Theo Sở GD-ĐT, năm học 2020 – 2021, chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới đã được thực hiện đối với lớp 1. Ngay sau khai giảng năm học mới, Sở GD-ĐT TP đã đi nắm tình hình thực tế tại một số trường tiểu học trên địa bàn thành phố và nhận thấy hầu hết các nhà trường đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình lớp 1 phù hợp với điều kiện thực tiễn của trường;
Giáo viên lớp 1 bước đầu đã áp dụng được các phương pháp, kĩ thuật dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; nề nếp dạy học bước đầu đã ổn định, tạo được sự chủ động, tự tin trong học tập cho học sinh lớp 1 đối với hầu hết các môn học, hoạt động giáo dục theo chương trình, SGK mới.
Bên cạnh những thuận lợi, việc triển khai chương trình, SGK lớp 1 còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, theo phản ánh của một số giáo viên, cha mẹ học sinh, chương trình, SGK môn Tiếng Việt lớp 1 còn gặp khó khăn trong quá trình tổ chức dạy và học.
Để có thể hỗ trợ giáo viên, phụ huynh, đặc biệt là học sinh khắc phục và vượt qua giai đoạn khó khăn, Sở yêu cầu trưởng phòng GD-ĐT triển khai cho các trường tiểu học trên địa bàn căn cứ vào điều kiện thực tế của nhà trường, thực tế đối tượng học sinh lớp 1 để chủ động xây dựng kế hoạch dạy học cho phù hợp.
Đối với giáo viên lớp 1, chú ý tận dụng tối đa các tiết thực hành, ôn tập, ôn luyện để hỗ trợ, hướng dẫn học sinh hình thành các kĩ năng cơ bản, hỗ trợ học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập.
Căn cứ vào yêu cầu cần đạt của từng môn học/hoạt động giáo dục trong chương trình GDPT 2018, linh hoạt xác định yêu cầu cần đạt theo từng “chặng” (GHKI, CHKI, GHKII, CN hoặc CHKI, CN) để giúp học sinh nắm vững các kiến thức, kĩ năng của môn học/hoạt động giáo dục.
Trên cơ sở xác định yêu cầu cần đạt theo từng “chặng”, linh hoạt điều chỉnh nội dung dạy học sao cho gần gũi, dễ hiểu, phù hợp với đối tượng học sinh.
Chú trọng đổi mới phương pháp, kĩ thuật, hình thức tổ chức các hoạt động dạy học, sử dụng linh hoạt các thiết bị dạy học, thiết kế một số trò chơi học tập nhằm kích thích hứng thú học tập của học sinh.
Chú trọng dạy học phân hoá đối tượng, không đặt ra yêu cầu cần đạt chung đối với các đối tượng học sinh khác nhau trong lớp ở giai đoạn đầu năm học, tránh gây áp lực với một số em tiếp thu bài chưa tốt, chưa nhớ bài. Nắm kĩ đặc điểm từng học sinh để có biện pháp giáo dục phù hợp.
Sở GD-ĐT cũng lấy ví dụ, đối với môn Tiếng Việt lớp 1, giai đoạn đầu năm học, giáo viên có thể điều chỉnh giảm yêu cầu cần đạt ở một số kĩ năng.
Đối với kĩ năng đọc đoạn, những học sinh đọc chưa tốt chỉ yêu cầu các em đọc được từ ngữ có chứa âm/chữ/vần mới, tiến tới đọc câu ngắn.
Những học sinh này có thể vừa đánh vần vừa đọc. Đối với kĩ năng viết, với những học sinh viết chưa tốt chỉ yêu cầu các em viết được chữ ghi âm mới, bước đầu hướng tới viết đúng độ cao, độ rộng, chưa đặt ra yêu cầu viết đẹp hoặc viết được các chữ ghi tiếng, ghi từ.
Yêu cầu về các kĩ năng này sẽ được nâng cao dần qua từng “chặng” học tập tiếp sau.
Ghi nhận sự tiến bộ, cố gắng cho dù nhỏ của từng học sinh. Có biện pháp động viên, khen ngợi kịp thời để khuyến khích học sinh hoàn thành các nhiệm vụ học tập. Tuyệt đối không chê bai hay phê bình học sinh.
Làm tốt công tác phối hợp với phụ huynh bằng nhiều hình thức. Thông qua cuộc họp cha mẹ học sinh đầu năm, giáo viên giải thích, hướng dẫn để phụ huynh hiểu những thuận lợi, khó khăn trong việc thực hiện CTGDPT 2018, tạo niềm tin và tâm lí sẵn sàng hỗ trợ con em ở nhà cho phụ huynh.
Tạo điều kiện cho phụ huynh gặp gỡ giáo viên sau các buổi học nếu phụ huynh có như cầu. Với những học sinh tiếp thu bài chưa như mong muốn, giáo viên cần chủ động mời phụ huynh đến để trao đổi, tư vấn, hướng dẫn, bàn biện pháp phối hợp giữa phụ huynh và giáo viên để giúp các em tiến bộ.
Không giao bài tập về nhà đối với học sinh đã học 2 buổi/ngày ở trường.
Không sử dụng hình thức nhắn tin (hoặc các hình thức tương tự) nhận xét về những em học sinh học tập chưa như mong muốn, tránh gây áp lực tâm lí cho phụ huynh, học sinh.