TPHCM đang xây dựng dự thảo Quyết định phê duyệt quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn đến năm 2030. Sở Văn hóa và Thể thao là đơn vị được giao chủ trì việc soạn thảo và lấy ý kiến góp ý.
Cần gấp quy hoạch quảng cáo ngoài trời
Tại hội nghị phản biện xã hội dự thảo quyết định trên (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM tổ chức mới đây), ông Trần Thanh Vương, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM cho biết: Thành phố có 1441 vị trí cổ động chính trị (treo băng rôn, trụ, màn hình điện tử); 1603 vị trí chuyên để quảng cáo thương mại (bảng quảng cáo, trụ quảng cáo).
TPHCM cũng là địa phương có số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo chiếm tỷ lệ cao và không ngừng tăng lên qua các năm. Số liệu đến năm 2019 cho thấy, thành phố có gần 5.500 doanh nghiệp hoạt động trong ngành quảng cáo.
Tỷ lệ đóng góp của ngành quảng cáo với kinh tế TPHCM cao nhất trong các ngành công nghiệp văn hóa. Riêng năm 2020, ngành quảng cáo đóng góp 1,8% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) cho thành phố. Với quảng cáo ngoài trời, từ năm 2015 đến nay, 509 trụ quảng cáo đã mang về nguồn thu hơn 30.000 tỷ đồng.
Sở Văn hóa và Thể thao đánh giá, hoạt động quảng cáo ngoài trời tại TPHCM trong thời gian qua phát triển khá nhanh, gia tăng về số lượng, quy mô. Chưa kể, loại hình quảng cáo đang phát triển khá mạnh mẽ về chất lượng, công nghệ, hình thức.
Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TPHCM được lập từ năm 2003. Hiện nay có nhiều sự thay đổi về hình thức, phương tiện quảng cáo theo hướng hiện đại, nhu cầu quảng cáo phát sinh nhiều vị trí mới nên quy hoạch cũ không còn phù hợp với sự phát triển của đô thị. Do vậy, rất cần việc quy hoạch, định hướng phát triển hoạt động quảng cáo ngoài trời trong tương lai.
Việc chậm ban hành quy hoạch quảng cáo, theo Sở Văn hóa và Thể thao, đã dẫn đến một số khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, từ đó phát sinh nhiều quảng cáo không phép, trái phép.
Chưa kể, nhiều trụ quảng cáo không đảm bảo về cảnh quan, mỹ quan của khu vực, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, có thể gây nguy hiểm khi trời có mưa, giông, bão... Tình trạng quảng cáo sai sự thật, quảng cáo sai phép cũng diễn ra ở nhiều nơi.
Theo dự thảo quyết định trên, quy hoạch quảng cáo ngoài trời được thực hiện dựa trên cơ sở đề xuất của UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện tổng hợp từ nhu cầu, đăng ký thực hiện của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp quảng cáo.
Các vị trí quy hoạch quảng cáo ngoài trời sau khi phê duyệt sẽ được thông tin, phổ biến rộng rãi cho doanh nghiệp. TPHCM sẽ tổ chức đấu thầu công khai các vị trí trên đất công, doanh nghiệp có thể tham gia theo quy định pháp luật.
Trong giai đoạn 1 của quy hoạch (đến năm 2030), TPHCM sẽ có hơn 2.500 vị trí được quy hoạch quảng cáo ngoài trời. Trong đó, hơn 1.440 vị trí dùng để cổ động chính trị, hơn 1.000 vị trí để quảng cáo thương mại.
Các vị trí quảng cáo thương mại sẽ có các hình thức: Trụ độc lập; bảng ốp tường gắn vào công trình xây dựng có sẵn; màn hình điện tử; trụ bảng hiflex có đèn chiếu sáng; các hình thức khác như chợ, trung tâm thương mại, cây xăng, nhà chờ xe buýt…
Các quy định về khu vực không quảng cáo và hạn chế quảng cáo, quy chuẩn cụ thể cho từng hình thức như bảng quảng cáo đứng độc lập, bảng quảng cáo dọc theo tuyến đường trong đô thị, bảng gắn vào công trình… cũng được nêu chi tiết trong dự thảo.
Một bảng quảng cáo gắn vào công trình xây dựng trên đường Điện Biên Phủ, Quận 1, TPHCM. Ảnh: Lê Nam |
Bảo đảm giá trị văn hóa và an toàn
Tại hội nghị phản biện dự thảo, nhiều đại biểu cho rằng, trong quy hoạch quảng cáo ngoài trời, vấn đề giá trị văn hóa và sự an toàn cho người dân phải được đặt lên hàng đầu. Bởi thông qua các bảng quảng cáo, thể hiện được văn hóa của địa phương, đơn vị.
Theo bà Thi Thị Tuyết Nhung, nguyên Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM thì quy hoạch cần phải xác định rõ người dân được hưởng lợi gì, giá trị văn hóa như thế nào.
Các đại biểu đề nghị, quy hoạch này cần bổ sung nguyên tắc tôn trọng văn hóa, đạo đức, tâm lý, lối sống của người Việt Nam. Từ cơ sở này, nếu các đơn vị quảng cáo có những sản phẩm không phù hợp thuần phong mỹ tục, cơ quan Nhà nước có căn cứ để xử lý. Quy hoạch cũng cần bổ sung công trình kiến trúc bảo tồn, di tích lịch sử, bảo tồn thiên nhiên, dự trữ sinh quyển vào khu vực nghiêm cấm quảng cáo.
Để đảm bảo an toàn của người dân, bà Hoàng Thị Lợi, Phó Ban Tư vấn Dân chủ - Pháp luật (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Quận 1) đề xuất, đối với quận trung tâm, nội thành nên quảng cáo bằng đèn Led, 3D, hạn chế tối đa bảng quảng cáo kim loại để tránh rủi ro khi mưa, gió hoặc an toàn cháy nổ. Một số đại biểu khác đề nghị cấm dựng bảng quảng cáo ở khu dân cư và địa điểm sản xuất để đảm bảo an toàn tính mạng người dân.
Bàn về doanh thu từ quảng cáo ngoài trời, một số chuyên gia cho rằng, cần xã hội hóa trong việc quảng cáo để thực hiện nhiệm vụ chính trị. Theo đó, phía dưới các bảng cổ động chính trị có thể bố trí không gian nhỏ để thông tin đơn vị quảng cáo bên dưới. Nguồn thu này sẽ quay trở lại đầu tư cho các hoạt động văn hóa.
Nhiều chuyên gia cũng đề xuất bổ sung quy hoạch quảng cáo tại các đường vành đai, metro và đặc biệt ở các khu đất công. Việc quảng cáo tại đất công sẽ giúp tránh lãng phí đất công, tăng nguồn thu cho ngân sách, tăng hiệu quả tuyên truyền.
“Cần minh bạch đấu thầu để doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đều có cơ hội cạnh tranh công bằng, tạo ra môi trường văn hóa kinh doanh quảng cáo lành mạnh”, bà Thi Thị Tuyết Nhung đề xuất.
“Bà Phan Kiều Thanh Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM đề nghị đơn vị soạn thảo cần nghiên cứu để khi ban hành quy hoạch người dân dễ hiểu, dễ tiếp cận; bổ sung quy định phân cấp, phân quyền quản lý cho các đơn vị cấp huyện. Bên cạnh việc quy hoạch quảng cáo tạo ra nguồn thu để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội thì cần phải làm bật lên được giá trị văn hóa đặc trưng của TPHCM”.