoàn cảnh, giáo viên nên thường xuyên nhắc nhở, động viên học sinh ôn tập để không sinh lười biếng hoặc tự kiêu. Khi học trực tuyến, tôi luôn khuyến khích các em nâng cao ý thức tự rèn luyện để hoàn thành mục tiêu sắp tới”, thầy Quang bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

TikTok 'lâm nạn' ở Mỹ

GD&TĐ - Lần thứ hai trong không đầy 4 năm, ứng dụng TikTok bị đưa vào vòng ngắm của chính quyền Mỹ.