Căn cứ vào số liệu các em đăng kí, sau khi hoàn tất chương trình học kỳ II, nhà trường sẽ bắt đầu xếp lớp và ôn tập để đảm bảo về kiến thức cũng như có được tâm lý tốt nhất trước kỳ thi năm 2016.
Hoàn tất chọn môn thi xét tốt nghiệp
Qua trao đổi với một số lãnh đạo các trường THPT được biết, phần đông HS khối 12 đăng ký chọn môn Lý, Hóa để xét tốt nghiệp, ở một số trường ngoại thành các em còn ưu tiên thêm môn Địa lý.
Theo đó, tại Trường THPT Nguyễn Khuyến (quận 10), trong tổng số 776 học sinh lớp 12 thì môn Lý có trên 500 em đăng ký; môn Hóa: Trên 300 em; môn Sinh: Trên 120 em; Địa: 92 em và Sử: 15 em.
Tương tự, học sinh khối 12 của Trường THPT Marie Curie (quận 3), cũng nghiêng về chọn lựa 3 môn Lý, Hóa, Sinh, còn môn Sử chỉ có 26 em đăng ký.
Trường THPT Nhân Việt (quận tân Phú) chủ yếu chọn môn Lý, Hóa, chỉ có 6 em chọn môn Sử. Tại Trường THPT Thủ Đức (quận Thủ Đức), với tổng số HS lớp 12 là 552 em, trong đó môn Lý có 261 em chọn, môn Hóa 180, môn Địa 88, môn Sử 10, môn Sinh học là 13 em.
Ở Trường THPT Ngô Gia Tự (quận 8) số học sinh lớp 12 chọn môn Hóa, Lý chiếm khoảng 66%, môn Địa khoảng 22%, môn Sinh và Sử khoảng 13%.
Còn tại Trường THPT Trưng Vương (quận 1), theo chia sẻ của cô Trương Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngay từ hết học kỳ I hầu hết các em đã có chọn lựa cho mình, đến nay theo thống kê nhà trường với khoảng 630 HS khối 12, các em hầu hết chọn môn Lý (khoảng 300 em), môn Hóa (230 em) môn Sử là 25 em, môn Địa lý là 58 em, môn Sinh học chỉ có 9 em chọn.
Mặc dù số học sinh chọn môn Sinh, Sử ít, thậm chí có môn chỉ có một vài em thì nhà trường vẫn tổ chức ôn ập chu đáo, kỹ lưỡng. “Chúng tôi vẫn họp với các thầy cô giáo bộ môn và giáo viên chủ nhiệm sau đó sẽ xếp lớp cho các em. Dù chỉ có 9 HS hay ít hơn thì vẫn có lớp để các em được ôn tập để đảm bảo kiến thức cho kỳ thi tới” - Cô Bích Thủy nói.
Tương tự, theo thầy Nguyễn Hữu Diệu - Hiệu trưởng Trường THPT Thủ Đức (quận Thủ Đức) - chia sẻ: Sau khi học kỳ II kết thúc, nhà trường sẽ phân chia lớp để các em ôn tập, dù môn Sử hay môn Sinh học chỉ có 10 -13 em đăng kí thi nhưng nhà trường vẫn bố trí lớp ôn tập đến khoảng 25/6.
Theo thầy Diệu, với kinh nghiệm từ năm trước, mọi khâu chuẩn bị cho Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 theo tôi nghĩ sẽ hiệu quả hơn, chu đáo hơn và với phương châm là không tạo áp lực cho các em, giúp các em tự tin ôn tập, tự tin với khả năng của mình, tâm lý vững vàng trước kỳ thi quan trọng.
Thầy cô bộ môn chủ động cho các em ôn tập
Dựa theo cấu trúc đề thi năm 2015 cùng với hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về nội dung ôn tập, các trường đã chủ động đổi mới cách dạy cũng như ôn tập sát chương trình.
Qua tìm hiểu ở một số trường, ngay từ đầu năm học 2015 - 2016, đa phần học sinh lớp 12 đã làm quen với cách dạy, cách học theo hướng mở, gắn kiến thức đã học với thực tiễn ứng dụng, giải quyết các vấn đề mà cuộc sống đặt ra.
Theo thầy Đỗ Đức Anh - Giáo viên bộ môn Văn Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1), việc nhồi nhét kiến thức sẽ không mang lại hiệu quả cho các em ở giai đoạn nước rút này.
Thầy cô trong quá trình dạy sẽ kết hợp ôn tập những kiến thức căn bản ngoài ra, các thầy cô cũng phải thực sự nắm bắt những sự kiện xung quanh đang diễn ra để hướng cho các em tới những vấn đề mở.
Thầy Đức Anh lưu ý các em HS về các vấn đề cần chú ý như: Lời bài hát truyền lửa của nhạc sĩ, ca sĩ Trần Lập - Tâm hồn của đá: “Đừng sống giống như hồn đá, giống như hòn đá. Sống không một tình yêu, sống chỉ biết riêng mình. Tâm hồn luôn băng giá”; hay bài hát Đường đến vinh quang có câu: “Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng. Bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai”.
Lời của GS Văn Như Cương dặn dò HS về người tử tế; “chú lính chì” Thiện Nhân và câu chuyện chiến công giữa đời thường; Thần đồng Đỗ Nhật Nam và câu chuyện học tiếng Việt, tiếng Anh; Trách nhiệm của tuổi trẻ trong việc giữ gìn chủ quyền đất nước, tình yêu biển đảo…
Thời cơ và thách thức của Việt Nam khi gia nhập TPP, biển đổi khí hậu và ngập mặn ở Nam Bộ, Chiến tranh biên giới 1979… Hay như bộ phim gây sốt Hậu duệ của mặt trời.
Đồng quan điểm đó, cô Ngọc Trang - Giáo viên môn Văn Trường THPT Nguyễn Khuyến (quận 10) - cho rằng: Ở giai đoạn này, ngoài hệ thống kiến thức căn bản theo chương trình sách giáo khoa, học sinh còn được mở rộng, tiếp cận các tác phẩm văn học để rèn luyện kỹ năng đọc hiểu, cảm thụ văn học.
Các em cần trao đổi với giáo viên, với bạn bè nhiều hơn, sôi nổi tham gia thuyết trình, bày tỏ suy nghĩ, quan điểm về các vấn đề thời sự xã hội, liên hệ thực tiễn cũng như cách giải quyết vấn đề mà cuộc sống đặt ra.
Qua kinh nghiệm từ năm 2015, qua trao đổi với các lãnh đạo nhiều trường THPT, hầu hết họ đều đặt quan điểm, không nhồi nhét kiến thức mà ôn tập cho các em với tinh thần thoải mái nhất, giúp các em tự tin vào khả năng của mình để giải quyết các yêu cầu của đề thi.
Vì thế, hầu hết các trường chờ học kỳ II kết thúc mới bắt đầu tổ chức ôn tập cho các em, cô Trương Thị Bích Thủy - Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương - cho hay:
Ngay sau khi học kỳ II kết thúc, trường bắt đầu xếp lớp để ôn tập, những môn có học sinh đăng kí đông như môn Lý, môn Hóa, các tổ bộ môn sẽ chia thành nhiều lớp để ôn tập theo trình độ của nhóm các HS, dự kiến một lớp khoảng 20 - 25 em, những HS có học lực yếu, kém sẽ được lọc ra để các thầy cô bổ sung kiến thức, phụ đạo thêm. Dự kiến nhà trường sẽ ôn tập đến ngày 25/6.