Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy |
Một người nguyên là kế toán cho người phụ nữ giàu nhất nước Pháp là Liliane Bettencourt (người thừa kế hãng L’Oreal), đã công bố tin này cho trang web Mediapart, nói rằng ông Sarkozy đã lấy số tiền do Bettencourt đóng góp cho chiến dịch tranh cử tổng thống của ông năm 2007.
Ông Eric Woerth, hiện tại là Bộ trưởng Bộ Lao động, khi đó là thủ quỹ cho chiến dịch của ông Sarkozy, cũng bị cho là đã tiếp tay trong vụ bê bối này. Tuy nhiên, cả bộ trưởng và tổng thống đều từ chối cáo buộc trên và cho rằng đây là một sự vu khống.
Đây là “một sự vu không với một mục tiêu duy nhất là bôi nhọ mà không có cơ sở thực tế” – ông Sarkozy nói sau một văn bản do phát ngôn viên của ông đưa ra nói rằng tiền đóng góp của Bettencourt là “hoàn toàn không có” và “vô căn cứ”.
Cựu nhân viên kế toán kia cũng nói rằng ông Sarkozy là một vị khách thường xuyên của gia đình Bettencourt và đã nhận phong bì tiền mặt khi còn là thị trưởng Neuilly – một thị trấn giàu có phía bắc Paris.
Một số chính trị gia cánh hữu cũng nằm trong danh sách “nhận quà” của Bettencourt, người có số tài sản ước tính 20 tỉ USD và hiện tại cũng đang bị cáo buộc có các tài khoản bí mật tại một ngân hàng ở Thụy Sĩ để trốn thuế ở Pháp.
Theo luật Pháp, sự đóng góp của cá nhân cho một ứng cử viên không được quá 5.800 USD.
Thông tin trên, chưa rõ có chính xác hay không, nhưng rõ ràng nó càng làm xấu đi hình ảnh của nội các Pháp đang rối bời. Hai bộ trưởng Pháp vừa từ chức hôm chủ nhật vừa qua vì chi quá nhiều tiền thuế cho sự tiện nghi cá nhân và việc này đã gây ra phẫn nộ trong công chúng.
Các thành viên của Đảng Xã hội (SP), đảng đối lập chính, cũng đưa ra sự phẫn nộ trước thông tin bê bối trên.
Ông Martine Aubry - tổng thư ký của SP kêu gọi ông Sarkozy tự giải thích và cho rằng nước Pháp đang “đối mặt với một cuộc khủng hoảng lớn về lòng tin”.
Thậm chí một số thành viên đảng cầm quyền cũng nói rằng tổng thống nên nói chuyện với người dân và đảm bảo khủng hoảng chính trị này được kiểm soát.
Theo một cuộc khảo sát của tổ chức thăm dò danh tiếng BVA, mức độ tín nhiệm của ông Sarkozy cũng đang rơi vào mức thấp nhất là 33% và ông đã trở thành vị tổng thống Pháp không được ưa thích nhất trong vòng 3 thập kỷ nay.
Hà Châu (Theo Xinhua)