Bởi theo báo cáo tài chính, tính đến 31/12/2017, lượng hàng tồn kho của 7 “đại gia” BĐS là khoảng 40.763 tỷ đồng. Trong khi đó, báo cáo của Bộ Xây dựng trước Thường vụ Quốc hội là 26.000 tỷ đồng (tính đến tháng 11/2017). Không ít người đặt câu hỏi, vậy đâu là con số chính xác?
Độ vênh khá cao
Theo báo cáo tài chính của một số doanh nghiệp BĐS công bố mới đây cho thấy, hiện Novaland đứng đầu danh sách hàng tồn kho tính đến ngày 30/6/2017, còn hơn 20.000 tỷ đồng (tăng hơn 5.000 tỷ đồng so với 30/12/2016). Công ty CP Phát triển BĐS Phát Đạt tính đến cuối tháng 12/2017 còn hơn 5.147 tỷ đồng tồn kho. Công ty CP Quốc Cường Gia Lai tồn kho 5.540 tỷ đồng. Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc tồn kho 8.322 tỷ đồng. Công ty CP Tư vấn thương mại dịch vụ địa ốc Hoàng Quân tồn kho 839 tỷ đồng. Công ty CP Đầu tư Văn Phú – Invest tồn kho 915 tỷ đồng...
Như vậy, tổng số hàng tồn kho của các công ty trên đang vênh rất lớn so với số liệu mà Bộ Xây dựng công bố (26.000 tỷ đồng) trước Thường vụ Quốc hội. Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Ngọc – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BĐS Nhà Phát cho rằng, mỗi doanh nghiệp có cách đánh giá tồn kho BĐS khác nhau. Cụ thể là cần đánh giá sản phẩm ở phân khúc nào, thời điểm nào, giai đoạn nào hoàn thành xong.
“Chúng ta cần tìm hiểu nguyên nhân tồn kho là gì. Bởi nếu chỉ tồn kho theo quy trình công nghệ xây dựng thì là bình thường. Nhưng có liên quan đến pháp lý, công tác quản lý, tồn kho lâu dài dẫn đến rủi ro gây nợ đọng kéo dài và nhiều vấn đề khác sẽ tiềm ẩn những rủi ro khó lường thì lại là chuyện khác” - ông Ngọc nói.
Nhìn ở một góc độ khác, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, chúng ta cũng không thể đánh giá sai hay đúng về số liệu của Bộ Xây dựng và của các doanh nghiệp. Bởi từ trước đến nay, chưa có bất cứ một tổ chức độc lập nào cung cấp số liệu một cách chính xác, đầy đủ và cập nhật về thị trường BĐS Việt Nam. Trên thực tế hiện nay, đánh giá tồn kho BĐS chủ yếu vẫn trông chờ vào số liệu của cơ quan quản lý là Bộ Xây dựng công bố thì chúng ta mới biết...
Rất cần thông tin minh bạch
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, chúng ta rất khó có thể đánh giá quy mô, mức độ tồn kho BĐS trong thời gian qua, khi số liệu của Bộ Xây dựng và của các doanh nghiệp cũng như các hiệp hội thiếu thống nhất.
Còn theo đại diện của Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA), đầu vào của hệ thống thông tin rất quan trọng, đó là từ quy hoạch, quy mô dự án, đến phân loại phân khúc... các cơ quan Trung ương và địa phương nắm ưu thế. Tuy nhiên, VNREA nắm kênh đầu ra của thị trường BĐS. Chính vì vậy, Bộ Xây dựng đã làm việc với Hiệp hội và có hợp tác để hai bên cùng chung tay xây dựng hệ thống thông tin trên cơ sở thế mạnh của từng mắt xích.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Ngọc lại cho rằng, thông tin thị trường hiện nay kém minh bạch, không được cập nhật kịp thời. Thông tin không được báo cáo, sử dụng, phân tích, công bố cho những người quan tâm, đó là doanh nghiệp và người dân. Bởi trong Luật Kinh doanh BĐS và Luật Nhà ở được điều chỉnh năm 2014, đều dành 1 chương quan trọng để quy định các điều khoản chi tiết thu thập thông tin cơ sở, số liệu, tiêu chí để đánh giá thị trường BĐS. Đồng thời, quy định rất rõ ràng nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi của chính quyền, doanh nghiệp, của hiệp hội BĐS để thiết lập hệ thống thông tin nền tảng cho thị trường nhằm phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước...