Tôi không đi mà...tôi sẽ bay!

Ánh Ngọc - Nữ sinh khuyết tật K55 Tâm lý học (ĐHKHXH&NV) - luôn tự nhắc nhở rằng mọi thứ đều có thể vượt qua. "Tôi không đi bằng đôi chân, nhưng tôi sẽ bay bằng đôi cánh ước mơ và đam mê".

Nguyễn Thị Ánh Ngọc trong ngày nhận bằng cử nhân.
Nguyễn Thị Ánh Ngọc trong ngày nhận bằng cử nhân.

Cô gái giàu nghị lực

“Cuộc đời là những con đường dài mà chúng ta không thể biết được phía trước con đường đó có điều gì đang đợi chờ mình, những con đường đó có thể bằng phẳng cũng có thể gập ghềnh, nhiều chông gai: Cuộc sống là đấu tranh, chấp nhận và vượt qua!”. Đó là những gì mà Ánh Ngọc đã chia sẻ với chúng tôi khi bắt đầu cuộc trò chuyện.

Năm 2005 Ánh Ngọc đã phải trải qua cuộc phẫu thuật dài 15 tiếng và sau đó chân cô đã bị liệt, không thể đi lại được nữa. Trải qua đau đớn và nỗi tuyệt vọng vô cùng Ánh Ngọc đã tự nhủ mình phải vững vàng cứng rắn vì cô biết, nếu cô sụp đổ gia đình cô cũng sẽ sụp đổ theo.

Quay lại trường học sau ca phẫu thuật, Ánh Ngọc đã nỗ lực học tập hết mình để thi đỗ đại học nhưng khó khăn nối tiếp khó khăn khi bố mẹ và họ hàng, không ai đồng ý cho cô đi học xa nhà như vậy cả. 

Không phải vì gia đình không muốn cho cô đi học mà lo cô sẽ vất vả và thêm nữa là những khó khăn về tài chính. Nhiều khó khăn trở ngại, nhưng Ánh Ngọc không lùi bước.

“Động lực lớn nhất của tôi chính là bản thân. Tôi quan niệm cuộc sống là đấu tranh, chấp nhận và vượt qua. Tôi không muốn buông xuôi tất cả, kết thúc cuộc sống của mình trong 4 bức tường khiến sự tồn tại của bản thân trở lên vô nghĩa. 

Tôi muốn khẳng định giá trị của bản thân, muốn tìm kiếm cơ hội cho chính mình và làm chủ tương lai của bản thân. Đồng thời 1 phần còn vì gia đình tôi. 

Nếu tôi không vươn lên, có thể tôi sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và đặc biệt tôi không muốn trở thành vật cản trong việc tìm kiếm hạnh phúc của em gái tôi sau này” - Ánh Ngọc nói.

Lên thành phố học là một quyết định vô cùng khó khăn với cô, một môi trường hoàn toàn mới mà không có người thân bên cạnh. Cô gái liệt chân phải học cách tự lập, tự sắp xếp cuộc sống của bản thân, tự lên kế hoạch cho việc chi tiêu cũng như học tập của mình và phải học cách xử lý những tình huống một cách độc lập.

Cô đã liên hệ và nhận được sự giúp đỡ của Trung tâm Sống độc lập Hà Nội để có thể sinh hoạt độc lập mà không cần sự chăm sóc của người thân. Cùng với đó là sự giúp đỡ từ các anh chị sinh viên đi trước và các thầy cô Trường ĐHKHXH&NV.

Ước mơ không bao giờ tắt

Nguyễn Thị Ánh Ngọc trong buổi gặp mặt với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
Nguyễn Thị Ánh Ngọc trong buổi gặp mặt với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Năm 2013, Ánh Ngọc đã tự tin tham gia liên hoan văn nghệ “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết” và trở thành hoa khôi. Việc này đã mang lại cho cô cơ hội mới để cô tự khẳng định bản lĩnh của chính mình, mở ra cho cô những cánh cửa mới để tự tin hơn vào con đường cô đã lựa chọn.

Với sự chăm chỉ và nỗ lực không ngừng, năm nay cô lại đón thêm tin vui khi tốt nghiệp loại giỏi ngành Tâm lý học với tổng điểm 3,24. Kết quả này khiến mọi người càng khâm phục cô hơn.

Giờ đây, mọi sóng gió đã tạm dịu lắng, cô đã là cử nhân ngành Tâm lý lâm sàng (Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội).

Vẻ mặt rạng rỡ Ánh Ngọc chia sẻ: “Nhìn lại chặng đường mình đã đi qua, tuy không hề dễ dàng, nhưng tôi có thể mỉm cười nói rằng: ""Tôi đã trưởng thành”. 

Ước mơ của tôi là trở thành một nhà trị liệu tâm lí. Tôi có quan điểm: Chữa lành vết thương tâm hồn cho người khác nghĩa là đã tự chữa lành vết thương tâm hồn cho chính mình. 

Hiện tại tôi đang có ý tưởng về 1 dự án về dịch vụ trợ giúp tâm lý cho người khuyết tật. Thực ra ý tưởng này của tôi ấp ủ khá lâu rồi, nhưng nó mới dừng ở giai đoạn viết kế hoạch. 

Trước hết, tôi muốn tìm kiếm một công việc ổn định để có thu nhập tự lo cho cuộc sống của bản thân đã”.

Theo tamguong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.