TS Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM: Thời cơ đặc biệt để phát triển giáo dục thông minh

GD&TĐ - Kể từ ngày đất nước thống nhất, TPHCM đã bứt phá, trở thành lá cờ đầu trong đổi mới, sáng tạo mang lại hiệu quả cao phục vụ đời sống của người dân.

TS Lê Hồng Sơn (bìa phải) cùng lãnh đạo TPHCM thực hiện nghi thức vận hành Trung tâm Điều hành Giáo dục thông minh (tháng 2/2020).
TS Lê Hồng Sơn (bìa phải) cùng lãnh đạo TPHCM thực hiện nghi thức vận hành Trung tâm Điều hành Giáo dục thông minh (tháng 2/2020).

Tiếp nối thành công cũng như hòa nhập xu thế toàn cầu, TP hướng đến xây dựng đô thị hiện đại, khởi đầu là nền GD thông minh. TS Lê Hồng Sơn - Thành ủy viên, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM chia sẻ với Báo GD&TĐ về trăn trở, kế hoạch trong quá trình chuyển đổi của ngành cũng như đội ngũ nhà giáo.

Triển khai nhiều đề án về GD thông minh

- TPHCM đang triển khai Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh”. Ngành GD-ĐT TP có những kế hoạch gì để hòa cùng chủ trương này, thưa ông?

-Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu và đang tích cực đẩy nhanh quá trình xây dựng đô thị thông minh trong bối cảnh toàn cầu đang chịu tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ngành Giáo dục thành phố trong nhiệm kỳ qua đưa ra nhiều giải pháp nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT) trong công tác quản lý và giảng dạy.

Các Đề án “Xây dựng Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh”, “Mô hình trường học thông minh” (dự kiến thí điểm tại 5 trường THPT), “Mô hình quản lý giáo dục mầm non thông minh” (dự kiến thí điểm tại 2 quận) đã được UBND thành phố thông qua chủ trương đầu tư trong Đề án chung “Đô thị thông minh”.

UBND TPHCM cũng thông qua Đề án “Nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng ứng dụng tin học cho học sinh phổ thông TPHCM theo định hướng chuẩn quốc tế giai đoạn 2020 - 2030”. Đây là cơ sở giúp giáo dục thành phố đào tạo học sinh đạt các chuẩn về tin học quốc tế, kỹ năng rất quan trọng trong thời kỳ hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tất cả đề án trên được khái quát trong Đề án “Giáo dục thông minh và học tập suốt đời giai đoạn 2020 - 2030” vừa được Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI thông qua.

TS Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, phát biểu tại một sự kiện.
TS Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, phát biểu tại một sự kiện.

- Ông có thể chia sẻ thêm về những giải pháp và bước đi cụ thể trong định hướng xây dựng giáo dục thông minh?

- Giáo dục thông minh là chủ trương lớn có tính chiến lược. TPHCM đã và đang triển khai nhiều cấu phần của nội dung này như xây dựng hệ thống dữ liệu dùng chung, đáp ứng khả năng khai thác một cách linh hoạt, chính xác và kịp thời phục vụ công tác quản lý, điều hành, nghiên cứu…; đổi mới hình thức dạy – học, kiểm tra – đánh giá, xây dựng Kho tài nguyên học liệu số; đưa một số tiện ích trong học tập và sinh hoạt có ứng dụng CNTT&TT như thư viện điện tử, phòng thí nghiệm ảo, các app điều hành, công nghệ thẻ chip điện tử giúp điểm danh tự động, mua hàng tự động, quản lý đi xe buýt và tăng cường kết nối với gia đình... Ngành Giáo dục TPHCM xác định phải đi đầu, tiên phong trong chuyển đổi số và xem đây là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của giai đoạn mới.

Các đề án Giáo dục thông minh mà Sở GD&ĐT TPHCM đã và đang trình thành phố phê duyệt nhằm đảm bảo các điều kiện cơ bản để hoạt động này được đồng bộ và có sức lan tỏa mạnh hơn. Trước hết là sự đồng bộ về cơ sở dữ liệu mà Trung tâm Điều hành Giáo dục thông minh sẽ mang lại. Đây cũng là cơ sở để Kho Tài nguyên học liệu số được hình thành, sẵn sàng chia sẻ, phục vụ việc tự học của học sinh và học tập suốt đời của người dân.

Đề án “Mô hình trường học thông minh” với 5 trường THPT được chọn để thí điểm cùng Đề án “Trường học thông minh – Trường học không tiền mặt” tại 2 trường THCS nhằm xây dựng mô hình giáo dục thông minh chuẩn với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, tiện ích được đầu tư, trang bị một cách đồng bộ. Đây sẽ là cơ sở để nhà trường đầu tư, xây dựng và trang bị trong thời gian tới.

Ngành Giáo dục TPHCM tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với các đơn vị để triển khai một số hoạt động cụ thể. Đó là chương trình hợp tác với Tập đoàn AIC, Viettel TPHCM, VNPT, Đại học Quốc gia TPHCM, Trung tâm Phần mềm Quang Trung, Viện Nghiên cứu thiết kế trường học (Bộ GD&ĐT), công ty phần mềm… nhằm đảm bảo cơ sở vật chất, hạ tầng truyền thông, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành, bản đồ GIS về giáo dục của TP, các phần mềm hỗ trợ dạy – học, xây dựng mạng xã hội học tập, đổi mới trong kiểm tra – đánh giá, nghiên cứu về công tác quản lý Nhà nước về chuyển đổi số trong giáo dục…

Việc ứng dụng công nghệ trong dạy học được cho là sẽ giải phóng sức lao động của GV.
Việc ứng dụng công nghệ trong dạy học được cho là sẽ giải phóng sức lao động của GV.

