Ôn thi tốt nghiệp THPT giai đoạn nước rút: Nỗ lực từ vùng dịch

GD&TĐ - Dịch bệnh diễn biến phức tạp, học sinh lớp 12 nhiều khu vực ở Đồng bằng sông Cửu Long phải ôn thi trực tuyến.

Các địa phương đang nỗ lực tập huấn các phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT chất lượng và an toàn. Ảnh: Đăng Chung
Các địa phương đang nỗ lực tập huấn các phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT chất lượng và an toàn. Ảnh: Đăng Chung

Để bảo đảm kiến thức, thầy trò cùng nỗ lực, linh hoạt trong công tác ôn tập, chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ thi sắp tới.  

Thầy, trò vùng dịch cùng vượt khó

Tỉnh Tiền Giang ghi nhận nhiều ca dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Để phòng dịch, từ ngày 16/6 các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tổ chức ôn tập trực tuyến cho học sinh lớp 12. Trước khi tổ chức ôn tập trực tuyến, nhà trường chia nhóm học sinh, học viên và phân công giáo viên để có phương án ôn tập phù hợp, lưu ý những học sinh có nguy cơ thi trượt tốt nghiệp THPT.

Giai đoạn nước rút, chiến lược ôn thi cũng thay đổi, nhiều trường tập trung cho học sinh giải đề, làm quen với các thao tác, kỹ năng làm bài… Theo ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang, qua đánh giá, việc ôn trực tuyến thời gian cuối này sẽ không ảnh hưởng nhiều kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Có nhiều học sinh trong diện nguy cơ trượt tốt nghiệp, Trường THPT Tư thục Ấp Bắc (Tiền Giang) đã nỗ lực ôn luyện và đặt yêu cầu về phòng dịch lên hàng đầu. Trước đây, nhà trường tổ chức học trực tiếp và trực tuyến 2 buổi/ngày. Thời điểm dịch

Covid-19 bùng phát, nhà trường ôn tập trực tuyến vào buổi sáng, giao bài tập cho học sinh tự ôn luyện ở nhà buổi chiều. Ngoài ra, trường còn tăng cường hướng dẫn học sinh tự học trên một số ứng dụng học tập khác, giúp các em có đủ kiến thức, vững tin bước vào kỳ thi sắp tới…

Ông Võ Văn Hiếu - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang cho hay:  Kỳ thi đã cận kề, việc tổng hợp lại kiến thức, rèn kỹ năng làm bài quan trọng hơn bao giờ hết. Dù học trực tiếp hay trực tuyến, bên cạnh hướng dẫn của giáo viên, rất cần sự chủ động, ý thức tự học của học sinh trong giai đoạn này.

Để chuẩn bị tốt và bảo đảm an toàn cho kỳ thi năm nay, ngành Giáo dục tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo các trường THPT, trung tâm GDTX trên địa bàn tỉnh bằng nhiều hình thức khác nhau cần chủ động, linh hoạt trong khoảng thời gian còn lại, tiếp tục hỗ trợ học sinh ôn tập thi tốt nghiệp. Những học sinh có học lực yếu, kém sẽ được giáo viên quan tâm, hỗ trợ ôn thi bằng nhiều hình thức… Những tiết học trực tuyến được thực hiện qua các phòng học Zoom, Meet. Học sinh được ôn tập theo từng nhóm năng lực phù hợp và nhu cầu nguyện vọng theo khối đăng ký dự thi...

Ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang thăm và động viên HS lớp 12 Trường THPT Lê Văn Phẩm, thị xã Cai Lậy.
Ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang thăm và động viên HS lớp 12 Trường THPT Lê Văn Phẩm, thị xã Cai Lậy.

