Xây dựng nền giáo dục thông minh ở thành phố mang tên Bác: Lan tỏa trong cộng đồng

GD&TĐ - Trên nền tảng công nghệ thông tin (CNTT), cùng với sự sáng tạo, linh hoạt của giáo viên, việc dạy học trở nên hiệu quả, hấp dẫn hơn.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Du, Quận 1 tham gia tiết học được phép sử dụng điện thoại. Các em quét mã QR Code được giáo viên mã hóa để vào bài học. Ảnh: P.Nga
Học sinh Trường THCS Nguyễn Du, Quận 1 tham gia tiết học được phép sử dụng điện thoại. Các em quét mã QR Code được giáo viên mã hóa để vào bài học. Ảnh: P.Nga

Những mô hình giáo dục đổi mới sáng tạo của giáo viên TPHCM đã lan tỏa đến nhiều trường học trên cả nước. 

Mở rộng dự án dạy học thông minh

Được triển khai từ năm học 2018 - 2019, đến nay dự án Thắp sáng tri thức của nhóm học sinh và giáo viên Trường Tiểu học - THCS - THPT Việt - Úc (cơ sở Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận) vẫn tiếp tục được duy trì và lan tỏa đến nhiều nơi khác.

Thầy Nguyễn Lý Thủy, một trong những giáo viên đồng hành cùng học sinh từ ngày đầu triển khai chia sẻ: Thực hiện dự án vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn để làm ra sản phẩm là chiếc đèn bàn chạy bằng năng lượng mặt trời, học sinh trường trưởng thành lên rất nhiều.

Đến nay, dự án đã huy động được hơn 300 triệu đồng và tặng hơn 250 đèn bàn cho trẻ em ở vùng sâu, vùng xa của các tỉnh Đắk Lắk, An Giang, Điện Biên, Kiên Giang. Dự án cũng chuẩn bị nguồn lực để tặng 1.000 đèn bàn trong các năm tiếp theo.

Song song với việc xây dựng các nhóm học sinh lắp ráp đèn tại trường, dự án cũng tìm kiếm nhóm vệ tinh ở những vùng miền khác nhau để cùng thực hiện. Nhóm học sinh ở Trường THPT chuyên Chu Văn An (Lạng Sơn) đã vào cuộc với dự án, lắp ráp 20 đèn tặng cho học sinh ở Nậm Pan, Điện Biên. Để làm được điều đó, học sinh Trường Việt - Úc đã tích cực ứng dụng CNTT để lan tỏa dự án và kết nối với học sinh ở Lạng Sơn, đồng thời thực hiện video về quy trình lắp ráp đèn và gửi hướng dẫn cho các bạn.

Theo thầy Nguyễn Lý Thuỷ, dự án không chỉ là nơi trao yêu thương đến học sinh những nơi chưa có điện lưới quốc gia mà còn mang nhiều lợi ích cho những em tham gia. Học sinh tham gia dự án không chỉ biết áp dụng kiến thức (Toán học, Vật lý, Kinh doanh, Giáo dục công dân...) đã học, vận dụng vào thực tiễn, tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh có ích cho cộng đồng, mà còn có cơ hội để nhìn lại chính bản thân. Các em cảm nhận những giá trị mà mình đang nhận được, thêm yêu mến gia đình, trường học, bạn bè. Qua đó, nhân lên lòng yêu thương đồng bào và có trách nhiệm hơn với cộng đồng.

Cùng với làm đèn năng lượng mặt trời và tặng đèn, Trường Việt - Úc còn tổ chức quyên góp và tái sử dụng những cuốn sách/ truyện cũ để hình thành 1 thư viện cộng đồng với thông điệp “Một cuốn sách được tái sử dụng thì một cây xanh không bị chặt đi để in sách”. Đến nay, dự án quyên góp được hơn 1.000 cuốn sách/ truyện. Học sinh đã thực hiện việc trồng cây xanh bằng cách gửi cây giống cho bạn bè vùng Tây Nguyên, Tây Nam Bộ để trồng trong vườn nhà của mình. Bằng cách đó các em đã trồng được 1.185 cây xanh.

