TPHCM lập kế hoạch ôn tập cho học sinh khối 12: Chuẩn bị kĩ lưỡng

GD&TĐ - Hiện nay, các trường THPT tại TPHCM đang tập trung cho việc thi giữa kỳ II của học sinh.

Học sinh lớp 12 Trường Nam Việt, TPHCM trong giờ học. Ảnh: NTCC
Học sinh lớp 12 Trường Nam Việt, TPHCM trong giờ học. Ảnh: NTCC

Song song đó, nhiều trường cũng chuẩn bị kế hoạch ôn tập cho học trò khối 12 kỹ lưỡng. Học sinh sẽ được ôn tập theo chuyên đề, chủ đề, ôn tập trên Internet. 

Chủ động triển khai 

Lãnh đạo Trường TH-THCS-THPT Nam Việt, TPHCM cho hay, ngay từ năm học 11, nhà trường đã tổ chức dạy học theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh trong hai tổ hợp tự nhiên và xã hội để quen dần với cấu trúc của đề thi tốt nghiệp THPT.

Bước vào năm học 12, các em đã định hướng cho mình phương pháp học tập phù hợp ở lớp cũng như tự học ở nhà. Ngoài việc giúp các em nắm vững kiến thức của tất cả các môn học, trên cơ sở thông tin Bộ GD&ĐT sẽ giữ ổn định kỳ thi THPT nên ngay từ đầu năm học của lớp 12 nhà trường tập trung tăng cường việc ôn tập các môn thi bắt buộc và các tổ hợp thi cho học sinh.  Đặc biệt, công tác định hướng nghề nghiệp được nhà trường chú trọng từ đầu năm lớp 10, từ đó giúp học sinh khi đến lớp 12 tập trung thời gian nhiều hơn cho các môn thi theo định hướng nghề nghiệp đúng với năng lực, sở thích và nhu cầu của xã hội.

Em Phan Huỳnh Bảo Anh, học sinh lớp 12A2 (cơ sở 1 trường Nam Việt) chia sẻ, bên cạnh việc học tập các môn học bắt buộc, buổi tối học sinh sẽ tập trung ôn tập những môn học theo định hướng thi. Nhờ sự chuẩn bị kĩ lưỡng của thầy cô, chúng em khá tự tin trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT mà không cần đến sự hỗ trợ của các lớp học thêm ở bên ngoài. 

Thầy Nguyễn Văn Hùng, Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường Nam Việt cho biết: “Nhà trường thường xuyên tổ chức các cuộc họp toàn thể giáo viên, đặc biệt là giáo viên khối 12 để triển khai công tác chuyên môn, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ trong việc truyền tải kiến thức đến từng đối tượng học sinh. Ngoài ra, bên cạnh các khoa chuyên môn, nhà trường tổ chức các nhóm chuyên môn theo khối lớp. Các thầy cô chủ động họp bàn, thảo luận và định hướng phương pháp giảng dạy, hỗ trợ các em, đề ra các đề cương ôn tập, đề thi thử để phục vụ tốt nhất cho công tác ôn tập”.

Được biết, không chỉ cung cấp kiến thức, các trường còn quan tâm rèn luyện cho các em những kỹ năng làm bài. Trên cơ sở đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT tới đây, nhà trường dự kiến tổ chức hai lần thi thử để giúp học sinh tiếp cận với dạng đề thi theo cấu trúc của Bộ GD&ĐT đồng thời làm quen với tâm lý, không khí, thời gian làm bài thi, giúp phân loại năng lực học sinh để điều chỉnh cách dạy và học phù hợp.

