(GD&TĐ) - Thời gian vừa qua có nhiều vấn đề, vụ việc phát sinh, đặc biệt là các sai phạm trong hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền. Tuy nhiên, việc xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan thường bị xem nhẹ, nếu có thì qua loa, hình thức chưa được xử lý nghiêm minh theo đúng quy định pháp luật.
Có rất ít vụ việc sai phạm trong công tác quản lý, điều hành trong đó trách nhiệm cá nhân người đứng đầu được xử lý mà chủ yếu là quy trách nhiệm tập thể, xử lý trách nhiệm tập thể.
Trong khi đó, khái niệm xử lý tập thể, việc quy trách nhiệm tập thể hiện còn rất mơ hồ, phạm vi rộng, thậm chí không thể xử lý, quy trách nhiệm được, nếu có thì chỉ dừng lại ở nhắc nhở, kiểm điểm hoặc ra hình thức kỷ luật chung chung nên không đủ sức răn đe, vì tập thể thì chẳng của riêng ai!
Nguyên nhân là do chúng ta chưa có cơ chế phân định rõ ràng, cụ thể về trách nhiệm tập thể và trách nhiệm cá nhân, ranh giới còn chưa rõ ràng, cụ thể. Trong các văn bản pháp luật hoặc quy chế hoạt động của cơ quan, tổ chức thường có nội dung về việc quy định gắn trách nhiệm tập thể với trách nhiệm cá nhân.
Tuy vậy, rất ít khi các cá nhân - người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm trong quản lý điều hành. Hầu hết các vụ việc bị xử lý trong thời gian vừa qua chủ yếu là xử lý trách nhiệm hình sự, trách nhiệm hành chính trong các vụ việc vi phạm pháp luật cụ thể của cá nhân người đứng đầu như tham nhũng, cố ý làm trái gây thiệt hại, chứ không phải là xử lý về trách nhiệm cá nhân trong hoạt động quản lý, điều hành Nhà nước.
Nói như một số người thì chưa có ai đi tù vì yếu kém trong hoạt động quản lý, điều hành, bố trí cán bộ không đủ năng lực, trình độ gây thiệt hại, vi phạm pháp luật!
Hiện nay, theo quy định pháp luật thì người đứng đầu được giao rất nhiều quyền, thậm chí có thể nói gần như nắm toàn quyền quyết định các vấn đề quan trọng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị như về công tác tổ chức cán bộ; biên chế, kinh phí, tài chính; kế hoạch công tác; tổ chức thực hiện nhiệm vụ...
Việc phải thông qua tập thể, tổ chức Đảng, đoàn thể đều được pháp luật, nội quy quy chế cơ quan, đơn vị quy định nhưng theo chúng tôi thì chủ yếu là mang tính tham khảo, thông báo công khai cho đúng quy trình còn quyền quyết định vẫn là của người đứng đầu và họ phải chịu trách nhiệm toàn bộ và cuối cùng về quyết định đó.
Do đó, không thể đùn đẩy, đổ trách nhiệm cho tập thể hoặc chỉ mình tập thể gánh chịu trách nhiệm khi xảy ra sai phạm, yếu kém trong quản lý điều hành, còn cá nhân người đứng đầu thì chỉ liên đới hoặc vô can.
Thiết nghĩ, cần xử lý nghiêm minh người đứng đầu khi xảy ra sai phạm ở cơ quan, đơn vị, nhất là trong công tác quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước. Việc chậm xử lý, không xử lý hoặc bao che đối với các cá nhân sai phạm, nhất là đối với người đứng đầu là rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của đất nước, lợi ích của cán bộ, công chức và cả người dân.
Bởi vì, khi không bị ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh để răn đe, phòng ngừa chung thì không những người này tiếp tục có hành vi vi phạm mà còn là tấm gương xấu cho những kẻ khác trông vào, a dua vi phạm, phá hoại, cản trở sự phát triển đất nước.
Phạm Văn Chung