Nhà phố cổ Hà Nội sẽ không quá 4 tầng

Các công trình ở phố cổ chỉ được phép cao từ 3 đến 4 tầng (12-16 m); khu vực Hồ Gươm và phụ cận được xây công trình cao không quá 16 m.

Đây là một phần nội dung đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử (sáu đồ án quy hoạch bốn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng) dự kiến được nhà chức trách công bố sáng 22/3.

Phố Tạ Hiện - tuyến phố thương mại sầm uất bậc nhất khu phố cổ Hà Nội. Ảnh: Giang Huy.
Phố Tạ Hiện - tuyến phố thương mại sầm uất bậc nhất khu phố cổ Hà Nội. Ảnh: Giang Huy.

Theo đồ án, không gian nội đô lịch sử được xác định chủ yếu là công trình thấp tầng. Công trình cao tầng được bố trí dọc các tuyến đường vành đai, đường hướng tâm và các khu tái thiết đô thị. Tại khu vực xây dựng công trình cao tầng, thành phố sẽ ưu tiên giảm mật độ xây dựng để bổ sung các tiện ích như cây xanh, bãi đỗ xe...

Với một số khu vực đặc thù, đồ án quy định kiến trúc cảnh quan, thiết kế riêng, trong đó có khu vực phố cổ, Hồ Gươm và vùng phụ cận. Với khu phố cũ, nhà được phép xây từ 4 đến 6 tầng (16-22 m). Các khu vực hạn chế phát triển còn lại được xây nhà cao từ 5 đến 7 tầng (20-25 m).

Về quan điểm bảo tồn, đồ án nêu, khu phố cổ bảo tồn hình thái kiến trúc các tuyến phố hiện có; bảo tồn trục trung tâm thương mại kết hợp với nhà ở truyền thống; cải tạo lõi bên trong các ô phố... tạo lập hình ảnh kiến trúc đô thị cổ đặc trưng.

Các tuyến phố xung quannh khu vực Hồ Gươm sẽ bị hạn chế tầng và chiều cao công trình. Ảnh: Giang Huy.
Các tuyến phố xung quannh khu vực Hồ Gươm sẽ bị hạn chế tầng và chiều cao công trình. Ảnh: Giang Huy.

Khu vực hồ Gươm được bảo tồn hình ảnh đặc trưng với không gian mặt nước và cây xanh quanh hồ; bảo tồn, tôn tạo không gian kiến trúc cảnh quan các công trình có giá trị về lịch sử, văn hóa, cách mạng...

Không gian ngầm, trong đó các khu vực đầu mối ga ngầm đường sắt đô thị được nghiên cứu theo mô hình phát triển đô thị gắn với các đầu mối giao thông công cộng (TOD). Các đường đi bộ ngầm kết nối với các công trình công cộng ngầm, ga ngầm với đầu mối TOD sẽ được hình thành.

Về quản lý dân cư, đồ án nêu nguyên tắc sẽ từng bước thực hiện lộ trình giảm dân trong khu vực nội đô lịch sử theo định hướng Quy hoạch chung thủ đô đến 2030. Cụ thể, về lâu dài (giai đoạn đến năm 2030), thành phố triển khai đồng bộ các dự án di dân, giải phóng mặt bằng để mở đường theo quy hoạch, tái thiết đô thị, đồng thời di dời các cơ sở công nghiệp, trường đại học, bệnh viện, trụ sở bộ, ngành... theo quyết định 130 (ngày 23/1/2015) của Thủ tướng.

Thành phố sẽ phát triển các tuyến đường sắt đô thị tại khu vực nội đô lịch sử, các chuỗi đô thị Bắc sông Hồng, phía đường vành đai 4, và các khu đô thị vệ tinh hình thành cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật xã hội hoàn chỉnh sẽ hút dần dân số khu vực nội đô lịch sử và nội đô mở rộng chuyển ra ngoại thành.

Phó chủ tịch UBND Hà Nội Dương Đức Tuấn cho hay, việc xây dựng 6 đồ án quy hoạch phân khu tại 4 quận nội đô lịch sử là cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1259 ngày 26/7/2011.

Giai đoạn trước khi đồ án quy hoạch phân khu được duyệt, việc quản lý quy hoạch xây dựng, đất đai và dự án đều được thực hiện theo quy hoạch chi tiết các quận được thành phố phê duyệt thời điểm năm 2002. Quá trình nghiên cứu, đồ án đã cập nhật nội dung đồ án quy hoạch chi tiết các quận được duyệt.

Tổng thể 6 đồ án quy hoạch phân khu đô thị nội đô lịch sử có quy mô nghiên cứu trên 3.000 ha; số dân theo quy hoạch dự kiến gần 700.000 người trên tổng số 1,2 triệu dân nội đô lịch sử. Đồ án cũng đã nhận được sự ủng hộ của Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

"Việc lập, thẩm định và phê duyệt đồ án giúp thành phố kiểm soát phát triển và quản lý đô thị, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương; đồng thời là cơ sở pháp lý quản lý quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai", Phó chủ tịch Dương Đức Tuấn nói.

Khu phố cổ trải rộng trên 81 ha trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Trải qua quá trình hình thành và phát triển hơn 10 thế kỷ, phố cổ chiếm vị trí quan trọng trong lịch sử phát triển của thủ đô, nơi đây đã và đang chứa đựng một kho tàng giá trị vật thể và phi vật thể vô giá, góp phần làm nên dấu ấn Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến. Năm 2004, khu phố cổ đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia cần được bảo tồn, tôn tạo đặc biệt.

Theo Vnexpress.net

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