Tồn kho bất động sản quý I hơn 450 nghìn tỷ đồng

GD&TĐ - Quý I/2023 ghi nhận hàng tồn kho của doanh nghiệp bất động sản đã công bố báo cáo tài chính còn gần 456,5 nghìn tỷ đồng.

Tồn kho bất động sản quý I hơn 450 nghìn tỷ đồng

Quý I/2023, trong bối cảnh thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn ảnh hưởng đến nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp có lượng hàng tồn kho tăng.

Theo thống kê từ VietstockFiance, có tới 15 doanh nghiệp bất động sản hàng tồn kho chiếm từ 50% tổng tài sản tính đến cuối quý I. Phần lớn đây là các doanh nghiệp bất động sản nhà ở.

Đứng đầu danh sách này là Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị Từ Liêm (MCK: NTL). Đây là doanh nghiệp có tỷ lệ hàng tồn kho lớn nhất, chiếm 76% trên tổng tài sản, tương đương gần 2.000 tỷ đồng. Theo đó, chi phí sản xuất và kinh doanh dở dang chiếm phần lớn, tương đương 98%.

Tiếp đến là Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng HUD4 (MCK: HU4) có lượng hàng tồn kho chiếm 74% tổng tài sản, với 511 tỷ đồng. Tập đoàn Khang Điền (MCK: KDH) có tồn kho 12,6 nghìn tỷ đồng, chiếm tới 61% tổng tài sản.

Đứng cuối cùng trong danh sách này này là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (MCK: DXG) với lượng hàng tồn kho chiếm hơn 50% tổng tài sản.

Ngoài ra, trong tổng số 40 doanh nghiệp địa ốc lớn về phát triển nhà ở thuộc hàng tiêu biểu nhất đang niêm yết và tự công bố thông tin, có khoảng 2/3 số doanh nghiệp được khảo sát ghi nhận hàng tồn kho tăng.

Trong đó, lượng tồn kho tăng mạnh nhất phải kể đến là: Tập đoàn Bất động sản CRV (tăng gấp 3 lần), Tài chính Hoàng Huy (tăng 92%), Đạt Phương (tăng 23%), Xuân Mai (tăng 14%)…

Lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp bất động sản trong quý I/2023 còn gần 456,5 nghìn tỷ đồng.

Lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp bất động sản trong quý I/2023 còn gần 456,5 nghìn tỷ đồng.

Xét theo khối lượng tài sản, hàng tồn kho của doanh nghiệp bất động sản đã công bố báo cáo tài chính trong quý I/2023 ghi nhận còn gần 456,5 nghìn tỷ đồng.

Cụ thể, các doanh nghiệp có giá trị hàng tồn kho lớn nhất lần lượt là: Novaland (136.904 tỷ đồng), Vingroup (91.911 tỷ đồng), Vinhomes (60.947 tỷ đồng), Nam Long (15.611 tỷ đồng), Đất Xanh (15.114 tỷ đồng), Khang Điền (12.656 tỷ đồng), Phát Đạt (12.131 tỷ đồng), Quốc Cường Gia Lai (7.093 tỷ đồng), DIC Corp (6.037 tỷ đồng), Tài chính Hoàng Huy (5.072 tỷ đồng), An Gia (4.059 tỷ đồng).

Giới chuyên gia nhận định, lượng hàng tồn kho bất động sản tăng lên trong trường hợp xấu sẽ trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp nói riêng và cho nền kinh tế nói chung.

Bên cạnh những vấn đề liên quan đến pháp lý, quá trình triển khai dự án mất nhiều năm, tiến độ bị ảnh hưởng do nguồn vốn đang bị siết chặt..., việc hàng tồn kho tồn đọng quá nhiều và lâu năm sẽ trở thành gánh nặng về thanh khoản và chi phí cho nhiều doanh nghiệp bất động sản trong thời gian tới.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang gặp nhiều khó khăn, do khó tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng. Điều này dẫn đến nhiều doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ hoặc tạm dừng triển khai thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng, dẫn đến chi phí của doanh nghiệp cũng tăng cao gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Thậm chí, một số doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong phát hành trái phiếu và huy động vốn dẫn đến nguy cơ nhiều doanh nghiệp không có khả năng thanh toán, trả nợ đúng hạn.

Thống kê từ Bộ Xây dựng cho thấy, tổng lượng tồn kho bất động sản trong quý I/2023 khoảng 18.808 căn, nền (bao gồm chung cư, riêng lẻ, đất nền).

Bên cạnh đó, trong quý I/2023 số doanh nghiệp BĐS giải thể, ngừng kinh doanh có thời hạn lần lượt là 341 doanh nghiệp, giảm 30% và 1.816 doanh nghiệp, tăng gần 61% so với cùng kỳ năm trước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