(GD&TĐ) - Sáng 9/4, chương trình Điểm báo trên VTV1 có nhắc tới một bài báo nào đó cho biết có hiện tượng hàng trăm học sinh THPT Nguyễn Hiền (TP HCM) xé đề cương môn Lịch sử. Sau đó tác giả bài báo đã cho rằng: Nền giáo dục Việt Nam đang sụp đổ. Là một giáo viên có gần 25 năm kinh nghiệm dạy Lịch sử ở trường phổ thông, đồng thời cũng có con trưởng thành từ Khoa học xã hội nhân văn, tôi thực sự bức xúc trước cách đưa thông tin quy chụp như vậy.
Học sinhh Trường THPT Nguyễn Hiền (TPHCM) cho biết đang tìm cách để "lấy lại hình ảnh". Ảnh: Báo Dân trí |
Mấy ngày qua tôi đã bắt gặp nhiều bài viết “mổ xẻ” xung quanh một đoạn clip quay cảnh học sinh từ trên tầng 4 của Trường THPT Nguyễn Hiền tung giấy đã được xé vụn trắng xóa xuống sân trường. Qua nhiều nguồn tin mà những tờ báo đã đưa một cách khách quan, nhất là từ ý kiến hiệu trưởng, giáo viên và học sinh của Trường THPT Nguyễn Hiền, cho tới thời điểm này mọi sự đã rõ ràng: Đoạn video clip ghi hình ảnh học sinh lớp 1 từ tầng 4 xé giấy vụn ném xuống sân trường không hoàn toàn là đề cương môn Lịch sử mà trong đó có cả giấy vụn, giấy nháp, tờ rơi quảng cáo. Và không phải là hàng trăm em xé giấy mà chỉ là một số em cá biệt ngẫu hứng làm vậy cho vui, thế mà cũng thành to chuyện. Từ một hình ảnh quay chụp chỉ để chơi cho vui, rồi một tờ báo đưa tin, rồi lại vài tờ báo khác “ăn theo” na ná. Sao mấy năm nay tình trạng ấy xảy ra phổ biến quá. Báo chí bây giờ sao cứ thích gây sốc vậy? Hãy trở về với cái tuổi “nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò” để thông cảm với tâm lý chung của các sĩ tử là bớt thi môn nào là phấn khởi môn ấy chứ đâu riêng gì môn Sử…”.
Tại sao thay vì cứ nói lại mãi những chuyện đã cũ, người ta không nói về những điều tốt đẹp, sáng sủa hơn; chẳng hạn như viết về những tấm gương thầy cô giáo dạy giỏi, say mê với môn Lịch sử (tôi thấy rất nhiều ở đồng nghiệp của tôi), những học sinh đạt giải cao và những bài viết tốt ở bộ môn này (như đã được vinh danh tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám hồi năm học vừa qua), hay những bài viết đưa ra các giải pháp tích cực của các nhà chuyên môn, khoa học có tâm huyết về đổi mới dạy và học Lịch sử mà mới đây chúng tôi được nghe tại một Hội thảo Quốc gia về đổi mới dạy và học Lịch sử ở trường phổ thông Việt Nam.
Thời đại bùng nổ thông tin mạng, có thể xã hội ít chấp nhặt trước dạng thông tin thiếu kiểm chứng. Nhưng thật khó có thể chấp nhận chỉ từ một sự việc học sinh xé đề cương môn Lịch sử mà lại cho rằng, nền giáo dục Việt Nam đang sụp đổ. Sự chủ quan, thiếu trách nhiệm ấy chỉ đơn giản vì áp lực thu hút người đọc mà vô tình gây ra sự tổn thương sâu sắc cho biết bao nhà giáo đang âm thầm với sự nghiệp trồng người.
Nguyễn Thị Kim Oanh (Đà Nẵng)