Quan tâm học sinh yếu

Theo ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang, bên cạnh học sinh có học lực khá, giỏi, năng lực học tốt, ở từng trường đều có học sinh yếu, kém. Mỗi em có hoàn cảnh khác nhau, đôi khi chỉ bị hạn chế ở một số môn học. Vì vậy, ngành Giáo dục đã yêu cầu các trường THPT tổ chức rà soát và lập danh sách số học sinh khối 12 năm học 2020 - 2021 có học lực xếp loại yếu, kém nguy cơ không đỗ tốt nghiệp. Căn cứ kết quả rà soát, nhà trường xây dựng kế hoạch thực hiện kèm bảng phân công giáo viên phụ trách, thời gian tổ chức, kinh phí… để tổ chức lớp phụ đạo cho học sinh học này.

Thống kê cho thấy, toàn tỉnh Tiền Giang có trên 1.000 học sinh lớp 12 nguy cơ trượt tốt nghiệp. Ngay từ cuối tháng 3, các trường THPT đã tập trung lên kế hoạch ôn tập cho học sinh, đặc biệt là phụ đạo học sinh có học lực yếu, kém… Nhờ giải pháp này, nhiều năm qua, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT tỉnh Tiền Giang khá cao.

Nhằm giúp thí sinh có định hướng đúng trong chọn bài thi, môn thi phù hợp khả năng, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ đã tổ chức kỳ khảo sát chất lượng lớp 12 theo cấu trúc đề minh họa do Bộ GD&ĐT ban hành. Căn cứ kết quả kiểm tra, khảo sát, giáo viên và học sinh có thêm thông tin để điều chỉnh nội dung, cách thức ôn tập phù hợp.

Để bảo đảm kiến thức, thầy trò cùng nỗ lực, linh hoạt trong công tác ôn tập, chuẩn bị sẵn sàng cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Để bảo đảm kiến thức, thầy trò cùng nỗ lực, linh hoạt trong công tác ôn tập, chuẩn bị sẵn sàng cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT. 

Bên cạnh đó, ngành Giáo dục thành phố cũng chỉ đạo các trường THPT tổ chức ôn tập cho học sinh theo hướng tăng cường thời gian tự học cho học sinh với sự hướng dẫn của giáo viên; Xây dựng kịch bản, chủ động phương án sẵn sàng chuyển sang hình thức ôn tập trực tuyến nếu học sinh phải dừng đến trường vì dịch bệnh.

Hiện, học sinh lớp 12 của thành phố bước vào giai đoạn ôn tập “nước rút”. Tùy điều kiện, mỗi trường THPT có cách tổ chức phù hợp. Theo cô Trần Mỹ Linh, Tổ trưởng Tổ bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Giai Xuân (TP Cần Thơ): Trên cơ sở đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT, giáo viên biên soạn đề cương chung để ôn tập cho học sinh. Tổ chức nhóm học sinh theo học lực để có phương pháp giảng dạy phù hợp.

“Với môn Ngữ văn, khi dạy học sinh khá, giỏi, giáo viên bổ sung kiến thức, kỹ năng và lý luận văn học cho bài văn sâu sắc. Với những em có học lực yếu hơn, thầy cô giúp các em thực hiện đúng yêu cầu đơn giản của đề thi, không tạo áp lực”, cô Mỹ Linh cho biết.

Các trường ở Cần Thơ chọn thầy cô có kinh nghiệm, năng lực, nhiệt tình để ôn tập cho học sinh. Trường quản lý học sinh ôn tập theo từng lớp, từng tuần và từng buổi, phối hợp cùng phụ huynh chặt chẽ. “Sau kiểm tra học kỳ II, trường có khoảng 190 em còn yếu ở các môn. Bởi vậy, bên cạnh thời khóa biểu ôn thi, trường tổ chức tăng phụ đạo thêm 2 tiết/tuần. Đồng thời, phân công thầy cô kèm, giúp đỡ các em ôn tập để thi hiệu quả...”, cô Trần Thị Phượng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Giai Xuân chia sẻ.

“Phụ đạo học sinh yếu, kém không phải chạy theo bệnh thành tích mà đó là cách chúng ta giúp đỡ, tạo điều kiện để các em có tương lai tốt đẹp hơn”, Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Quang Trí nhấn mạnh.
Ngành Giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