Tội phạm tài chính NH trong thời khó

Tội phạm tài chính NH trong thời khó

(GD&TĐ) - Năm 2010, cuộc khủng hoảng tài chính trên thế giới tuy có phần lắng xuống, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều biến động khó lường. Trong điều kiện như vậy, các tổ chức tín dụng trong nước gặp không ít khó khăn, chật vật.

ảnh chỉ mang tính minh họa
ảnh chỉ mang tính minh họa

Cụ thể, trong những tháng đầu và cuối năm 2010, việc huy động vốn của các tổ chức tín dụng rất khó khăn. Nhiều ngân hàng “ngại” cho vay mới, tập trung thu hồi nợ, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng bị đẩy lên cao. Một số ngân hàng thương mại lâm vào tình trạng thiếu thanh khoản. Vì vậy, các ngân hàng đã phải tăng lãi suất huy động để thu hút vốn. Một số ngân hàng thương mại tìm cách lách luật, huy động, cho vay vượt trần như ngoài lãi suất còn tặng quà, tiền thưởng, thu phí trái quy định.

Để các ngân hàng chủ động trong hoạt động tín dụng, NHNN đã cho phép các ngân hàng thương mại được phép cho vay theo thỏa thuận đối với tất cả các hợp đồng ngắn, trung và dài hạn. Với những khó khăn và những quy định mới trong lĩnh vực ngân hàng đã tạo môi trường để nhiều đối tượng trong và ngoài ngành ngân hàng lợi dụng nhằm thực hiện hành vi phạm tội. Các nhóm cổ đông lớn ở một số ngân hàng TMCP có biểu hiện thao túng, điều hành hoạt động của ngân hàng nhằm phục vụ lợi ích riêng, lập các doanh nghiệp vệ tinh và sử dụng vốn vay đầu tư vào chứng khoán, bất động sản tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi do.

Trong năm 2010, lực lượng CSKT đã phát hiện 30 vụ tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, thiệt hại trên 1.000 tỷ đồng, trong đó có vụ lừa đảo trên 400 tỷ đồng của Ngân hàng liên doanh Việt - Nga và một số ngân hàng khác; vụ lừa đảo chiếm đoạt 120 tỷ đồng tại Ngân hàng NN & PTNT chi nhánh Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh; vụ vi phạm các quy định về cho vay tại Ngân hàng Công thương chi nhánh Long Thành, Đồng Nai thiệt hại trên 300 tỷ đồng...

Phần lớn các vụ việc phạm tội đều có sự thông đồng, tiếp tay của cán bộ thoái hóa, biến chất trong ngành ngân hàng. Thủ đoạn phạm tội chủ yếu liên quan đến các ngân hàng là thành lập doanh nghiệp, làm giả hồ sơ, lập phương án kinh doanh giả để thế chấp vay vốn ngân hàng chiếm đoạt rồi bỏ trốn; lợi dụng chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất để cho vay sai đối tượng nhằm mục đích vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản; gây khó khăn, nhũng nhiễu, đòi thêm chi phí khi cho vay...

Các vụ việc sai phạm khi bị phát hiện, điều tra, xử lý thì phần lớn tài sản bị chiếm đoạt đã được chuyển hóa, dẫn đến khả năng thu hồi, khắc phục hậu quả gặp rất nhiều khó khăn. Trước tình hình phức tạp trong lĩnh vực ngân hàng, lực lượng CSKT đã, đang và sẽ tiếp tục phối hợp với các ngân hàng và tổ chức tín dụng khác nhằm tăng cường kiểm soát, phát hiện các nghi vấn, các vụ việc vi phạm để xử lý nghiêm theo qui định của pháp luật.

Lâm Bách

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