TPHCM kỳ vọng với đề án “Giáo dục thông minh và học tập suốt đời”

GD&TĐ - Đề án hướng đến mục tiêu tạo nguồn nhân lực cho TP thông minh, hiện đại và hội nhập quốc tế, đồng thời hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận giáo dục và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục thông minh.

Học sinh Trường THPT Trần Hữu Trang (TPHCM) làm bài kiểm tra đánh giá bằng hình thức trực tuyến trên hệ thống 789.vn
Học sinh Trường THPT Trần Hữu Trang (TPHCM) làm bài kiểm tra đánh giá bằng hình thức trực tuyến trên hệ thống 789.vn

UBND TPHCM đã có quyết định phê duyệt đề án "Giáo dục thông minh và học tập suốt đời tại TPHCM giai đoạn 2021-2030".

Đề án này hướng đến mục tiêu tạo nguồn nhân lực cho thành phố thông minh, hiện đại và hội nhập quốc tế; hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận giáo dục; nâng cao nhận thức của mọi người trong xã hội về tầm quan trọng của giáo dục thông minh.

Giúp người học dễ dàng tiếp cận nguồn học liệu

Đề án được ra làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 2021-2025: Xây dựng hệ thống quản lý giáo dục, dạy học thông minh, như cơ sở dữ liệu ngành giáo dục thành phố, kết nối các trường, điều hành hoạt động giáo dục với giải pháp công nghệ thông tin qua trung tâm điều hành, sổ sách điện tử, hệ thống quản trị trường, lớp, cơ sở vật chất phải liên thông, đồng bộ và chia sẻ. Dạy học và kiểm tra đánh giá thông minh, lớp học thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) xây dựng phần mềm dạy học, dạy học trực tuyến…

Giai đoạn 2025-2030: Xây dựng chương trình dạy học hiện đại: STEM, tự động hóa ứng dụng, các chương trình cơ bản về AI…; xây dựng phòng thí nghiệm ứng dụng phần mềm mô phỏng, thí nghiệm hiện đại; ứng dụng AI và BigData xây dựng hệ thống thi, kiểm tra khảo sát...

Đề án cũng đưa ra 4 nhiệm vụ giải pháp thực hiện: Xây dựng hệ thống quản lý giáo dục, dạy học thông minh; Xây dựng hệ thống giáo dục thông minh (về học liệu và phần mềm) đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên cho các trung tâm học tập cộng đồng; Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, thi đua thực hiện giáo dục thông minh, học tập suốt đời; Huy động các nguồn lực tham gia phát triển giáo dục thông minh như xã hội hóa giáo dục, sự hỗ trợ các tổ chức quốc tế…

Về hiệu quả kinh tế-xã hội, đề án cho rằng khi triển khai sẽ hình thành cơ sở giáo dục phổ thông thông minh, hệ thống giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng tiên tiến… giúp người học dễ dàng tiếp cận nguồn học liệu, các thông tin dịch vụ giáo dục, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho học tập và học tập suốt đời.

Bên cạnh đó, hệ thống quản trị giáo dục thông minh sẽ giúp cho các cơ quan quản lý giáo dục ra quyết định kịp thời dựa trên khả năng phân tích dữ liệu lớn, quản lý theo dõi hiệu quả hoạt động của toàn bộ mạng lưới dịch vụ giáo dục trên toàn TP, tăng khả năng ứng phó nhanh với các tình huống biến động, chia sẻ phương pháp dạy học mới, hiện đại, hiệu quả, đào tạo từ xa, giúp cho hệ thống giáo dục của TP dễ dàng hội nhập với khu vực và thế giới…

Đội ngũ nhà giáo đóng vai trò quan trọng

Trước đó, trao đổi với GD&TĐ,  TS Lê Hồng Sơn - nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng, điều kiện quan trọng nhất để GD thông minh triển khai thành công là đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GD.

Ngành Giáo dục TPHCM trong thời gian qua đã rất tích cực phối hợp, tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn các thầy cô giáo sử dụng các phần mềm, các thiết bị dạy học tiên tiến, hiện đại vào đổi mới công tác quản lí nhà trường, lớp học, đổi mới hình thức tổ chức dạy – học, kiểm tra – đánh giá.

Cán bộ quản lí phải thấy tầm quan trọng của CNTT&TT để mạnh dạn ứng dụng trong công tác quản lí, điều hành nhà trường, thúc đẩy, tạo điều kiện cho các thầy cô giáo sử dụng một cách hiệu quả. Từng giáo viên cũng phải nâng cao nhận thức, chủ động học tập, bồi dưỡng, tích cực sử dụng để các thành quả của CNTT&TT phục vụ một cách đắc lực, hiệu quả cho hoạt động giảng dạy của thầy và học tập của trò.

"Đối với học sinh, các em vừa là đối tượng thụ hưởng, vừa là chủ thể thực hiện giáo dục thông minh. Học sinh TPHCM rất năng động, sáng tạo và đã được tiếp cận sớm với CNTT&TT. Vấn đề là hướng các em nhận thức đúng về vai trò và tác dụng của CNTT&TT; phải sử dụng để hỗ trợ hoạt động học tập, nghiên cứu, tìm kiếm kiến thức; mở rộng mối quan hệ, hợp tác, giao lưu trên không gian mạng một cách tích cực, hiệu quả; hỗ trợ việc giải trí ở mức độ vừa phải; tránh lạm dụng các thiết bị điện tử hiện đại, có cách ứng xử văn hóa, văn minh trên mạng xã hội. Các em phải hiểu, nhận thức đúng mới có khả năng tận dụng các thiết bị hiện đại, tiên tiến một cách hiệu quả" -  TS Lê Hồng Sơn nhận định.

PGS.TS Bùi Văn Hồng (Viện trưởng Viện Sư phạm kỹ thuật, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM) cho rằng, TPHCM là một trung tâm văn hóa, kinh tế, giáo dục và công nghệ lớn nhất nước. Việc đầu tư phát triển giáo dục thông minh sẽ gặp rất nhiều thuận lợi và khả năng thành công sẽ cao hơn so với nhiều địa phương khác.

Bên cạnh đó, Giáo dục TPHCM luôn nhận được sự quan tâm của nhiều tập đoàn công nghệ và tổ chức giáo dục trong nước và quốc tế, nên cũng rất thuận lợi trong việc học tập và kế thừa kinh nghiệm để xây dựng và phát triển giáo dục thông minh. Đặc biệt là sự năng động của các cơ sở giáo dục, sự đa dạng người học và loại hình học tập là cơ sở quan trọng để phát triển giáo dục thông minh  trong bối cảnh hiện nay.

"Tuy nhiên, TPHCM quá rộng, với nhiều loại hình đào tạo và đa dạng về cơ sở giáo dục. Đây là một thách thức không nhỏ cho việc triển khai GD thông minh của TP..." - PGS.TS Bùi Văn Hồng chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.