Nhiều người nhận xét Hào là cô gái dũng cảm, cá tính và đầy bản lĩnh. 29 tuổi, cô trở thành giám đốc của Công ty lữ hành Tây Sơn Tourist, cũng là cô chủ nhỏ của tiệm photocopy, tự nuôi sống bản thân và tạo việc làm cho người đồng cảnh ngộ.
Không ít người hỏi về thân hình khiếm khuyết ở tuổi xuân thì, Hào chỉ nhẹ nhàng mỉm cười. Bản thân cô đã trải qua cú sốc đó, lớn lên, trưởng thành cũng từ những khiếm khuyết, nên những ánh mắt ái ngại của người khác không còn trở thành nỗi ác cảm trong mắt cô gái.
Vừa tròn 3 tháng tuổi, Hào mắc chứng bệnh viêm da. Ở vùng quê nghèo ngày ấy chưa có trạm y tế, ba mẹ thương con chỉ biết bồng tới thầy lang cầu cứu.
Rồi do chữa trị không đúng cách dẫn đến nhiễm trùng. Cho đến khi bệnh nặng tìm tới các bác sỹ thì được tư vấn phải cắt bỏ toàn bộ phần da bị hoại tử để đảm bảo an toàn tính mạng.
Từ đấy, Hào trở thành người khuyết tật. Mang trên mình đôi chân teo nhỏ, cột sống bị vẹo sang một bên nên hằng ngày Hào phải tới trường nhờ vào đôi chân của ba.
“May mắn nhất là vẫn được tới trường, dù biết lúc đó ba má vất vả nhiều lắm. Nên nhiều lúc không dám khóc sợ lại khiến ba má phiền lòng” - Hào tâm sự.
Những ngày tháng miệt mài đèn sách và ước mơ cháy bỏng, cuối cùng cô cũng đặt chân lên giảng đường đại học. Tờ giấy báo trúng tuyển ĐH Quy Nhơn, khoa Kinh tế, chuyên ngành Quản trị Kinh doanh khiến Hào và cả nhà bật khóc.
Ai cũng vui mừng nhưng không ngớt lo lắng khi từ đây cô gái thôn quê bé nhỏ, khuyết tật hoàn toàn phải tự lập cho cuộc sống của mình. Thế mà Hào làm được.
Ngoài cố gắng làm quen với môi trường mới, cô sinh viên khuyết tật luôn cố gắng đạt thành tích học tập tốt nhất, không để thua kém bạn bè.
Song, cho tới khi cầm tấm bằng loại khá trên tay đi xin việc, nỗi chạnh lòng lại dấy lên trong lòng cô gái trẻ. Nhiều cái lắc đầu không nhận, chỉ bởi Hào không đáp ứng được ngoại hình.
Gần nửa năm ròng ôm hồ sơ đi xin việc không thành, Hào nhận làm một công việc trái ngành, dành dụm cho một kế hoạch phát triển du lịch ở chính vùng quê nghèo mà mình sinh ra. Cùng lúc Hào thuê mặt bằng mở quán photocopy để tăng thu nhập và tạo thêm tiềm lực để thực hiện kế hoạch phát triển du lịch.
Năm 2012, Cty TNHH Du lịch Tây Sơn Tourist chính thức thành lập, ngoài cô giám đốc là người khuyết tật thì 4 nhân viên còn lại cũng chính là những… nông dân, người khuyết tật!
“Mình quyết định lựa chọn họ vì muốn giúp họ tăng thu nhập và cả sự nhận thức về giá trị. Những bạn khuyết tật có thể hỗ trợ phát triển phần mềm, PR, kết nối du khách. Còn những nông dân chân chất mới là người hiểu thực sự về vùng quê mình đang sống” - Hào giải thích.
Riêng cô giám đốc kiêm luôn việc đưa đón, hướng dẫn viên khiến không ít người ngưỡng mộ. Hiện, mỗi tháng Cty thu hút khoảng vài chục lượt khách du lịch.
Điểm đến là các làng nghề truyền thống, làng quê thuộc các huyện Vĩnh Thạnh, Tam Quan, Phù Mỹ, Tây Sơn… Nhiều người lại thích thú với tour leo núi và trải nghiệm cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số.
Từ Hà Nội vào tham dự tour du lịch về làng quê, anh Nguyễn Văn Chiến chia sẻ: “Lần đầu tiên mình tham gia một tour du lịch đặc biệt thế này. Không chỉ bị mê hoặc bởi cảnh yên bình của một vùng quê với tiếng gà gáy bình minh, với những món ăn dân dã, chân chất tình quê mà hơn thế nể phục ý chí của một cô gái trẻ khuyết tật”.