Cứ mỗi lần đến ngày tựu trường, tôi lại nhớ đến thầy Tơ Ngôn Via - hiệu trưởng Trường Tiểu học La Dê, huyện Giằng (nay là huyện Nam Giang, Quảng Nam) vào những năm 1980.
Một lần ngã xuống vực
Ở các trường vùng cao miền núi lúc bấy giờ thường có cái lệ là giáo viên mới nào khi đến nhận công tác cũng chịu sự thử thách ít nhiều của ban giám hiệu. Và khi tôi vừa đặt balô sau ba ngày băng rừng vượt suối đến Trường tiểu học La Dê cũng bị thử thách khó chịu này.
Tôi dạy ở trường xã. Đặc điểm của trường xã vùng cao lúc bấy giờ là lương thực do bà con địa phương cung cấp nên cứ mỗi tháng ban giám hiệu cùng giáo viên thay phiên nhau đi gùi lương thực từ các bản làng; ngoài ra còn đi gùi rau quả ở rẫy mà bà con trồng cho sẵn. Tôi là giáo viên mới nên cứ hai buổi chiều một lần thầy Via lại “mời” tôi đi gùi rau quả.
Những con đường ở đây thật dễ sợ, hết đồi sang núi, hết suối lại khe rồi sên, vắt, rắn rết... Vào mùa mưa càng thấy ớn lạnh hơn. Đường cây cối um tùm, nhầy nhụa, trơn trượt, lội qua những con suối đá mốc meo, nước ống đổ bất ngờ, trôi như chơi.
Nhiều lần chán nản tôi nguyền rủa cái số kiếp mạt hạng của mình, chửi thầm cái trò thử thách quái đản này, rồi tôi căm tức thầy Via.
Một chiều mùa đông, tôi với thầy Via đi gùi gạo ở một buôn làngcách trường khoảng 5km, đường rất khó đi. Lúc này tôi gùi cũng kha khá, được ba ang gạo, còn thầy Via thì khỏi phải nói. Lần nào thầy cũng gùi năm ang, mặc dù thầy cũng gầy gầy như tôi, tuổi đã trên 40, song thầy rắn chắc, dãi dầu sương gió hơn tôi nhiều.
Trên đường về, leo lên dốc Lồ Ô. Dốc này toàn là tre lồ ô nên người địa phương gọi là dốc Lồ Ô. Hai bên sườn dốc là hố sâu, cây cối rậm rạp. Leo đến lưng chừng dốc, tự dưng cơn bệnh sốt rét tôi bị khi mới lên trường vài ba ngày lại lên cơn đột ngột.
Tôi rùng mình ớn lạnh, xây xẩm mặt mày, gục ngã bên cạnh bụi tre lồ ô lúc nào chẳng hay. Khi tỉnh lại, tôi thấy mình nằm trên chiếc giường của mình ở trường.
Trong cơn mê sảng
Sau này tôi mới biết thấy tôi tự nhiên đổ gục, chuẩn bị lăn xuống vực, thầy Via liền quăng gùi gạo, nhào đến ôm lấy tôi. Vì lỡ trớn nên khi ôm được tôi, thầy bị ngã, tôi nằm chồng lên người thầy và may mắn là thầy và tôi nằm vắt ngang bụi tre lồ ô, nếu không thì cả hai lăn xuống vực chỉ có chết.
Sau đó thầy Via lựa thế gỡ tôi ra, vác tôi về trường, rồi hối hả giục đồng nghiệp chăm sóc tôi, còn thầy hai lần quay lại gùi gạo của thầy và gạo của cả tôi.
Lần sau, đến tối mịt thầy mới về đến trường, tất cả đồng nghiệp đều lo sợ hỏi vì sao thầy về tối đến thế. Thì ra thầy phải men dần xuống vực, dò dẫm tìm chiếc kính cận của tôi khi tôi lên cơn sốt văng ra...
Bị sốt rét triền miên, sức khỏe tôi giảm trông thấy, thầy Via báo cáo về phòng giáo dục, đề nghị cho tôi xuống vùng thấp. Thế là học kỳ II, tôi xa Trường La Dê và xa thầy cho đến tận bây giờ. Và sau đó, thấy tôi không đủ sức khỏe công tác lâu dài và cũng theo đơn xin chuyển vùng của tôi, phòng cho tôi được chuyển về quê.
Đầu năm học sau, tôi lên phòng để vừa nhận quyết định chuyển vùng, cũng vừa để từ giã anh em. Tôi gặp đồng nghiệp ở Trường tiểu học La Dê về học chuyên môn ở phòng để chuẩn bị cho năm học mới nhưng không thấy thầy Via đâu cả. Hỏi thăm mấy đứa bạn thì hỡi ôi...
Vì thầy Via sợ tôi trả thù nên không dám xuống để học bồi dưỡng chuyên môn. Tôi ngớ người ra và cặn kẽ hỏi thêm thì được biết rằng lúc tôi lên cơn sốt mê man được thầy Via cõng từ rừng về trường, tôi đã đòi giết thầy vì thầy ép tôi đi vác gạo, vì thầy thành kiến tôi...
Nghe xong tôi sững sờ, quả là chuyện “từ trên trời rơi xuống đất”. Một lời nói trong cơn hôn mê đã làm người cứu mạng tôi lại sợ tôi, không dám đi học chuyên môn để nâng cao tay nghề. Một lời nói trong mê sảng mà gây tác hại đến động trời như vậy! Thầy Via ơi, sao thầy thật thà đến thế? Tôi có tội với thầy!
Đến bây giờ, gần 30 năm trôi qua, tôi vẫn còn day dứt, ân hận cho cái tôi ích kỷ, ấu trĩ của mình ngày mới ra trường, tôi thấy xấu hổ cho cái sự nông cạn trong nhận thức của mình ngày ấy.
Viết lại kỷ niệm này, ngoài việc mong thầy Via tha thứ, tôi còn tha thiết khuyên bạn trẻ mới bước vào đời, vào nghề, nhất là nghề giáo hãy tin vào thế hệ đi trước, bình tâm chấp nhận con đường mình chọn, đừng hồ đồ, thiển cận như tôi để rồi vô tình hay hữu ý phụ lòng tốt của đồng nghiệp, mà có khi còn làm khổ người khác để rồi về sau day dứt mãi không thôi...