Con người là trung tâm của GD thông minh

- Vậy, giáo viên và học sinh có vai trò như thế nào trong nền giáo dục thông minh?

- Điều kiện quan trọng nhất để GD thông minh triển khai thành công là đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GD. Ngành Giáo dục TPHCM trong thời gian qua đã tích cực phối hợp, tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn các thầy cô giáo sử dụng các phần mềm, các thiết bị dạy học tiên tiến, hiện đại vào đổi mới công tác quản lý nhà trường, lớp học, đổi mới hình thức tổ chức dạy – học, kiểm tra – đánh giá.

Cán bộ phải thấy tầm quan trọng của CNTT&TT để mạnh dạn ứng dụng trong công tác quản lý, điều hành nhà trường, thúc đẩy, tạo điều kiện cho các thầy cô giáo sử dụng một cách hiệu quả. Từng giáo viên cũng phải nâng cao nhận thức, chủ động học tập, bồi dưỡng, tích cực sử dụng để các thành quả của CNTT&TT phục vụ một cách đắc lực, hiệu quả cho hoạt động giảng dạy của thầy và học tập của trò.

Đối với học sinh, vừa là đối tượng thụ hưởng, vừa là chủ thể thực hiện giáo dục thông minh. Học sinh TPHCM rất năng động, sáng tạo và được tiếp cận sớm với CNTT&TT. Vấn đề là hướng các em nhận thức đúng về vai trò và tác dụng của CNTT&TT. Phải sử dụng để hỗ trợ hoạt động học tập, nghiên cứu, tìm kiếm kiến thức; mở rộng mối quan hệ, hợp tác, giao lưu trên không gian mạng một cách tích cực, hiệu quả; hỗ trợ việc giải trí ở mức độ vừa phải; tránh lạm dụng các thiết bị điện tử hiện đại, có cách ứng xử văn hóa, văn minh trên mạng xã hội. Các em phải hiểu, nhận thức đúng mới có khả năng tận dụng các thiết bị hiện đại, tiên tiến một cách hiệu quả.

- Những thuận lợi, khó khăn mà ngành GD TPHCM gặp phải trong quá trình xây dựng giáo dục thông minh là gì, thưa ông?

- TPHCM có nhiều thuận lợi khi xây dựng GD thông minh. Đầu tiên là sự quan tâm, ưu tiên của lãnh đạo thành phố. Thành ủy, UBND đã xác định giáo dục và y tế phải được ưu tiên hàng đầu trong xây dựng đô thị thông minh. Bản thân ngành Giáo dục cũng có nhiều giải pháp đẩy mạnh ứng dụng CNTT&TT, mà điển hình là Kiến trúc tổng thể về ứng dụng CNTT&TT của ngành GD-ĐT TPHCM được triển khai từ sớm (cuối năm 2017) và hàng loạt các đề án, chương trình đã và đang triển khai. Giáo viên và học sinh thành phố cũng sử dụng thành thạo các thiết bị hiện đại, tiên tiến. Thành phố cũng thu hút nhiều công ty, doanh nghiệp hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực chuyển đổi số…

Bên cạnh đó, ngành Giáo dục TP cũng có những thách thức khi thực hiện GD thông minh. Trước hết là kỳ vọng của lãnh đạo và nhân dân thành phố. Kỳ vọng ấy đến từ nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, chất lượng quốc tế để đảm bảo sự phát triển bền vững, mạnh mẽ trong thời gian tới. Ngành Giáo dục đang có những khó khăn nhất định trong quản lý, đặc biệt là về cơ sở dữ liệu ngành, trong điều kiện các cơ sở GD đã chủ động phối hợp với nhiều doanh nghiệp để phát triển các tiện ích hỗ trợ hoạt động quản lý và dạy – học trong nhà trường. Đầu tư cho lĩnh vực chuyển đổi số cũng đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn, ngành Giáo dục thành phố xác định, phải có sự phối hợp giữa ngân sách của thành phố và công tác xã hội hóa giáo dục…

Tuy nhiên, Giáo dục TPHCM xác định, đây là thời cơ đặc biệt thuận lợi để toàn ngành đẩy mạnh xây dựng GD thông minh. Ngành GD-ĐT TP tiếp tục tiên phong trong công tác chuyển đổi số và xây dựng giáo dục thông minh; là mô hình hiệu quả để tham gia vào quá trình xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh. Tôi tin tưởng, với quyết tâm của toàn ngành và sự vào cuộc của các cấp chính quyền, đơn vị, cá nhân, giáo dục TPHCM đã sẵn sàng để bước vào kỷ nguyên số một cách tự tin nhất, tận dụng tốt nhất thời cơ mà cuộc CMCN lần thứ tư mang lại để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho thành phố và cả nước.

- Xin cám ơn ông!

TPHCM là trung tâm văn hóa, kinh tế, giáo dục và công nghệ lớn nhất nước. Việc đầu tư phát triển giáo dục thông minh sẽ gặp rất nhiều thuận lợi và khả năng thành công cao hơn so với nhiều địa phương khác. Bên cạnh đó, giáo dục TPHCM luôn nhận được sự quan tâm của nhiều tập đoàn công nghệ và tổ chức giáo dục trong nước và quốc tế, nên cũng rất thuận lợi trong việc học tập và kế thừa kinh nghiệm để xây dựng và phát triển giáo dục thông minh.
Đặc biệt là sự năng động của các cơ sở giáo dục, sự đa dạng người học và loại hình học tập là cơ sở quan trọng để phát triển giáo dục thông minh trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, TPHCM quá rộng, với nhiều loại hình đào tạo và đa dạng về cơ sở giáo dục. Đây là một thách thức không nhỏ cho việc triển khai GD thông minh nơi đây. - PGS.TS Bùi Văn Hồng, Viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật (Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.