Học sinh khối 12, Trường THPT Trần Hữu Trang, TPHCM trong giờ học. Ảnh minh họa: Công Chương
Học sinh khối 12, Trường THPT Trần Hữu Trang, TPHCM trong giờ học. Ảnh minh họa: Công Chương

Kết thúc học kỳ II sẽ bắt đầu tăng tốc

Ông Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm GDTX Chu Văn An (Quận 5) cho hay, hiện học trò đang thi giữa kỳ. Sau khi kết thúc thi giữa kỳ trung tâm sẽ có buổi họp với tổ bộ môn, giáo viên chủ nhiệm để hoàn thiện kế hoạch ôn tập cho khối 12 sẵn sàng cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT. 

Về cơ bản, kỳ thi vẫn giữ ổn định như năm 2020, nên đây là một thuận lợi khi mà ngay từ đầu năm học, học sinh đã được định hướng và đăng kí các tổ hợp thi dự kiến để phân lớp phù hợp. Trường có khoảng 500 học sinh khối 12, trong đó có 30% học sinh theo ban Tự nhiên, số còn lại đăng kí ban Xã hội.

Theo đó, dự kiến sau khi kết thúc học kỳ II trường sẽ có buổi họp cha mẹ học sinh. Dựa vào kết quả học tập trong một năm học của học sinh, nhất là học kỳ II, giáo viên sẽ tư vấn, định hướng cụ thể cho từng em. Ví dụ, với học lực này các em có thể đăng kí vào ĐH, CĐ hay có thể học trung cấp, học nghề. Hằng năm tỷ lệ vào ĐH của trung tâm chiếm gần 30%, còn lại các em học nghề, trung cấp hoặc làm công việc kinh doanh của gia đình. 

Song song với định hướng, toàn bộ học sinh lớp 12 sẽ tham gia ôn tập để sẵn sàng cho thi tốt nghiệp THPT. Dự kiến, ở giai đoạn sau khi kết thúc học kỳ II, các tổ bộ môn sẽ cho ôn tập theo chủ đề, chủ điểm, làm các dạng đề, đồng thời sẽ triển khai thêm phần mềm trực tuyến với các đề kiểm tra (cấu trúc tương tự như đề thi của Bộ GD&ĐT) để học sinh khối 12 làm. Dự kiến mỗi một môn/1 học sinh/tuần. Cụ thể như học sinh thi ban Tự nhiên, một tuần sẽ làm bài kiểm tra trực tuyến môn Toán, Hóa, Sinh, Lý. 

Tương tự, tại Trường THPT Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân), theo lãnh đạo nhà trường, hiện trường vẫn dạy học theo chương trình đúng quy định của Bộ GD&ĐT. Dự kiến, sau khi hoàn thành chương trình học kỳ II, trường bắt đầu tăng tốc ôn tập cho khối 12. Với những học sinh cần phụ đạo, các em sẽ tới trường để được thầy cô ôn tập trực tiếp. Với những học sinh khác, các em có thể kết hợp ôn tập trực tuyến. 

Thầy Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt (quận Tân Phú) chia sẻ, học sinh của trường vừa hoàn thành kiểm tra giữa kỳ II. Đây cũng là căn cứ để giáo viên các tổ bộ môn nắm xem tình hình học tập của khối 12 để có những củng cố về kiến thức phù hợp, với phương châm “học đến đâu, chắc đến đó”. 

Trường có hơn 600 học sinh khối 12, ngay từ khi vào trường các em đã có những đăng kí ban đầu về lựa chọn về theo Khoa học Tự nhiên hay Khoa học Xã hội để nhà trường xếp lớp phù hợp. Song song với dạy học theo kế hoạch năm học theo đúng quy định, trường lên kế hoạch ôn tập cho học sinh theo ban như tăng tiết và có những bài kiểm tra nhỏ. Sau khi kết thúc học kỳ II, học sinh bắt đầu tăng tốc ôn tập và trường sẽ tổ chức thi thử để cho các em tập dượt, làm quen với thi cử, chuẩn bị về mặt tâm lý cũng như nắm được việc ôn tập kiến thức của từng em ra sao để củng cố kịp thời. Theo kế hoạch, trường sẽ ôn tập cho học sinh tới sát ngày diễn ra kỳ thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...