Thông qua CLB Tin học của nhà trường, cô giáo Hồ Thị Sen, giáo viên Trường Tiểu học Bế Văn Đàn, Cư M"gar, Đắk Lắk đã thực hiện dự án Trao yêu thương - Gặt kỹ năng tham dự Diễn đàn giáo dục sáng tạo Education Exchange 2020 do Microsoft đồng hành cùng Cục Công nghệ Thông tin (Bộ GD&ĐT) tổ chức. Ảnh: P.Nga
Thông qua CLB Tin học của nhà trường, cô giáo Hồ Thị Sen, giáo viên Trường Tiểu học Bế Văn Đàn, Cư M"gar, Đắk Lắk đã thực hiện dự án Trao yêu thương - Gặt kỹ năng tham dự Diễn đàn giáo dục sáng tạo Education Exchange 2020 do Microsoft đồng hành cùng Cục Công nghệ Thông tin (Bộ GD&ĐT) tổ chức. Ảnh: P.Nga 

Chia sẻ, trao đổi với đồng nghiệp

Cô Nguyễn Thị Diến, giáo viên Trường THPT Nguyễn An Ninh TPHCM - một trong ba giáo viên nhận được vé tham dự Diễn đàn Giáo dục toàn cầu năm 2019 diễn ra tại Paris, Pháp - chia sẻ: Tham gia sân chơi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng CNTT, tôi có cơ hội học hỏi, chia sẻ và tiếp cận được với phương pháp dạy học tiên tiến, bắt kịp với xu thế thế giới, đặc biệt là việc ứng dụng CNTT vào dạy học.

Bước ra khỏi dự án và cuộc thi, nhiều giáo viên đã cùng kết nối và tham gia Cộng đồng GV sáng tạo Việt Nam, cũng như một số cộng đồng giáo dục khác để cùng chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi và hỗ trợ lẫn nhau trong chuyên môn, ứng dụng CNTT vào giảng dạy. Bản thân cô Diến cũng chủ động tìm tòi, tự đăng kí các các khóa học về đổi mới dạy học, tự học tiếng Anh, tìm hiểu các phần mềm dạy học, công cụ hỗ trợ để tạo nền tảng vững chắc trong việc đổi mới, sáng tạo dạy học.

“Hiện, tôi tham gia một số cộng đồng giáo dục trong và ngoài nước, luôn sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm của mình cho đồng nghiệp, cũng như học hỏi được từ các đồng nghiệp rất nhiều. Nhất là thời điểm dịch Covid-19 khi học sinh tạm dừng đến trường, mọi người đã cùng nhau chia sẻ các ứng dụng, công cụ, kho học liệu, nguồn tài liệu để hỗ trợ cho dạy học trực tuyến hiệu quả”, cô Diến cho biết.

Thầy Vũ Hoàng Sơn, giáo viên Trường Tiểu học Bình Hoà (quận Bình Thạnh) từng tham gia cuộc thi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng CNTT cấp quốc gia năm 2016 với phần mềm “Học Lịch sử lớp 4 trực tuyến”. Đến nay, phần mềm của thầy Sơn được chia sẻ cho nhiều đồng nghiệp khác để cùng triển khai. Thầy Sơn tâm sự: Trước đây, tôi chưa có kỹ năng về ứng dụng CNTT, làm clip, mã hóa bài dạy để thành mã code, dạy học trực tuyến… Tuy nhiên, trước đòi hỏi của đổi mới giáo dục, nhu cầu của học sinh, tôi đã chủ động tìm tòi, đăng kí các lớp ngắn hạn trực tuyến, trực tiếp để học. Thậm chí còn theo học văn bằng 2 sư phạm Tin học.

Sau này, thầy Sơn là một trong những giáo viên tiểu học đi đầu trong ứng dụng CNTT và luôn sẵn sàng chia sẻ với các đồng nghiệp. Không chỉ dừng lại ở dạy học, thầy còn mày mò nghiên cứu, tìm hiểu và tận dụng những vật dụng sẵn có để tự làm ra chiếc máy rửa tay tự động đặt ở lớp học do mình phụ trách, để phòng dịch bệnh Covid-19. Sáng tạo của thầy cũng đã được đánh giá cao và lan tỏa ra nhiều trường bạn.

Theo thầy Sơn, việc tham gia cộng đồng giáo viên sáng tạo, cùng trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau, nhất là trong ứng dụng các phần mềm dạy học trực tuyến, chia sẻ cách thực hiện những dự án dạy học, nguồn học liệu, tận dụng CNTT trong giảng dạy… Chính CNTT đã kết nối giáo viên, từ Bắc vào Nam, từ miền núi tới miền xuôi… cùng chuyển động với cuộc cách mạng 4.0. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.